Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

XE LỬA Ở QUÊ TÔI

Nào mời anh lên tàu lửa chúng mình đi, đi đi khắp nơi ...
XE LỬA Ở QUÊ TÔI
...
Tôi không biết Ga xe lửa Ninh Hòa được khánh thành từ năm nào, chỉ biết các ga và tuyến đường rầy đều do người Pháp xây.
Thuở ấy xe lửa chạy bằng đầu máy hơi nước. Sợ hãi nhưng thích thú nhìn đoàn tàu tới gần với đầu máy nặng nề tỏa khói đen sì là một cảm giác khó quên của bọn trẻ nhà quê chúng tôi thời đó. Tiếng bánh xe nghiến ầm ỉ trên đường rầy , tiếng còi tàu lanh lãnh cũng thật kỳ vĩ.
Ga Ninh Hòa là một trong những nhà ga hiếm hoi còn nguyên vẹn sau chiến tranh và có cảnh quan vô cùng ấn tượng..
Ga có vị trí thoáng mát với bốn bề núi non, ruộng đồng xanh ngát.Đứng trên sân ga chúng ta có thể nhìn thấy một kiến trúc uy nghi và có dáng dấp của một ngôi nhà kiểu đền đài Hy Lạp, thực ra nó là đề pô , nơi sửa chửa đầu máy. Cái bồn nước trên cao để tiếp nước vào nồi súp de cũng thật lạ mắt và còn cả một cái lô cốt chắc là nơi ngày trước quân đội Pháp canh gát cho an ninh của ga…
Chiếc cầu dành riêng cho xe lửa bắt qua sông Dinh cũng rất quen thuộc với người dân Ninh Hòa mặc dù hình ảnh con tàu ầm ầm vượt qua cây cầu bằng sắt thật tương phản với phong cảnh êm đềm hai bên bờ sông .
Nói đến chuyện đi xe lửa , thú vị nhất là được chui qua hầm.
Tối thui, ngộp thở, kinh hoàng vì tiếng bánh xe nghiến trên đường rầy bất ngờ nghe như tiếng núi lở , nhưng cũng thật ngây ngất.
Rồi bóng tối nhạt dần báo hiệu …hết hầm. Không khí mát rượi tha hồ tràn đầy buồng phổi, ánh sáng chói chang làm lóa mắt và dù mặt mũi có thể dính đầy bụi than bọn trẻ con vẫn chờ đợi nhất được hưởng giây phút xe lửa chui qua hầm.
.
Thập niên 50 , cuộc sống không nhiều biến động và người nông dân ít có lý do di chuyển. Ga xe lửa luôn vắng vẻ với năm ba người khách mỗi lần tàu vào ga.
Cuối tuần, tàu nhiều khách hơn nhưng những vị khách ấy cũng chỉ là đám học trò đi học ở Nha Trang về thăm nhà và hầu hết là khách đi cọp!
Dầu sao truyền thống của một ngành hỏa xa văn minh cũng còn lưu dấu trên bộ đồng phục của sếp ga, của nhân viên soát vé, của người gác ghi với lá cờ hoặc chiếc đèn có mặt kính nhiều màu mà ông ta cầm lắc lư báo hiệu cho tàu ra vào ga trong đêm tối.
Từ năm 1964 hệ thống hỏa xa miền Nam ngưng hoạt động. Đường rầy ở nhiều nơi bị phá dở, xe lửa bị đặt mìn. Từ Nha Trang muốn đi Saigon phải đi bằng máy bay vì không ai dám đi xe đò qua Rừng Lá. . Từ Tuy Hòa vào Nha Trang chỉ có thể đi bằng ghe bầu.
Sau năm 1975 ngành hỏa xa được tái thiết và được gọi là Đường Sắt Việt Nam. Không còn dáng vẻ văn minh năm nào, đường Sắt Việt Nam đã trở thành một phương tiện giao thông xô bồ chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ lập lại. Xe lửa đã trở thành phương tiện để người ta bấu víu vào kiếm sống .
Những năm ấy , những chiếc xe đò cũ kỷ lại càng thêm kỳ dị khi phải gắn một thiết bị phía sau để chạy bằng than. Giá tiền đi xe đò lại đắt nên người ta ùn ùn rủ nhau đi buôn bằng xe lửa.
Đường sắt trở nên quá tải và chen được một chân lên xe lửa là một kỳ công .
Đường cát trắng hồi đó biến mất và người dân quê tôi theo xe lửa ra tận La Hai để buôn loại đường vàng làm từ mật mía , cô lại thành bánh. Người đi củi cũng biến gon xe lửa thành xe chở củi. Xe lửa không dừng lâu nên ng, cứ quăng bừa các thân củi vào cửa sổ toa xe.. Rồi hàng chục bao gạo, bao bắp, bao khoai mì tiếp tục được nhồi nhét , rồi cá khô, mắm muối, đậu mè từng bao tới tấp quăng lên mặc cho những tiếng chửi rủa náo động cả toa tàu. Khi tàu chuyển bánh, hàng chục người vẫn thản nhiên chạy nhảy …trên mui xe để di chuyển từ toa này sang toa khác. Đã có mấy em bé bán nước trà đá đã rơi xuống đường rầy khi tàu chuyển bánh. Và không ít dân nghèo đã mất mạng vì không tiền mua vé phải nhảy tàu khi tàu đã tăng tốc.
Nhớ lại những ngày khốn khổ ấy mà thương cho người dân của thời hòa bình thống nhất. Ngày nay ga Ninh Hòa không còn hổn loạn như thế nữa. Sân ga , nhà ga được tu sửa sạch sẽ hơn và đầu máy hơi nước đã được thay bằng dầu máy diesel. Tuy nhiên khách nước ngoài đến Việt Nam rất ngạc nhiên vì hàng trăm năm rồi sao Việt Nam vẫn còn sử dụng đường ray có chiều ngang 1 mét.
Riêng tôi, tôi rất sợ một ngày nào những đường tàu cũ kỹ ấy biến mất.
Và tôi sẽ không còn được bồi hồi ngắm nhìn những đường tàu trăm năm chạy song song rồi giao nhau ở đầu sân ga như lời nhắc nhở cho con tàu rằng bạn đã về tới bến.
HUYỀN CHIÊU
(Trích đoạn " Xe Lửa Ở Quê Tôi" của Huyền Chiêu đăng trênhttps://tuongtri.com/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét