Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Đi qua cuộc chiến tranh... TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo và hết)

Đi qua cuộc chiến tranh...
TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo và hết)
6.
Trung đoàn trưởng 44 là Trung tá Võ Khâm, đeo kính trắng, da mặt hồng hào, dáng người trí thức hào hoa, quen thân Tải vì những lần về Ban Mê Thuột ông thường vào vũ trường. Tôi được Tải mời ăn sáng, uống cà phê mấy lần với ông cùng với vài sĩ quan Trung đội. Sau này, tại Qui Nhơn, tôi có đến thăm vợ, và con gái ông, tên Sương, có suối tóc đen dài, rất đẹp. Tiểu đoàn trưởng 4/44 là Đại úy Vũ Công Khanh, dễ tính, hiền hậu, và chịu chơi vô cùng. Ban ngày Tiểu đoàn đi lùng địch, có khi phối hợp với Thiếu úy chi khu người Chàm, Thổ Thêm, mà VC sợ khiếp vía vì nghe đồn ông chơi bùa ngãi, đánh đâu thắng đó. Người ta nói Thiếu úy Thổ Thêm là Sĩ quan có nhiều huy chương nhất trong Quân Lực VNCH, và một lần tôi lén đếm những anh dũng bội tinh ông đeo trên ngực mới đến cái thứ 60 là đã lộn, phải đếm lại và lộn nữa. Ban đêm, tiểu đoàn về đóng chung quanh nhà dân, hay ven rừng. Xa xa là núi Tà Dôm thỉnh thoảng sáng rực hỏa châu. Hoặc những đêm rằm, thấy trên đó những giọt trăng lung linh rớt xuống như từng hàng lệ rơi. Toán CTCT của tôi ăn dầm nằm dề với BCH Tiểu đoàn, và mặc nhiên tôi trở thành một trong những sĩ quan cơ hữu, giống như hai cố vấn Mỹ và ông bạn Quế, Trung úy Pháo binh Sư đoàn 23 tăng phái. Tiểu đoàn đi đâu, tôi theo đó. Đụng trận, cũng nổ súng như ai. Và cũng suýt chết như ai. Một lần Đại úy Khanh bị bắn sẻ, tôi đứng cạnh ông, một viên đạn rít bên mang tai, xuyên qua cổ người lính mang máy truyền tin, gần đó. Những ngày không hành quân, tôi thường mò xuống quận Thiện Giáo, cách khoảng tám phút xe lam, súng ống và lựu đạn trang bị đến tận răng, để ngắm cô thư ký tên L., nhỏ nhắn, xinh xắn, lãng mạn. Một hôm tôi nhận được một lá thư của cô, rất ngọt ngào, vòng vo tam quốc, trong đó dùng toàn những câu trữ tình kiểu cải lương Lan và Điệp. Tôi không trả lời, vì không hiểu cô muốn nói gì, vả lại cũng sợ mỹ nhân kế. Một tháng sau, một Sĩ quan trong toán pháo binh biệt phái khoe có “Quen em thư ký quận” và cho tôi xem thư của cô. Chết rồi ! Cũng những câu Lan và Điệp đã viết cho tôi. Đối chiếu hai lá thư thấy giống y chang, chỉ đổi tên “khổ chủ”. Cả hai cùng cười to, tôi tự nguyện rút lui và năn nỉ anh bạn hy sinh tiếp tục cuộc chơi.
Mỗi cuối tuần, Đại úy Khanh cho chúng tôi thay phiên nhau lên thị xã Phan Thiết nghỉ xả hơi, ăn nhậu, bù lại những ngày lội sình, cơm thịt hộp, ngán tận óc. Buổi tối, đến công viên nghe Nhật Trường hát live hoặc ra chợ cùng với bạn bè, ăn những chiếc bánh căng đúc còn ướt sền sệt bỏ đầy trong tô ngập nước mắm đặc biệt và uống bia ướp lạnh. Rồi trong khi bạn bè đi bắt bò lạc, tôi về khách sạn rẻ tiền, ngủ tạm, mặc nguyên quân phục, súng lên đạn đặt ở đầu giường, nằm đọc thơ Baudelaire hoặc nghe tiếng đại bác ầm ì trên ngọn Tà Dôm. Trong Tiểu đoàn có một đại đội trưởng tên Trần Đăng Lộc, nguyên giáo sư Võ Tánh, trước có quen tại Nha Trang, gặp lại nhau, vui mừng hớn hở. Tha phương ngộ cố tri là vậy. Và trong BCH Trung đoàn 44 lúc ấy có một đồng hương, nay là nhà văn tài hoa nổi tiếng, định cư tại Na-Uy, Phạm Tín An Ninh - mà mãi đến bây giờ nhờ duyên may tôi mới được biết và quen thân. Cũng nhân một trong dịp nghỉ cuối tuần tại Phan Thiết này mà tôi được đọc trên báo biết tin, và khóc cho, người bạn Thanh Sinh Công Văn Khoa Ngô Đình Lệ Thủy bị tai nạn chết, như tôi đã kể trong bài viết về cô.
Mãn hạn công tác, tôi rời Phan Thiết. Vẫn không có người yêu dấu nào đưa tiễn. Vào Sài Gòn, rồi về Nha Trang, nghỉ hơn nửa tháng, trước khi ra Qui Nhơn trình diện Đại đội 202 CTCT. Tại đây, bắt đầu một giai đoạn mới của đời chiến binh. Nhưng đó là một chuyện khác.
7.
2011. Bốn mươi lăm năm sau, kể từ ngày đặt chân lên Xứ Buồn Muôn Thuở. Hôm nay, mùa thu trở lại trên Portland. Mưa từng cơn lạnh, và buổi sáng, buổi chiều, sương mù phủ trắng những ngọn thông già rung mình trong gió. Lái xe ngang qua, tôi nghe rét mướt lùa vào hồn, nghe từng kỷ niệm êm đềm, từng tiếc nuối xót xa của mùa thu cao nguyên xưa lần lượt kéo về, úa vàng như những chiếc lá rơi đầy trên ngõ. Như thời gian đã mất mà tôi vẫn khắc khoải tìm về nâng niu, cho quên đời phiền lụy.
Cựu Đại úy Phạm Văn Tải và gia đình đang sống tại Portland, như tôi. Người nhạc sĩ vũ trường tài hoa, “dân chơi thứ thiệt” ngày nào, chỉ huy trưởng đầu tiên của tôi, giờ đã 76, có một người con làm linh mục và một giàn cháu nội ngoại, và chỉ đàn trong nhà thờ và thỉnh thoảng cho con cháu, và tôi, người khách đặc biệt, nghe. Cựu Trung úy Nguyễn Hữu Đạo, trên 85, cũng là đồng hương Portland, vẫn làm thơ, dưới tên Thanh Khê, như trước đây khi còn ở Xứ Buồn Muôn Thuở, để ca tụng thiên nhiên, cuộc đời, gia đình, nhất là hiền thê đã gắn bó với ông hơn ba phần tư thế kỷ, với những lời thơ bình dị, chan chứa tình người. Cựu Trung úy Nguyễn Văn Mỹ, sau lên Thiếu tá Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 20 CTCT, hiện sống ở Seattle, tiểu bang Washington, cùng với con, cháu. Cựu Đại úy Lê Văn Cậy, cậu tôi, sau về làm quận trưởng quận châu thành Hàm Thuận, Phan Thiết, hiện định cư tại Tokyo, Nhật. Khôi Trán Cao, sau rời trường Đại Học CTCT về Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt, nay ở Nancy, Pháp. Quang Học Giả, sau lấy cô Nga, hàng xóm của chúng tôi tại căn nhà ma, không biết bây giờ ở đâu. Nguyễn Cảnh Lộc và Phan Văn Tần đang ở Mỹ, nhưng tôi chưa liên lạc được. Lê Đồng về sau lên thiếu tá, phòng 5 Sư đoàn 23 BB, và trước ngày tan hàng một tháng, trong một chuyến công tác từ Kontum về, ngang Buôn Hô, đã rớt trực thăng, được truy thăng cố Trung tá. Theo lời Phạm Tín An Ninh kể, Trung tá Võ Khâm đã tử trận, mất xác, năm 1974 tại Bu Prang, Quảng Đức, khi ông trong chức vụ Tiểu khu phó Khánh Hòa ông dẫn một lực lượng địa phương quân lên tăng cường cho Quảng Đức. Ninh cũng cho biết Thiếu úy Thổ Thêm, sau lên Thiếu tá, cải tạo trở về, chết tại nhà. Cựu Trung tá Võ Công Khanh đi tù nhiều năm ngoài Bắc, hiện định cư tại Na-Uy như Ninh, cùng với gia đình gồm vợ và con, cháu. Cựu Đại úy Quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển nay trở thành nhà văn nổi tiếng Hoàng Khởi Phong ở Westminster.
Về những mỹ nhân, nghe Ninh nói, vũ nữ Diễm của cố Đại úy Mỹ (chết trận Buôn Hồ) về sau là vợ hai của một Sĩ quan đàn em ông Mỹ. Tôi cũng nghe ai nói, cô chủ quán bi da Chợ Nhỏ bị người anh rể nổi cơn ghen hay cơn điên bắn chết cùng với toàn gia đình trong một vụ thảm sát và tự sát kinh hoàng làm rúng động Ban Mê Thuột. H’Mai và cô Sương, ái nữ của cố Trung tá Võ Khâm, không biết bây giờ ra sao. Cô thư ký L. của quận Thiện Giáo, không rõ sau này có lấy anh bạn Pháo binh - mà tôi cũng vô âm tín. Mộng Lan đã từ trần, bỏ cuộc chơi giữa tuổi thanh xuân, khi vũ trường đường Tôn Thất Thuyết bị đặt chất nổ.
Còn ông bà Thiếu tướng Võ Văn Cảnh và ba chị em Như Hường, Bích Thủy, Huy ? Cách đây hơn nửa năm, Luật sư Trương Phú Thứ, Seattle, nhờ tôi dịch quyển hồi ký của bà Ngô Đình Nhu, và nói đã có một người lo phần ấn loát, tên Trần Văn Giang, “con rể của Tướng Cảnh”. Tôi không bao giờ gặp lại Thiếu tướng Cảnh sau ngày rời bỏ Ban Mê Thuột, nhưng mỗi lần nghe ai nhắc đến tên ông, những kỷ niệm buồn vui từ đâu bỗng hiện về tràn ngập tâm hồn - rộn rã với bao nhiêu tình cảm luyến lưu, đằm thắm, không chỉ đối với ông mà cả gia đình ông. Sau một thoáng xúc động, tôi hỏi Thứ : “Giang lấy cô nào vậy ? Như Hường hay Bích Thủy ?” Thứ đáp, “tôi không rõ”. Sau đó, được nói chuyện qua email, rồi điện thoại, với Giang và Như Hường, tôi được biết Thiếu tướng Cảnh đã mất năm 1994, bà đã trên 80 và sống lặng lẽ, đạo đức, chăm lo việc Chúa. Ba người học trò nhỏ năm xưa nay đã lớn, có gia đình êm ấm, con cái thành tài. Giang lấy một người em của Như Hường và Bích Thủy, trong đám “con nít” cười rúc rích sau tấm màn, buổi tối đầu tiên tôi đến dạy.
Tôi hứa với Như Hường, ngày nào xuống Nam Cali, tôi sẽ đến thăm bà cụ và các em và sẽ ra mộ thắp nhang cho cố Thiếu tướng Võ Văn Cảnh, một vị chỉ huy tài ba, quá tốt -mà tôi đã may mắn được một lần gặp gỡ. Để nhớ thương một đời.
Kim Thanh
Portland, tháng 12, 2011
(Trích TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ-Phần 6 & 7 của KIM THANH đăng trêndongsongcu.wordpress.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét