Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

NGHỀ XÀ ÍCH NGÀY XƯA *K’Sim (Dăk Nông)

Bến xe ngựa ở Ban mê thập niên 60...
NGHỀ XÀ ÍCH NGÀY XƯA
*K’Sim (Dăk Nông)
Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in người đánh xe ngựa ở Mỹ Tho là ông Bảy Tốt, người ta thường ông ‘Xà Tốt’, bởi ‘tài’ xe ngựa bấy giờ còn có tên là ‘xà ích’.
Vào những năm 1970, do chiến tranh loạn lạc mà mẹ dắt tôi xuống tận Ngã ba Trung Lương (thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bây giờ) để thuê quán bán hàng nước giải khát. Lúc ấy mặc dù mới 12-13 tuổi nhưng tôi thường đi xe ngựa vào chợ Mỹ Tho mua hàng cho mẹ.
Do quen nên ông Bảy thường cho tôi đi nhờ và tôi được ngồi ngay trên chiếc càng phía trước đối diện với ông Bảy, lúc về có hàng hóa thì bỏ hết vào cái cần xé được ông treo ở hông xe. Con đường dài tới 5-6 km ngựa phải chạy tới 20-30 phút. Ông Bảy là người vui tính, ông và tôi hay nói đủ mọi thứ chuyện trên đời.
Ông Bảy bảo ông biết đánh xe từ hồi còn thanh niên, xe ngựa thời bấy giờ được người ta gọi là xe ‘thổ mộ’. Khi tôi nói ông giải thích rõ hai từ này, ông Bảy cười:
Ông cũng chẳng hiểu chính xác, người thì bảo rằng người Hoa kiều ở Việt nam đọc là ‘Thụ Mã’, nhưng giọng họ không rõ như vậy nên phát âm gần như hai từ ‘Thổ Mộ’. Lại có người nói mui xe ngựa được đóng khum khum y như cái gò mộ đất, bèn gọi là ‘Thổ Mộ’. Nhưng kệ, mình cứ kêu ‘xe ngựa’ là chính xác nhất.
Rồi ông Bảy còn kể tôi nghe chuyện ra đời của chiếc xe ngựa. Ông bảo xe ngựa có xuất xứ bên phương Tây, sau đó đến Trung Quốc, nhưng mỗi xe có hai con ngựa cùng kéo gọi là ‘song mã’.
Trước đó những nhà giàu mua ngựa về làm phương tiện đi lại vì ngày ấy người ta chưa có bất kì một loại xe nào. Thế nhưng chỉ một người cỡi được thôi, cùng lắm là hai người chứ làm sao chở được cả nhà khi đi đám tiệc hoặc đi chơi, nên họ nghiên cứu ra cái xe để dùng ngựa kéo. Ông cho rằng đó cũng là một sáng kiến tuyệt vời và phải khẳng định nó là tiền thân của những loại xe nhỏ, xe to sau này.
Khi người Pháp đưa sang Việt Nam thì vẫn có hai ngựa kéo, nhưng chỉ ít lâu sau người Việt tự chế xe ngựa chỉ cần một ngựa mà thôi, làm người Pháp phục lấy phục để. Bánh xe ngựa thời trước năm 1945 được làm bằng gỗ, những đoạn gỗ được xẻ cong cong chỉ dài khoảng 40-50 cm thôi, nhưng phải là gỗ Hương hoặc gỗ Cam se mới chắc và bền, sau đó được bào gọt cho thật nhẵn rồi ghép lại bằng những đinh vít chắc chắn. Tăm xe được làm bằng những thanh sắt tròn và đặc chịu được sức nặng cả tấn, rồi để tránh ma sát và tránh bị bào mòn bánh gỗ người ta làm chiếc ‘vỏ’ bằng loại cao su đặc dày đến 3-4 phân. Có một điều đặc biệt nữa là khi gắn bánh xe vào trục người ta không cần đến bạc đạn (ổ bi) như các loại xe bây giờ mà trục ngang của xe cũng bằng gỗ hương.
Tôi chợt hỏi: “Thế thì nó nhanh mòn phải thay liên tục sao ông Bảy?”. Ông lắc đầu: “Gỗ hương hay cam se chắc lắm, phải mấy năm mới phải thay chứ không phải thay hoài đâu.”
Khi xe đạp, xe máy, xe hơi có nhiều thì xe ngựa ở các thành phố lớn cũng giảm đi đáng kể, song ở nông thôn vẫn dùng, vì đường xá ở các làng quê bấy giờ chưa được rải nhựa hay bê tông như bây giờ nên về mùa mưa sình lầy lắm, chỉ xe ngựa mới đi được.
Ông Bảy đánh xe ngựa mãi từ năm 1950, nhưng rồi do chiến tranh và sự biến đổi của đất nước, cộng với hoàn cảnh gia đình nghèo toàn phải đi đánh mướn hay gọi là làm phu xe, mà ông phải gián đoạn. Cho tận đến năm 1976, ông phải bán đi 8 sào đất ruộng cộng với số tiền tích trữ bao nhiêu năm trời mới mua được con ngựa và cỗ xe, nên mới chính thức làm nghề liên tục.
Lúc này thì rất ít xe ngựa chạy bằng bánh gỗ nữa mà thay bằng bánh hơi cho nhẹ nên kiểu dáng xe bị thấp hơn, người ngồi trên xe không còn oai phong như trước nữa. Ông Bảy giải thích rõ ràng rằng, thường thùng xe ngày xưa cao ngang với bụng ngựa và được gắn 4 cái ghế đàng hoàng. Nhà giàu thời đó cầm ba toong, đội mũ nỉ, mặc bộ quần áo Tây… ngồi trên ghế cao trông lẫm liệt lắm. Nhưng từ khi thay bằng bánh hơi buộc lòng thùng xe phải đóng thấp xuống, xe ngựa chở khách mà chỉ kéo có một ngựa cần phải đóng thùng cho cân xứng với bánh xe để không bị tròng trành. Vách thùng đóng cao ngập đầu người ngồi, nắng thì kéo bạt ra, mưa phải trùm kín bít bùng.
Xe chở khách chuyên nghiệp hầu như không có ghế mà chủ xe chỉ trải chiếc chiếu sạch dưới thùng xe, khách lên xe thì treo dép, guốc lên các móc phía trên đầu, quanh gánh, thúng mủng. Hàng hóa thì để ngoài gờ hai hông hoặc trên nóc thùng chứ bên trong không thể bỏ thêm cái gì nữa, vì xe chở 6 người, mỗi bên 3 người ngồi ngang chân người nọ phải đặt sát vào mông người đối diện.
Ông Bảy mỗi lần ra bến đợi khách hay đưa khách về bến thường hay ghé quán nhà tôi nên tôi biết xà ích ngày xưa bỏ một số tiền sắm cái ngựa không phải dễ, bởi nghe ông Bảy bảo tới 4-5 cây vàng. Thế nhưng dù có chạy 4 hay 6 chuyến đi về từ ngã ba Trung Lương vào đến chợ Mỹ Tho đi nữa thì cả ngày cũng chỉ mua được 10 ký gạo. Thậm trí sáng ra ông chỉ dám uống ly cà phê, trưa ăn ổ bánh mỳ không để tối đến về nhà ăn cơm chứ bản thân tôi chưa bắt gặp ông Bảy ngồi ăn hủ tiếu hay bún trong tiệm, quán bao giờ. Nhưng khi ngựa bị đau bệnh ông lại phải mướn ngựa kéo xe để giữ khách, những ngày hôm ấy nếu đủ khách chạy hàng chuyến mới còn dư chút đỉnh, thiếu khách coi như huề hoặc lỗ.
Gia đình tôi trở lại Tây nguyên năm 1981. Đến mãi năm 1997 tôi mới về thăm lại thì nghe nói ông Bảy đã bỏ nghề ngay sau khi tôi đi vài năm, phần do tuổi cao, sức yếu, phần vì xe hơi phát triển nhiều người ta chê xe ngựa chạy chậm không đi. Tôi định đi tìm ông, nhưng người làng bảo họ ‘cũng lâu lắm rồi chẳng gặp lại ông ấy nữa, có khi ông Bảy đã mất’. Đành thôi. Thế nhưng nhìn về nơi bến xe ngựa ngày xưa tôi vẫn hình dung như có ông với râu tóc bạc phơ đội chiếc nón lá không còn lành lặn như ngày nào ngồi trên càng xe cầm roi điều khiển con ngựa chuẩn bị xuất bến.
K’Sim (Dăk Nông)
Đăng lại từ diendantheky.net
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét