Xứ Thượng...
DÂN TỘC SÊ ĐĂNG
Người Sê-Đăng còn có tên gọi khác là Hđang, là một trong số những dân tộc thiểu số chủ yếu sống tại huyện Tu-mơ-rông và huyện Đăktô thuộc tỉnh Kontum, Việt Nam. Một số ít sống ở miền núi của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền núi khác.
Theo thống kê năm 2009, người Sê-Đăng ở Kontum có dân số 104.759 người, chiếm 24,4 % dân số toàn tỉnh và 61,8 % tổng số người Xơ Đăng tại Việt Nam.
Người Sê-Đăng sống đa số ở miền núi nên việc làm rẫy là chính trong đời sống kinh tế và văn hóa của họ. Họ trồng mì “pét pôm”, trồng lúa trên các sườn đồi “pét báu kong”. Ngoài ra một số làng còn trồng lúa nước “pét báu klang”, họ dùng sức trâu, sức người để làm tơi đất. Họ chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, đánh bắt cá, đan lát, dệt, đặc biệt người Sê-Đăng có nghề rèn từ quặng sắt rất phát triển và nổi tiếng từ lâu.
Họ có đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đời sống văn hóa phong phú và đa dạng. Những phong tục của người Sê-Đăng được tồn tại và được phát huy cho đến bây giờ: lễ hội mừng lúa mới “ka báu nếu”, tục đám cưới “ôu drôu óng mé”, ngoài ra còn có các tục uống rượu như uống rượu người chết “ôu drôu tui”, uống rượu trước mùa gặt “ôu drôu íng”, uống rượu làm nhà “ôu drôu mơnhông hngêi”…
Mỗi làng Sê-Đăng đều có nhà rông. Nhà rông được dân làng làm nên hoàn toàn bằng gỗ có mái lợp bằng tranh. Kỹ thuật làm nên chỉ là lắp ghép và chằng buộc, không hề dùng đến đinh sắt, dây thép… Nhà rông thực sự là công trình kiến thiết, một sản phẩm văn hóa trong làng của người Sê-Đăng. Nhà rông được ví như một ngôi nhà đa năng, là nơi diễn ra các lễ hội như lễ mừng lúa mới, lễ mừng cưới hỏi cho đến những vấn đề xung khắc trong làng cũng được phân xử tai đây.
...
(Trích theo "NÉT VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO SÊ-ĐĂNG" của Phạm Đức Hữu đăng trên http://violet.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét