Hình ảnh của người phụ nữ Huế hiện ra với bao vẻ đẹp đời thường...
QUÁN CƠM O HUẾ
…
Làn sương mờ mịt trên đỉnh Bastogne ẩn hiện phía ngoài trại tù. Xung quanh đều mờ sương vào sáng sớm, giờ đi lao động. Trại tù gồm mười dãy nhà tranh song song, những liếp nhà ở giữa hai lớp hàng rào cao bằng thép gai, phía trong còn đặt bùng nhùng “concertina” của Mỹ. Cái chòi trước cổng cao ngất, phía trên một công an áo vàng cầm sổ điểm danh từng đội tù lần lượt ra khỏi cổng…
...
Những người ở lại cố ngoái đầu dặn dò những người được về sáng nay cho lại những thứ cần dùng. Chiều nay khi họ đi làm về thì chúng tôi, những người được gọi tên sáng nay, đã rời trại mất rồi.
Cái kim may, khúc chỉ, cái lon gô, cái chén cơm, cái bi đông nước…thậm chí cái bào sắn ra sợi…mọi thứ đều là “bảo bối” trong tù.
Tôi để lại cái mũ đi rừng, cái gô đen lại cho thằng Thu nằm cạnh tôi. Hắn dặn tôi thật kỹ trước khi bước ra cổng. Đầu hắn cứ ngoái nhìn lại, ánh mắt khẩn cầu. Nhà Thu ở Huế, tôi thì ở tận Bình Tuy nên hắn chẳng cần dặn trước tôi gì, tương tự tôi cũng chẳng dặn trước hắn gì nếu Thu về trước.
Những người ra trại hôm nay đa số là gốc Huế. Những thằng bạn tôi có thể nhắn về gia đình như Côn như Huấn, thì ra tù tại Ái Tử, sớm hơn mấy năm.
Tôi bỏ vội cái gô và cái mũ vào cái ba lô của Thu phía trên sạp nằm. “Chia gia tài” là giây phút này, tình bạn cũng thể hiện giây phút này. Kẻ về người ở. Những cục đường, những lát khoai luộc, mấy thứ linh tinh đều bỏ lại. Một thứ tình cảm chân thành hay an ủi nhau ở phút này. Về và ở những đồn đoán lao xao trong trại, không ai biết ai đi ai ở để nói chuyện, để nhắn trước. Cuộc chia tay không bao giờ được trại cho biết vì “an ninh “ hay do này nọ…
Cái tầng cấp bước lên những căn nhà cán bộ phía trước trại sao hôm nay tôi bước nhẹ hều. Những bước chân lâng lâng sung sướng, cảm giác duy nhất từ hơn năm năm tôi mới có. Trong phòng cán bộ đi ra, tôi là người được trại cho số tiền lớn nhất, ba mươi hai đồng bạc, gia đình tôi ở tận Bình Tuy cách xa đây hơn một ngàn cây số!
Tôi không nhớ rõ có ngoái lại nhìn cái cổng, cái chòi gác cao của trại một lần cuối cùng hay không, ngoại trừ một hình ảnh tôi nhớ rõ, đó là anh “tăng gia sản xuất” đứng tần ngần bên mấy luống rau xanh nhìn theo chúng tôi. Khỏi đoán, tôi biết anh đang nghĩ gì.
Thôi, xin giã từ mấy công việc lấy “phân tù” trộn băm với lá rừng làm nguồn bón cây. Anh “tăng gia” kia còn mãi công việc “chẳng đặng đừng” – hòa tưới phân người lên mấy luống cải xanh đang mọc nhanh “phơi phới.” Cũng giống toán thợ rèn làm ra cuốc rựa, ba “lạng” mì tươi “bồi dưỡng,” đó là phần thưởng của trại tặng thêm cho họ trong ngày.
Giờ toán chúng tôi cất bước ra về. Tự do thoải mái – khó diễn tả nỗi háo hức bên trong mỗi người, nhưng tất cả đều chung một ý: ĐI MAU VỀ NHÀ.
Mấy trảng đồi đang phủ màu xanh của sắn Bình Điền. Bao công sức của người tù tạo dựng nay xin bỏ lại phía sau.
Trước mắt chúng tôi hiện lên hình ảnh xóm làng Kinh Tế Mới của dân mới lên vùng này. Người Huế lên đây không biết khi nào. Họ lên lập nghiệp hay sao? Cảm giác chúng tôi thật lạ! Ngày đó vùng này là rừng, là nơi của chiến tranh, mịt mùng khói súng, “Mặt Trận Tây Nam Huế” ngày ngày tin chiến sự in đậm trên mặt báo. Chỉ sáu năm thôi tất cả đều đổi thay, như một giấc mơ, thật sự là mơ?
Những trảng đồi đốt cháy nham nhở. Hai bên con đường đất đỏ vài cái quán tranh sơ sài. Trong kia là mấy trại tù. Những năm xa cách không ngờ người dân cũng “đổi đời” như chúng tôi cùng “đáo sơn tầm thực.” Tù thì trồng sắn, dân cũng chẳng khác chi tất cả đều lên đây, phá rừng trồng cây lương thực thay cho lúa gạo.
Chúng tôi không ai bảo ai đều sà vào cái quán cơm bình dân bên đường trong lúc chờ xe đò từ Huế lên.
O bán cơm đon đả mời chào chúng tôi:
– Rứa là sướng quá rồi mấy eng ơi, dưới nhà chắc mừng lắm hỉ!
Mấy anh và tôi “dạ dạ” luôn miệng, thật lòng cảm tạ lời chúc mừng của o. Lạ gì, thấy chúng tôi, người dân biết ngay tù mới được tha. Nhiều lần như vậy rồi. Cứ nhìn những chiếc áo vằn vện, sọc ngang dọc ai mà chẳng đoán ra. Phải kể mấy cái ba lô nữa, đủ hình dạng, nhưng tất cả đều nhẹ hều. “Gia tài” của tù đều bỏ lại cho bạn, có gì quý đâu ngoại trừ cái mạng về với gia đình.
– Mấy eng ăn cơm cá dưa kho hỉ?
– Mấy đồng rứa o?
Tôi chỉ hỏi giá, còn chọn lựa thì không. Cơm là “nhất trên đời” và cũng là thứ hàng “độc nhất vô nhị” trong cái quán này.
– Hai đồng eng nờ!
– Thế là miềng còn 29 đồng…
– Còn đón xe hàng về Huế nữa – tôi thầm nghĩ.
Gần sáu năm trời, hôm nay tôi mới ăn đọi cơm “ngon nhất” trên đời. Đọi cơm trắng, O đơm khá đầy, cộng thêm hai con cá nục kho cùng mấy lát dưa hường kho ngon và thấm. Cái vị giác của tôi lúc này đang “liên hoan” cùng cái tài kho nấu của o bán hàng người Huế. Cái bao tử cùng sẵn sàng tiếp nhận những gì từ miệng tôi sau khi “thưởng thức” và đưa xuống. Tất cả đều thoải mái, không còn những lúc chần chừ lưỡng lự…hình ảnh mới ngày hôm qua…những củ khoai, sắn phải chia đều trong trại…những củ sắn chia phần ăn nhanh thì sợ hết, tôi phải để dành về đêm trước khi đi ngủ, ăn dằn bụng và ngủ cho êm.
Hầu như mọi người đều có lộ phí và ăn tô cơm cá dưa kho của o bán hàng.Những cái đầu gật gù những lời nói chuyện râm ran, những hẹn hò gặp nhau sau ngày về với gia đình. Chúng tôi không quên nhau, Ái Tử-Thanh Hóa-Bình Điền biết bao kỷ niệm buồn vui.
O bán cơm bận áo bà ba trắng, tuy nước da sạm đi vì nắng Bình Điền nhưng không che đi cái “chất Huế” từ dưới thành phố lên đây. Dáng nhanh nhẹn, giọng mời ngọt ngào bao lâu mua bán dưới Huế. Giờ lên đây o cũng bán mua, nhưng là hàng cơm và thức ăn bình dân hạp với dân vùng kinh tế.
– Mấy eng về chị có đen thì đừng có chê nghe mấy eng!
Câu nói ra bất ngờ của o làm mấy anh không ai bảo ai đều ngước lên nhìn.
Có thể mấy năm trước o từng chứng kiến cảnh túng bấn của bao người vợ tù gian nan, tất tả ngược xuôi. Những người vợ, người mẹ hay con dâu này bán hết những cái gì bán được trong buổi “giao thời.” Từ vòng vàng, nhẫn cưới kỷ niệm, cái máy hát, rồi tủ bàn và áo quần nào còn đẹp, tất cả lần lượt ra đi do cái thiếu đói của bầy con, sau ngày ba chúng đi tù.
Trong nhóm tôi là đứa em, cấp bậc nhỏ nhất, lại độc thân. Tôi chưa thấm thía những cảm xúc bằng các anh, những người bao đêm quay quắt nhớ vợ thương con.
Những đọi cơm hôm nay o xúc đầy hơn, không tính toán. O mừng các anh. O nói thật lòng. Năm tháng chịu đựng gian truân, thiếu thốn từ vật chất lẫn tinh thần, những người vợ tù đáng quý biết bao! Sao mà chê “đen” được các chị ở nhà? “Thân cò lặn lội” gần xa, bao dặm đường gian nan tìm ra hạt gạo nuôi con, phần lo bới xách cho chồng trên trại… Hình ảnh đoàn người thăm tù hằng hai tháng, những người đàn bà nay quần thô áo vải, theo bước đi vội vàng, hai cái túi xách đu đưa hai đầu đòn gánh…
Chiếc xe hàng từ Huế lên rồi. Từ xa đám bụi vàng bốc cao. Chúng tôi trả tiền cho o bán cơm vừa khen vừa cám ơn o về đọi cơm sao ngon quá. Ánh mắt o long lanh, những niềm vui hôm nay chan hòa cùng nhau. Vội vàng từ giã cái quán tranh của o, sau lưng tôi áng chừng câu nói kia còn vẳng vẳng theo sau:
– Mấy eng về chị có đen thì đừng có chê nghe mấy eng!
***
Chiếc xe Bình Điền thả chúng tôi xuống gần Ga Huế thì trời chưa chiều lắm. Mấy anh em hối hả chia tay nhau. Ai cũng muốn tìm mọi cách nhanh nhất về nhà.
...
Đinh Trọng Phúc
(Trích trong "RA TRẠI" hồi ký của Đinh Trọng Phúc đăng trênhttp://vannghequangtri.blogspot.com/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét