Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Chợt nhớ về bản nhạc bằng tiếng huýt gió...CẦU SÔNG KWAI

Chợt nhớ về bản nhạc bằng tiếng huýt gió...
(https://www.youtube.com/watch?v=Jmd09lW9d-8)
CẦU SÔNG KWAI
Một trong những cái thú của anh Nghiêm là sưu tầm các tờ chương trình (program) của các rạp xine từ ngoài Hà Nội, có những tờ rất xưa từ những năm 1930 và cũng có những phim ‘thời thượng’ như Quo Vadis, Gone With the Wind, Tant Qu’il y Aura des Homes. Các tờ chương trình hồi đó thường có tóm tắt cốt truyện phim, giới thiệu các nam nữ tài tử như Clark Gable, Ava Gardner… tuy in đen trắng, đôi khi có hình màu, nhưng trình bày rất bắt mắt.
Tờ program phát cho những người mua vé vào xem phim nhưng, theo chỗ tôi biết, nếu không mua vé cũng có thể xin tại chỗ bán vé để làm collection. Tôi đoán, anh Nghiêm có được những tờ chương trình của các rạp xine là do cách thứ hai chứ không thể nào hoàn toàn do đi xem phim vì số lượng các tờ program rất lớn. Hơn nữa, có nhiều tờ được in từ trước khi anh ra đời năm 1936!
Bộ sưu tập này anh Nghiêm để lại nhà khi gia nhập Không quân nhưng tôi cũng không hiểu vì sau và vào lúc nào những tờ chương trình này đã biến mất. Nếu còn thì ngày nay sẽ là bộ sưu tập rất quý giá.
Tôi cũng ghiền đi xem phim từ nhỏ. Chủ Nhật nào mẹ cũng cho tiền đi xem phim ở rạp Ngọc Lan gần khu Hòa Bình hoặc thả bộ xuống dốc Minh Mạng đến rạp Ngọc Hiệp. Phim ấn tượng nhất đối với tôi thời đó là Cầu sông Kwai với các tài tử Alec Guiness, William Holden. Trong phim có cảnh các tù binh đồng minh xếp hàng đi dựng cầu dưới sự kiểm soát của quân đội Nhật. Tù binh vừa đi vừa huýt gió bài cầu sông Kwai nghe thật hùng tráng.
(Trích đoạn "Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời niên thiếu" của Nguyễn Ngọc Chính đăng trên http://chinhhoiuc.blogspot/)
-------
...
Bản hòa-tấu đang phát thanh là Colonel Bogey March, nhạc chủ-đề của phim Cầu Sông Kwai (The Bridge Over the River Kwai).
Thực ra, dù đã chơi bản nhạc ấy gần như thuộc lòng, được nghe nói về xuất-xứ của nó, nhưng tôi đã xem cái phim ấy đâu! Chỉ biết đây là một hành-khúc rất hay, vừa hùng vừa buồn, vừa réo-rắt lẫn day-dứt...
...
Dường như tôi đang nín thở để nghe cho trọn bản nhạc ngày xưa. Bè trumpet với những nốt nhạc hối-thúc rộn-ràng như vượt trên những âm-thanh nhẹ và réo-rắt của bè clarinet và saxo alto, trong khi bè trommbone, baritone và bass như những đợt sóng ngầm rung-chuyển cả không-gian, đôi lúc lại trổi lên như những ngọn sóng bạc đầu, quát-tháo ầm-ĩ. Rồi tiếng trống cái ầm-ầm, những đợt trống con ròn-rã.
Không! Đấy không phải là những âm-thanh của đại-dương. Đấy là âm-thanh của một bãi chiến- trường, với tiếng đại-bác dồn-dập từng đợt, rồi nhường chỗ cho những loạt đại-liên, tiểu-liên, súng cá-nhân nổ rang, rồi thưa-thớt. Có tiếng gầm-rú ở trên không, nối theo tiếng nổ chát-chúa. Rồi âm-thanh cuồng-nộ dứt bặt, chỉ còn tiếng sáo nhẹ lướt như làn khói súng đang tan, như những đám cháy đã lụi chỉ còn sợi khói xanh bốc lên chậm-chạp. Bây giờ có thêm cả tiếng rên trầm-trầm của những thương-binh gục ngã. Và có cả cái âm-u của những vong hồn vừa ra khỏi xác...
Nhưng tiếng nhạc lại trở về dồn-dập, như sự trổi dậy của các thương-binh tử-sĩ trên cái trận-địa mênh-mông còn âm-ỉ khói, bước vào hàng-ngũ thành đội, thành đoàn, hàng-hàng lớp-lớp ca khúc chiến-thắng dưới lá cờ có vệt cháy xém tung bay...
Bản nhạc dứt. Tôi ngẩn-ngơ. Tiếng người nữ xướng ngôn giới-thiệu một bản hòa-tấu khác. Tôi vội tắt radio. Tôi sợ những âm-thanh khác làm tan mất những âm-thanh của mấy chục năm trước vừa trở lại. Tôi muốn níu kéo, vì chúng vừa mang đến cho tôi cả một khung trời dĩ-vãng đang mờ dần bởi lớp bụi thời-gian…
...
Hôm nay, lần đầu tiên nghe lại hành khúc cũ, tôi hình dung ra được cả một cuộc chiến, một bãi chiến trường, những tiếng rên la, những đám khói, và hình bóng những linh hồn lìa khỏi xác. Và cũng hôm nay, bản nhạc đưa tôi về những ngày xưa thân ái, về với bầu khí nhộn nhịp, với những cảnh sống đơn sơ, hy-sinh, cần cù của nhiều tầng lớp xã-hội, từ tuổi học sinh chúng tôi, từ những người dân ở những chòm xóm quê mùa xa xôi, tới những quân nhân lúc nào cũng lục-tục súng với đạn, với ba-lô,.. Nó đưa tôi về cả những âm thanh đơn giản, tưởng là vô nghĩa, mà đã len vào tận tâm hồn tôi: tiếng chổi chà xoèn-xoẹt ở mỗi đoạn cuối của các bản nhạc. Phải rồi, cả những âm thanh ấy cùng hòa trong một bản nhạc lớn lao hơn, bản nhạc làm đẹp, làm tròn những ngày xưa!
...
(Trích trong "Hành Khúc Ngày Xưa - Nguyễn Văn Thông" đăng trênhttp://www.tvvn.org/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét