Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

CHỬI KIỂU HUẾ

“Đồ mi là đồ mi phá, ba mi về là ba mi la”... quả là nghe như hát !
CHỬI KIỂU HUẾ
Hay về giai điệu, chất nhạc, chửi kiểu Huế còn rất mực văn hóa ở nội dung chửi. Không có kiểu chửi chì chiết, tiếng bấc tiếng chì nặng nhẹ, riết róng, thóa mạ, mà chủ yếu là chửi yêu chửi nịnh, chửi lúc này là tỏ tình thương yêu. Một câu chửi như “mả cha mi” người nghe còn hình dung kèm theo tiếng chửi là một cái bẹo má. Hay người mẹ Huế chửi con “mi là đồ con tinh”, “đồ con tinh le le”, là nói zậy mà không phải zậy.
Có lẽ lời chửi có nội dung nặng ký nhất của xứ Huế là “đồ vô hậu”. Điều này xuất phát từ sự chịu ảnh hưởng lâu đời của đạo Nho, xem không có con nối dõi là bất hiếu. Vì vậy khi người Huế chửi ai đó là “đồ vô hậu”, là chửi vỗ mặt, chửi đến cùng. Nhưng chữ “vô hậu” còn có nghĩa rộng của nó chứ không chỉ dừng lại ở nghĩa hẹp không có con nối dõi. “Vô hậu” còn là không có tương lai (như ở chữ mai hậu - mai sau, là tương lai).
Chửi “mắng yêu” là một trong những sắc thái khá đặc sắc của văn hóa chửi kiểu Huế. Vì vậy rất khó diễn đạt trên giấy mà phải là trong ngữ dụng của nó mới có thể hiểu hết các sắc thái nghĩa của một câu chửi cụ thể. Khó có thể mô tả lại câu chửi “à cái mặt coi hay chưa tề” nếu như không được nghe từ một hoàn cảnh nhất định. Con gái Huế thường chửi hay hơn con trai, đàn bà chửi hay hơn đàn ông, người già chửi hay hơn người trẻ, nông thôn chửi hay hơn thành thị... Cái hay hơn ở đây là vốn từ để chửi phong phú hơn và cách chửi dễ chịu hơn.
Từng là cái nôi của trung tâm văn hóa, người Huế thích ăn nói văn hoa, sử dụng nhiều từ Hán Việt cho nên chửi kiểu Huế cũng nằm trong tầm ảnh hưởng này. Một kẻ đa nghi sẽ bị chửi là “đồ đa nghi như Tào Tháo”. Có biết nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc Chí thì mới hiểu được nghĩa của lời chửi. Cách dùng các điển cố, điển tích trong nội dung chửi đã làm nhẹ đi sắc thái đụng chạm của lời chửi, đó là một cách “chửi vòng” rất văn hóa mang đặc trưng kiểu Huế. Đại loại ta chửi mà mi không biết, thâm sâu đó mà nhẹ nhàng, không gây hấn, thúc bách đẩy người bị chửi đi đến chỗ nổi cục nổi hòn, xô xát làm hư việc.
Câu chửi của người Huế thường hay bắt đầu từ chữ “đồ” như một tiếp đầu ngữ. Tính chất định tính chứ không phải là định lượng của chữ “đồ” làm người bị chửi “hoang mang” một cách dễ chịu. Có thể hiểu câu chửi nặng sau đây “mi là đồ chó”, nghĩa là “đồ chó” chứ không phải là “chó”. Dường như ở một số vùng của miền Trung cũng có kiểu chửi này nhưng không đặc trưng như ở Huế.
Dù muốn hay không thì hành vi chửi vẫn cứ tồn tại một khi còn có con người. Vì vậy tìm một nét văn hóa trong hành vi chửi kiểu Huế chính là để nhận thức sâu hơn điều gì ở nền tảng văn hóa đã tác động đến hành vi đó, làm cho chửi trở thành một lời mắng yêu. Tức tối đó mà dịu dàng đó, chửi mà không mạ lỵ, tục mà thanh tao, Và nếu chửi là một lời mắng yêu, lời khen phi văn bản thì tại sao chúng ta lại không mong ước được nghe chửi suốt ngày?»
Vâng, người Huế, nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa . . . làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài . Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì "tụng" mới phê ! Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.
Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm . Người Huế ít khi dùng chữ lắm hay chữ quá mà dùng điệp ngữ: Cái con nớ, lanh cha lanh chanh ! Mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị chồng mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè !: Sao mà nó vô phép quá vậy!
Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh: xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi thui, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt) .
Bởi, cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn !: Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm rể ! Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai !.
Vietnews sưu tầm trên mạng!
(Trích từ nguồn http://viet4rum.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét