Xin gởi vào thời gian... bài viết của thầy giáo Huỳnh Ái Tông.
ĐÁM CƯỚI NHÀ QUÊ
Nhiều khi đi dự đám cưới về, lúc đã nằm nghỉ, tôi nhớ tới những đám cưới ở quê nhà, nhớ đến những người lớn tuổi thuở xưa, nay họ đều đã khuất núi, có dịp nhớ tới những phong tục cưới gả ông bà ta đã truyền lại.
Ở nhà quê, khi có đám cưới thì những người lân cận chung quanh đến giúp, kẻ gánh nước, bửa củi, người làm gà vịt, nấu ăn, kẻ che rạp, bày bàn ghế, người chưng dọn bàn thờ, thậm chí trẻ con cũng giúp ích được một tay là nấu nước, pha trà.
Những đám cưới nhà nghèo thì làm đơn sơ, nhưng những đám cưới nhà khá giả thì che rạp rồi bắt bông tươi hay bông vải trên những cây cột, lại bắt bông cho một cái cổng, người ta dùng những cây chuối, những tàu lá dừa hay lá đủng đỉnh, làm cho cái cổng xinh tươi, cắm thêm những cành hoa điệp, hoa mồng gà, cổng chính ở giữa có khung chữ Vu Qui của nhà gái hay Tân Hôn của nhà trai.
Rạp thường che trước sân nhà, tùy theo lượng khách mời họ hàng mà người ta bày nhiều hay ít bàn, thường là bàn tròn, mỗi bàn với mười hay mười hai ghế.
Nhà gái, luôn luôn đãi ăn vào ngày hôm trước, còn nhà trai ngày hôm trước chỉ nhóm họ, tức là chỉ đãi ăn những người trong thân tộc, những người bà con ruột thịt xa gần tụ hội lại để sắp đặt công việc ngày hôm sau đi rước dâu. Khi rước dâu về, nhà trai mới đãi ăn, vừa đãi ăn nhà gái, vừa đãi ăn khách mời.
Thường vào đêm này, người ta tập cho chú rễ nghi thức lạy gia tiên và lạy ông bà cha mẹ. Lạy gia tiên tức là lạy bàn thờ ông bà thì lạy bốn lạy, còn lạy ông bà cha mẹ thân tộc còn sống chỉ lạy hai lạy. Cách lạy họ không phải chấp hai tay lại mà phải cung hai cánh tay, ngón giữa và ngón đeo nhẫn tay mặt giáp mí tay trái, tạo thành một cung tròn để xá, để lạy.
Nhà trai chuẩn bị gồm có một “Khai trầu rượu”, trong khai ấy có một cái nhạo đựng rượu với 2 hay 4 cái chun uống rượu, một đĩa gồm mấy lá trầu têm vôi sẵn, mấy miếng cau tươi, có thể đậy lên trên một miếng vãi đỏ, một “Khai hộp” là một cái khai có hai cái hộp đồng thau hình ống, có nắp, dùng để đựng nữ trang và tiền đồng, một mâm trầu, mâm nầy trong người ta để cau và trầu, cau vài chục trái, trầu vài chục lá đều là số chẵn, rồi người ta đậy kín lại, làm dấu để không ai được mở ra, chờ cho đến ba ngày sau, cô dâu và chú rễ trở về nhà cô dâu làm lễ “Dở mâm trầu”. Cho nên thường người ta dùng giấy bông cái hình búp sen, đủ lớn chụp lên trên mâm trầu, có một mâm đựng một đôi đèn sáp đỏ, có bắt bông rồng, phụng, tượng trưng cho câu chữ “Loan phụng hòa minh, sắc cầm hảo hiệp”, ngoài ra còn có những mâm rượu, mâm trà, mâm trái cây, mâm bánh mứt, toàn bộ những mâm này phải là số chẵn, tượng trưng cho vợ chồng mới cưới, đủ đôi, chẵn cập, những mâm nầy có thể để trần, có thể phủ giấy màu, có thể dùng cái quả có nắp đậy lại.
Ở nhà quê, thường người ta ăn sớm, cho nên nhà gái mời buổi chiều, có người 2, 3 giờ chiều đã tới, do đó khi khách đến ngồi đủ một bàn, người ta đãi cho khách bàn ấy ăn, có khi người ta dọn tất cả thức ăn một lượt lên bàn ăn, nhưng cũng có khi người ta đãi ăn từng món, như vậy có một người đứng đó tiếp khách để có khi thêm nước chấm, có khi thêm đĩa cơm… còn có thêm một người chạy bàn, bưng dọn ra món mới và dẹp tô, dĩa của món cũ.
Sau khi ăn xong, khách mừng cho cô dâu thường là ít tiền, xưa người ta không có để tiền vào phong bì, cho nên nhà có tiệc cưới, cử một người biên chép họ tên khách và số tiền mừng cho cô dâu vào một cuốn sổ, người này đến tận bàn ăn ghi và nhận tiền. Số tiền này, thông thường nhà gái dùng trang trải chi phí cho đám cưới.
Mấy chục năm trước, đám cưới muốn cho vui người ta dùng máy hát để hát những bộ dĩa hát như tuồng San Hậu, Quan Âm Thị Kính, Tô Ánh Nguyệt. Sau này người ta dùng tới Magnetophone, Cassette, CD và bây giờ là DVD làm cho đám cưới thêm ồn ào, nhộn nhịp.
Đám cưới nào cũng vậy, trong tiệc tùng, có rượu vào thì lời ra, người ta bàn luận về thời sự, văn chương, đạo lý trong những truyện tàu, nào là Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, Thuyết Đường, Thủy Hử.
Các bà các cô có dịp ăn mặc lịch sự, nào là áo gấm, áo the quần lãnh mỹ a, nữ trang với những chiếc vòng chạm, cẩm thạch, dây chuyền với nhiều kiểu “mề đay”, còn hoa tai nhận hột cẩm thạch, sang trọng hơn với những hột xoàn chiếu lóng lánh.
Khu vực bếp núc thì luôn luôn đầy khói, tiếng chén bát khua nhau, tiếng dao bằm thịt trên thớt không ngớt, còn mùi thức ăn thoang thoảng bay xa.
Ở nhà gái, khi khách khứa đã về hết rồi, khoảng 9, 10 giờ đêm, người ta cử hành lễ “Lạy xuất giá“. Cô dâu đến trước bàn thờ ông bà lạy bốn lạy, kế đó lạy cha, mẹ hai lạy, sau đó theo thứ tự từ ông bà bên nội, bác, cô dượng, chú thím, anh, chị. Sau đó tới bên ngoại cũng theo thứ tự ông bà, cậu mợ, dì dượng… những người có đủ cập vợ chồng, cô dâu lạy chung 2 lạy, những người không đủ vợ chồng cũng lạy 2 lạy. Trong dịp này, những người trong thân tộc dự lễ “Lạy xuất giá” của cô dâu, đều có mừng cho cô dâu hoặc nữ trang, hoặc quà hoặc tiền. Tiền hay quà cho cô dâu để làm của mang theo về nhà chồng.
Cách lạy thì cô dâu sau khi xá rồi ngồi xuống, hai chân thu về một bên, xuôi ra phía sau, ngồi thẳng rồi chấp hai tay lại vừa xá xuống, vừa dang hai tay ra, vữa cúi đầu vừa khom lưng xuống một chút rồi cất đầu lên, thân thẳng lên, hai tay chập lại trước ngực để lạy tiếp, nếu đã lạy đủ hai hay bốn lạy thì lấy hai tay chống xuống nền nhà, đứng lên rồi xá một xá.
Thuở nhỏ, trẻ con chúng tôi thường thích coi cô dâu “Lạy xuất giá”, vì nhiều cô dâu vừa lạy vừa khóc, có lẽ nghĩ đến ngày mai là phải xa nhà, xa cha mẹ anh em, “phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”. Bên chồng ở gần thì một đôi tháng còn về thăm cha mẹ, ở xa thì vài đôi năm, phận gái ngày xưa “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nên Ca dao có câu:
Má ơi đừng gả con xa!
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Mấy chục năm trước, tối lạy xuất giá ấy, người ta hay hát đĩa vọng cỗ Mẹ Dạy Con do cô Tư Sạng ca, những lời mẹ dạy con trước khi về nhà chồng thật là thực tế và đầy ý nghĩa.
Ngày rước dâu, nhà trai đi tới nhà gái gồm cha mẹ chú rễ, vài cập vợ chồng người lớn tuổi, chú rễ, một rễ phụ, một số thanh niên, một số thiếu nữ đủ để bưng mâm và tổng số người đi sao cho chẵn.
Ngày xưa, đám cưới hầu hết đều mặc quốc phục, nam áo dài khăn đống, nữ áo dài. Nhà giàu chú rễ mặc áo gấm xanh bông bạc, hoặc mặc áo “thụng” là áo dài có tay rộng hơn, nhà nghèo thì cũng áo dài đen. Khăn đống gồm có bảy vòng, tượng trưng cho “thất phu”, dưới bảy vòng đó có chữ “Nhân” ( 人) là người đã trưởng thành.
Khi đến nhà gái, Rễ phụ bưng mâm trầu rượu vào đặt ở chỗ bàn có những người lớn tuổi ngồi, rót rượu ra chun, xong rồi mời rượu những bậc “trên trước” để trình là nhà trai đã tới, xin cho phép vào làm lễ “Rước dâu”. Nếu nhà gái thấy đủ phép, nói với Rễ phụ mời nhà trai vào, có nơi nhà gái ra cổng mời nhà trai vào.
Khi nhà trai vào, đi trước là Rễ phụ với khai trầu rượu, kế đến là chủ hôn, chủ hôn có thể là cha mẹ hay trưởng tộc hoặc một người trong thân tộc, vợ chồng đầy đủ, nói năng hoạt bát, sau chủ hôn là chú rễ, sau chú rễ là những người bưng các mâm lễ vật, sau đó là những người đi rước dâu. Vào nhà, những mâm lễ vật để trước bàn thờ, nhà gái sẽ mời nhà trai ngồi vào những vị trí riêng biệt, nhất là hai bên suôi gia sẽ ngồi đối diện nhau. Chú rễ và rễ phụ sẽ đứng gần bàn thờ, và khi mọi người ổn định chỗ ngồi xong, rễ phụ sẽ rót rượu ra – Khi rót rượu không bao giờ rót đầy, vì có người uống, có người chỉ nhấp mép một chút cho phải phép, nhưng dù chun rượu còn hay không, người rễ phụ cũng rót một chút rượu mới – Người chủ hôn nhà trai xin phép chủ hôn nhà gái để tiến hành cuộc lễ, trước tiên trình lễ vật là đôi đèn cầy, mâm trầu cau, rượu, trà, bánh mứt, trái cây sau đó là trình nữ trang và số tiền đồng, là số tiền nhà trai phụ cho nhà gái làm lề Vu quy.
Khi nhà gái đã đồng ý chấp nhận lễ vật rồi, cha mẹ cô dâu gọi cô dâu ra chào họ nhà trai. Cô dâu mặc áo dài màu, con nhà khá giả còn mặc thêm áo kép ở ngoài, áo kép cũng là áo dài may rộng hơn một chút và có tay rộng bằng ren, để có thể nhìn thấy áo dài mặc bên trong, trang điểm với những nữ trang nhà trai đã nộp “Sính lễ” lúc đám hỏi.
Tưởng cũng nên nói thêm, khi “Đám hỏi”, nhất thiết nhà gái nào cũng đòi nhà trai phải nộp sính lễ một đôi “hoa tai”, còn gọi là “đôi bông” bởi vì ngày xưa, người ta quan niệm người con gái như một cái hoa, nên nhà trai phải trao cái hoa tai ấy, như một lời ngợi ca đức hạnh và dung nhan cô gái, trong Ca dao có câu:
Gió đưa, gió đẩy bông trang,
Bông búp về nàng, bông nở về anh.
Bông búp về nàng, bông nở về anh.
Người con gái chưa chồng như hoa còn búp, khi có chồng rồi như cái hoa nở. Vì lý do gì, vợ chồng phải xa nhau, thường nhà trai đòi lại đôi hoa tai, để chàng trai đi cưới vợ khác, về vấn đề này, Ca dao có câu:
Một mai thiếp có xa chàng,
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Trước khi đám cưới, nhà gái đòi tiền đồng và có thể đòi thêm nữ trang cho cô dâu, thường khi không đòi thêm nữ trang, nhưng đàng trai cũng cho thêm nữ trang. Nên trước khi làm lễ gia tiên, mẹ cô dâu hoặc nhà gái chọn một người đàn bà đeo nữ trang nhà trai vừa mới cho thêm cô dâu, người đàn bà này vợ chồng phải đủ đôi, có nhiều đức tính tốt, gia đình hạnh phúc, để cho cô dâu nương nhờ đức hạnh ấy mà tạo dựng hạnh phúc cho gia đình mình.
Sau khi đeo nữ trang xong, cô dâu đứng lại gần chú rễ, một cập tân hôn, tân lang mặc áo thụng khăn đóng, cô gái mặc ái dài kép trông đẹp biết bao, và rồi nhà gái sẽ “lên đèn”, người ta chọn một người có đạo đức, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoản, người này sẽ đốt hai cây đèn do nhà trai mang tới, người ta thường cầm cập đèn để tim chúng chập lại rồi đưa vào ngọn đèn khác để đốt, người ta thường kiêng cử khi đốt đèn ngọn cháy ngọn không, hoặc cháy một chút rồi tắt, sau khi lên đèn xong, cha mẹ cô dâu hay trưởng tộc sẽ dâng hương lên bàn thờ, sau đó cô dâu và chú rễ lạy bàn thờ bốn lạy, chú rễ lạy phải cung tay, “lên gối, xuống gối”, cô dâu phải lạy thế ngồi “xếp chè he”.
Lạy gia tiên xong, rễ phụ rót rượu ra khai trầu rượu, để chú rễ và cô dâu cung kính dâng mời cha mẹ cô dâu uống rồi mới làm lễ lạy cha mẹ hai lạy, lễ này mang ý nghĩa đền ơn dưỡng dục. Sau đó lạy họ, từ ông bà, chú bác, cô dì dượng, cho đến các anh, chị những lạy này mang ý nghĩ lễ ra mắt của cập vợ chồng mới, nhất là chú rễ chịu sự tôn kính những người trong thân tộc họ nhà gái. Trước khi làm lễ lạy ai, cô dâu và chú rễ đều phải dâng rượu mời người đó uống trước khi làm lễ.
Sau khi lạy họ xong, cô dâu và chú rễ có thể vào phòng nghỉ, chờ hai họ ăn bánh, uống trà, chuẩn bị rước dâu.
Nhà gái sẽ mang tất cả những mâm rượu trà bánh mứt vào trong, lấy mỗi thứ một phần kiếng lại cho nhà trai, gọi là “Lại quả” hay “Lợi quả”.
Trước khi rước dâu, rễ phụ rót rượu để ông chủ hôn nhà trai, trình với chủ hôn nhà gái xin rước dâu. Cô dâu và chú rễ ra trước bàn thờ lạy bốn lạy rồi mới đi. Những người họ nhà trai là những người rước dâu sẽ ra khỏi nhà gái trước với cô dâu. Cô dâu thường mang theo một cái quả, trong đó đựng nữ trang, tiền bạc và đôi khi có ít bánh để phòng khi lạ chỗ lạ nhà, lúc đói bụng có mà ăn. Những người họ nhà gái là những người đưa dâu sẽ đi theo sau, có những cô thiếu nữ mang giúp cho cô dâu mùng, mền, cập gối những bộ quần áo mới, là những thứ chánh yếu mà cô dâu sắm sẵn mang về nhà chồng.
Khi rước dâu về đến nhà trai, sau khi hai họ đã an vị, người ta lại lên đèn ở nhà trai, để chú rễ và cô dâu “Lạy họ nhà trai”, trước tiên lễ gia tiên, kế đó rễ phụ rót rượu để chú rễ và cô dâu mời cha mẹ chú rễ uống rượu trước khi làm lễ lạy hai lạy, kế đó ông bà nội, ngoại, chú bác cô dì, anh chị ruột mỗi người đều được mời rượu trước khi làm lễ, lễ này mang ý nghĩa cô dâu nhận phận làm dâu và ra mắt họ nhà trai. Những người trong thân tộc sẽ mừng cho cô dâu và chú rễ tiền bạc hay quà.
Sau khi lạy họ xong, chú rễ và cô dâu sẽ tiếp người nhà đãi khách, và cho đến lúc tiệc tàn sẽ tiễn đưa nhà gái về. Mọi người đều bịn rịn chia tay, cô dâu khó cầm được nước mắt khi tiễn những người thân ra về.
Ba ngày sau, là ngày “Phản bái”, cô dâu và chú rễ trở về nhà cô dâu, để “Dở mâm trầu”, thường cô dâu và chú rễ mang theo một cập vịt, để làm thức ăn bày biện cúng ông bà. Trước khi cúng, cô dâu và chú rễ sẽ vào phòng, chỉ có cập vợ chồng mới, dở mâm trầu ra, lấy trầu, cau để vào dĩa rồi mang ra bàn thờ cúng. người ta kỵ mâm trầu có người dở ra nhìn, hoặc khi hai vợ chồng dở mâm trầu ra có người nhìn thấy, họ sẽ dị nghị: “người vợ sẽ cầm quyền”, nếu cô dâu lấy trầu hay cau trước, hoặc chồng sẽ cầm quyền, nếu chàng rễ lấy trước. Đôi khi vì đường xá xa xôi, vì mùa màng cấp bách hay vì lý do nào đó, trước rước dâu, nhà trai có thể xin nhà gái cho “Dở mâm trầu” ngay trong ngày cưới.
Phong tục Phản bái rất hữu ích, bởi vì trong những ngày đầu, cô dâu mới gặp nhiều chuyện khó khăn trong đạo dâu con, vợ chồng, ở bên nhà chồng không dám than thở cùng ai, về lại nhà mình sẽ được tâm sự cùng mẹ hay chị em, họ sẽ giúp ý kiến, khuyến khích tinh thần, an ủi thân đơn, cảnh lạ. Nhưng những cấm kỵ chung quanh “mâm trầu”, trở thành dị đoan. Ngày nay, chú rễ và cô dâu tìm hiểu, quen biết nhau, mâm trầu trở nên thừa và dần dần đi vào quên lãng, hay tại vì nhiều người bỏ ăn trầu, mâm trầu không người ăn, nên người ta giảm bớt đi cho đỡ tốn kém.
Ngày nay tục lạy bàn thờ ông bà người ta vẫn giữ nhưng lạy người sống kể cả cha mẹ, hầu hết được miễn, chú rễ và cô dâu chỉ xá những người phải làm lễ mà thôi.
Nhớ tới đám cưới ở quê nhà, những khi giúp nấu nước, pha trà, che rạp, dọn bàn, khi làm rễ phụ cẩn thận bưng khai trầu rượu, cung kính rót rượu, mời bậc trưởng thượng nhấp chung rượu lễ, để khép nép thưa trình … cũng là cái nhớ, góp thêm vào lòng nhớ cố hương.
Huỳnh Ái Tông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét