Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Nhạc cụ của người Xơ Đăng ... ĐÀN K'LÔNG PÚT

Nhạc cụ của người Xơ Đăng ...
ĐÀN K'LÔNG PÚT
“Ngày xưa, phụ nữ thích chơi đàn này trong những đêm ở trên chòi canh rẫy. Nghe ở gần thì ngỡ âm của nó nhỏ nhưng càng về khuya, tiếng đàn càng vọng xa. Người bên kia quả đồi nghe người bên này chơi cũng mang đàn ra ‘vỗ’, rồi kéo theo 5-7 chòi cùng chơi theo một bản nhạc làm cho không khí của núi rừng sống động hẳn lên.
Thú dữ nghe âm thanh rộn ràng của tiếng đàn thì sợ nên cảnh giác tránh xa. Không chỉ thế, tiếng đàn Klông- pút cũng là một phương tiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của một cô gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng chưa có chàng trai nào vừa ý đến cầu hôn. Vì âm thanh của nó nghe tưởng mộc mạc nhưng vô cùng sâu lắng và thiết tha…”.
Cũng như tiếng sáo Đinh-tút của người Giẻ Triêng, tiếng đàn Goong của người Bah Nar, đàn Đing-năm của người Êđê thì đàn Klông-pút là một loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ-Đăng thường được sử dụng vào các dịp lễ hội tổ chức trong làng hay trong gia đình.
(Trích đoạn "Người lưu giữ “linh hồn” đàn Klông-pút của dân tộc Xơ-Đăng đăng trên Soha.vn)
...
Cũng làm từ ống lồ ô là loại đàn Klong put truyền thống của người Xơ Đăng, nhưng cách sử dụng lại khác là vỗ bằng hai tay vào miệng các ống lồ ô để tạo ra âm thanh khá độc đáo. Loại đàn dân gian này được cho là có xuất xứ ở các làng người Xơ Đăng ở xã Đăk Sao, Đăk Na (Tu Mơ Rông), người sử dụng đều là phụ nữ, khi khảo cứu về loại đàn này ở xã Đăk Sao chúng tôi được các cụ cao tuổi người Xơ Đăng ở đây cho biết là đàn Klong put cũng bị quên lãng nhiều năm do chiến tranh, người có công phục chế lại loại đàn này là cụ A Để ở làng Đăk Giá, xã Đăk Sao... Về sau trở thành rất phổ biến ở các làng trong xã và các xã bên cạnh. Từ những năm 2000, đã nhiều lần chúng tôi trực tiếp đưa chị em người Xơ Đăng xã Đăk Sao (Tu Mơ Rông) vác bó ống lồ ô của bộ đàn Klong put này ra Thủ đô Hà Nội để diễn tấu. Không cần cột dây, chẳng cần giá đỡ, chỉ với hai cây lồ ô già để ở hai đầu tạo khoảng cách với mặt đất, chị em người Xơ Đăng cứ thế đặt các ống lồ ô lên và ngồi vỗ say sưa trước sự thán phục của khán giả Thủ đô, của nhiều nghệ sỹ có tiếng ở trung ương và nhất là khách nước ngoài. Không chỉ diễn tấu riêng Klong put mà chị em người Xơ Đăng còn hòa tấu chung Klong put với cả một dàn cồng, chiêng, trống tạo ra những bản giao hưởng nhạc cụ dân gian truyền thống hết sức đặc sắc, mặc dù họ chả biết nó là nốt nhạc gì.
...
(Trích theo "DÂN CA DÂN NHẠC VN – DÂN CA XƠ ĐĂNG/XÊ ĐĂNG" của Trần Lê Túy Phượng đăng trên dotchuoinon.com/)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét