Người M’nông luôn có lòng hiếu khách...
THIẾU NỮ M'NÔNG
Người M’nông quan niệm rằng, mọi người đến thăm gia đình mình đều là anh em thân thiết và mang đến những điều an lành, may mắn cho gia đình. Vì thế, đồng bào luôn mang hết sự nhiệt tình ra để đón tiếp dù đó là người quen hay người lạ, người nội tộc hay ngoại tộc. Đồng bào M’nông rất kính trọng khách, cho nên ít khi chủ động bắt tay khách trước, ngoại trừ chủ nhà là người lớn tuổi hoặc có địa vị trong xã hội thì mới đưa tay bắt trước. Do vậy, khách cần chủ động đưa tay bắt trước để gây thiện cảm. Đối với khách chung của làng, người M’nông luôn tiếp đón tại ngôi nhà chung của buôn làng. Trong buổi đón tiếp ấy, già làng, trưởng buôn, những người có uy tín sẽ không đi làm nương rẫy nữa mà sẽ tập trung về đó để trò chuyện, tâm sự cùng khách và mang những món ăn ngon như thịt khô, rượu cần, các loại bánh, trái… để chiêu đãi khách. Khách và chủ đều được chung vui một cách thoải mái, trò chuyện vui vẻ, hòa nhã. Khách đến nhà dù có công chuyện quan trọng hay chỉ thăm hỏi thì việc trước hết là chủ nhà trịnh trọng mời khách vào nhà ngồi vào ghế hoặc ngồi vào chỗ lịch sự nhất. Mỗi khi gia đình có khách thì chủ nhà đích thân đón tiếp, vừa tự tay nhóm bếp, đun nước, sưởi ấm vừa chuyện trò.
Người M’nông rất chân thành, không khách sáo, khách đến với mục đích, lí do gì chưa cần tìm hiểu thì cũng đã bảo người nhà làm cơm đãi, nếu khách không vội về. Sau đó, trong buổi nói chuyện hay ăn cơm, chủ nhà mới bộc lộ trò chuyện với lời lẽ khéo léo hỏi thăm khách đến có chuyện gì, rồi sẽ đáp ứng theo yêu cầu, nếu chuyện đó nằm trong khả năng của mình. Việc tiếp đãi khách cũng thể hiện được tấm thịnh tình của chủ nhà, có gì tiếp đãi nấy, không bày vẻ, phô trương. Trong nhà có gà thì làm thịt gà đãi khách, có rượu thì mời khách uống, nếu không rượu thì mời nước… Mặc dù nhiều gia đình còn nghèo khó, tài sản quí giá không có, song luôn vẫn để dành những món ăn ngon do mình làm ra để đón khách, đó có thể là miếng thịt khô hoặc là mớ cá, mớ rau ngon nhất. Và khi đó, gia chủ còn mời thêm anh em, bà con xóm giềng cùng tới dự bữa cơm thân mật, cùng trò chuyện thăm hỏi nhau. Có trường hợp, trong nhà không có gì hoặc không đủ để tiếp khách thì chủ nhà lại “nhờ” (không phải trả lại) những gia đình khác trong buôn. Điều này không chỉ thể hiện lòng hiếu khách mà còn nói lên tinh thần gắn kết cộng đồng, tình yêu thương giữa những người trong dòng tộc, cộng đồng. Khi khách về bao giờ gia chủ cũng bày tỏ sự lưu luyến muốn khách ở lại lâu hơn. Một khi đã quen, hiểu ý nhau, thân thiện thì giữa chủ nhà và khách thường có cái bắt tay xiết chặt bày tỏ kết tình anh em để gắn bó tình cảm lâu dài, rồi chia tay hẹn ngày gặp lại. Nhà nào khá giả thường còn có quà biếu khách mang về làm quà cho gia đình. Khi khách nhận, họ cảm thấy rất vui và mừng thầm vì cho rằng gia đình họ có duyên, được phúc. Việc tặng quà cũng có dụng ý tỏ lòng hiếu khách và muốn khách nhớ đến mình.
...
(Trích đoạn "Lòng hiếu khách của người M’nông" của Mỹ Hằng đăng trênhttp://baodaknong.org.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét