Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

MỘT ĐÀ LẠT HIỀN HÒA TRONG ẢNH

Hỡi quê hương xứ sương rơi
Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi!...
MỘT ĐÀ LẠT HIỀN HÒA TRONG ẢNH
Trong ba trụ cột nhiếp ảnh tư liệu Đà Lạt, hai người đã qua đời (Nguyễn Bá Mậu và Trần Văn Châu), chỉ còn cụ Đặng Văn Thông nay đã 84 tuổi, sống lặng lẽ trong một căn biệt thự nằm trên đường xuống Trại Hầm. Đã hơn nửa thế kỷ, ông nhìn, cảm, hiểu đô thị mình sống và biểu hiện qua ống kính.
...
“Đà Lạt thập niên 1960-1970 dân sống trên mức trung bình, người giàu có nhiều, sống sang trọng nề nếp, không chật vật bon chen. Thành phần chủ yếu là học sinh sinh viên đến học, có tú tài thì vào sĩ quan, làm công chức... đời sống ổn định, dân làm lao động phổ thông cũng dễ chịu vì vườn tược, cửa hiệu nhiều, lắm cơ hội làm ăn. Tóm lại là dân cư thuần nhất, nề nếp và sống khiêm cung, nhỏ nhẹ”.
Ví dụ cụ thể chính là gia đình ông. Năm 1954, ông gặp cô Lê Thị Đào, người gốc Quảng Ngãi cũng mới nhập cư. Hai người xây tổ ấm, sinh bốn người con. Vợ buôn bán hoa quả địa phương gửi đi Sài Gòn, chồng làm công chức.
Vậy mà đủ sức mua một căn nhà ở Trại Hầm vào cuối thập niên 1950. Các con thì đứa đi học nữ Bùi Thị Xuân, đứa vào Trần Hưng Đạo, đứa học nghề tư, đứa vào đại học... Cuộc sống thanh đạm, ổn định và thư thái.
Nhờ đó, ông Thông có điều kiện để dành cho mình một hành trình riêng với ảnh. Cùng thời ông có cụ Nguyễn Bá Mậu, Trần Văn Châu. Thi thoảng họ vẫn gặp gỡ nhau trò chuyện, trao đổi kỹ thuật chụp ảnh và chia sẻ những tác phẩm ưng ý.
Nếu ông Châu có những bức không ảnh về thành phố tuyệt vời, những bộ ảnh người dân bản địa cao nguyên Lâm Viên mang nét dân tộc học đáng quý; nếu ông Mậu có những bức ảnh đời sống phố phường, những góc chụp thiên nhiên và đô thị toàn cảnh hoành tráng thì ảnh ông Thông lại gần gũi, bình dị như chính cá tính của mình.
Phía sau những góc máy tính toán bố cục cổ điển, Đà Lạt hiện lên như vốn dĩ - hiền hòa, tự nhiên. Những bức ảnh đem đến sự thanh lọc và dễ chịu cho người xem. Thì chẳng phải như thế là đã đi vào trong cái tinh thần địa danh mà người Pháp ngày trước đã diễn giải DALAT chính là “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (cho người này niềm vui, cho người kia sự mát dịu) đó sao!
Điều thú vị nhất ở ông Thông so với các nhiếp ảnh gia khác nơi thành phố này chính là ông có đời sống của một công chức thứ thiệt (làm Nha Địa dư quốc gia từ 1954-1975, rồi sau đó khi chính quyền mới tiếp quản, ông tiếp tục làm tại đây - Cục Bản đồ Đà Lạt - tới khi nghỉ hưu năm 1990).
Vì thế ông có một sự cần mẫn đeo đuổi công việc chụp ảnh với tâm thế không mong cầu, một sự điềm đạm thận trọng trước những góc ảnh và một ý thức tiết chế chủ quan khi bấm máy.
“Tôi chỉ biết âm thầm làm công việc của mình, đến mãi gần đây khi thành phố trải qua những cuộc đổi thay lớn, mất dần vẻ đẹp thiên nhiên, vắng đi nét thơ mộng như xưa, những khoảng rừng trong lành trong đô thị biến mất, dân cư đông hơn, đời sống rộn ràng, bon chen hơn... thì người ta mới quý hóa nâng niu những bức ảnh của tôi.
Tôi thấy vui vì được mọi người yêu mến, nhưng vui hơn vì thấy qua những bức ảnh của mình, sắc vóc của thành phố được lưu giữ, để khi nhìn vào đó người ta yêu và trân quý thành phố này nhiều hơn. Còn với riêng tôi, đôi khi nhìn lại tác phẩm ảnh đen trắng của mình rồi bước ra nhìn cảnh rừng thông bị chặt, núi đồi bị san phẳng, lòng không khỏi tiếc nuối” - ông Thông chia sẻ.
Sau lưng ông, những bức ảnh đen trắng hôm qua của thành phố được phóng to, dựng quanh góc phòng khách. Sau làn khói mỏng, ánh mắt người bạn đời vẫn nhìn xuống như chuyện trò, ủi an và sẻ chia.
Bên ngoài thành phố đang cuồng khấu với cuộc đổi thay.
(Trích đoạn " Đà Lạt, trắng đen ký vãng" của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN đăng trên http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét