Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

TỪ PHI TRƯỜNG VỀ BANMÊTHUỘT

Lần đầu tiên lên cao nguyên xứ buồn muôn thuở...
TỪ PHI TRƯỜNG VỀ BANMÊTHUỘT
Mặc dù chưa đến ngày khai trường, nhưng sau khi nhận Sự Vụ Lệnh và vé máy bay, tôi liền lên đường nhận nhiệm sở, trước ngày khai trường cả tuần lễ.
Theo Sự Vụ Lệnh, trường tôi đến dạy là Trường Kỹ Thuật Ban Mê Thuột, khi chọn nhiệm sở, tôi chưa hề biết qua trường này, tôi cũng không quen biết bất kỳ ai ở vùng đất đó, tôi chỉ biết sơ Ban Mê Thuột ở trên Cao nguyên Trung Phần, nơi có nhiều đồn điền Cao su của người Pháp.
Hỏi thăm người khác, từ Sàigòn đi Ban Mê Thuột bằng cách nào? Có người nói một là đi máy bay, hai là đường bộ; trước đó vài năm đi theo quốc lộ 13, qua Bình Dương, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp rồi đến Ban Mê Thuột, nhưng lúc đó đường này không còn đi được nữa vì mất an ninh, muốn đi đường bộ phải ra Nha Trang, từ Nha Trang qua ngã Khánh Dương lên Ban Mê Thuột.
Khi nhận Sự Vụ Lệnh, có kèm theo giấy Trưng dụng hàng không, đem giấy Trưng dụng ấy ra Air Việt Nam để lấy vé máy bay đi Ban Mê Thuột ngày 10-9-1966. Tôi nhớ hồi đó Hàng Không Việt Nam có trụ sở trên đường Phan Đình Phùng, có quầy bán vé ở nhà ga xe lửa Sàigòn, trên đường Lê Lai, nơi đây có Bưu Điện, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín và quầy vé Air Việt Nam.
Khi đi, hành khách Air Việt Nam đến trạm trung chuyển ở đầu đường Phạm Ngũ Lão, địa chỉ là số 10 hay 12 Phạm Ngũ Lão, nay tôi không thể nhớ, và nơi đó cũng như chỗ bán vé giờ đã thành công viên 2 tháng 9. Nơi đây làm thủ tục cân gửi hành lý… rồi có xe buýt của Air Việt Nam đưa lên Tân Sơn Nhất. Hành khách không được đi thẳng vào phi trường Tân Sơn Nhất. Trên xe buýt chỉ có người có vé mới được lên xe, lại có một cảnh sát theo xe hộ tống, để không cho bất cứ ai lên xe ở dọc đường. Tôi không nhớ được vì cớ gì phi trường Tân Sơn Nhất lại được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ như thế, trước đó khoảng năm 1964 hay 65, ai muốn ra vào xem máy bay lên xuống, đưa đón thân nhân đều được vào ra phi trường Tân Sơn Nhất tự do.
Tôi nhớ hôm đó, tôi đi chuyến bay sớm, cất cánh vào lúc 6 giờ 30, giấy hẹn có mặt ở trạm trung chuyển lúc 4 giờ sáng, trước khi ngủ, tôi để đồng hồ reo lúc 4 giờ, nhưng không hiểu sao tôi không nghe đồng hồ reo, khi giật mình thức dậy đã 4 giờ 30, hấp tấp đánh răng, rửa mặt, mặc áo quần ra đường gọi Cyclo máy đi đến trạm trung chuyển Phạm Ngũ Lão. Có người đợi tôi để chúc thượng lộ bình an, tôi cũng chỉ nói mấy lời rồi lên xe cho kịp chuyến, nhờ đó tránh được cảnh “chia tay sao mà buồn quá vậy!” ở sân ga.
Thuở đó Air Việt Nam chỉ có máy bay hai động cơ DC3, DC46 về sau mới có 2 chiếc Boeing 727, đến 1975, chỉ còn sử dụng một chiếc, chiếc kia nằm ở Hồng Kông. Hầu hết các chuyến bay đi Ban Mê thuột là DC3 chở được 28 hành khách. Đường bay Ban Mê Thuột lúc đó mỗi ngày một chuyến, và chỉ mất 45 phút để bay từ Tân Sơn Nhất đến Ban Mê Thuột.
Khi phi cơ bay chừng 15 phút, nhìn ra cửa sổ, thấy rừng cây um tùm, phi cơ không bay cao lắm nên có thể nhìn thấy những tàng cây to, khi phi cơ hạ thấp cao độ, nhìn xuống thấy rừng, đồi núi và những hàng cây cao su, rồi phi cơ hạ cánh trên phi đạo ngắn, phi trường nhỏ ở một chỗ hoang vắng. Sau này tôi mới biết đó là phi trường Phụng Dực.
Từ phi trường, lên xe buýt Air Việt Nam để về trung tâm phố chợ, xe chạy băng qua một khu lâm viên chừng 20 mẫu của chánh phủ trồng cây sao và cây giá tị, rồi xe chạy qua hậu cứ của Trung đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh, rồi xe chạy qua đồn điền cao su CHPI hay CHPN? lâu quá tôi không nhớ rõ. Dưới tàng cây cao su, người ta lại trồng cà phê, vì cây cà phê thích hợp sống như thế, xe vượt qua phi trường nhỏ, chỉ dùng cho L19, nên còn được gọi là Phi trường L19. Phi trường này chỉ cách trung tâm thị xã không đầy 500 thước, xe chạy hết phi trường này là một bùng binh, nơi đây có nhà thờ Chánh tòa của Ban Mê Thuột, trước nhà thờ có một tượng Đức Chúa lộ thiên.
Qua khỏi bùng binh, đến một ngã tư, xe quẹo phải, đó là đường Lý Thường Kiệt, xe dừng lại trước trụ sở Hàng Không Việt Nam tại Ban Mê Thuột. Đặt chân xuống một thành phố xa lạ, tôi gọi một chiếc Cyclo đạp để đi về trường kỹ thuật Ban Mê Thuột, xe Cyclo chạy ngược trở lại bùng binh rồi quẹo phải, tôi thấy xe chạy qua Ty Điện Lực, Bưu Điện bên tay phải, còn bên tay trái là Tiểu khu, Tòa hành chánh tỉnh Đarlac, Ty Ngân khố, trước mặt Ty là một công viên, Cyclo quẹo phải, tôi nhìn thấy bên tay trái là Ty Y tế, Bệnh viện, còn bên tay phải là một khu kín cổng cao tường, cách một con đường là Ty Tiểu học, tiếp theo là trường Tiểu học xây gạch, lợp ngói, tọa lạc trên khu đất rất rộng, kế tiếp là khu xây cất mới, khang trang, cyclo dừng lại trước một căn nhà gỗ lợp fibro xi-măng, cửa khóa, người đạp cyclo cho biết đã tới nơi.
Tôi theo con đường đất đi vào trường, chừng 50 thước thì đến dãy lớp học, ngoài sân dãy lớp học còn in những vết hằn của xe tải, nhìn lại đôi giày dính đầy đất bùn đỏ, đó là hậu quả sau cơn mưa buổi tối hay mới sáng hôm đó, tôi phải chà giày mấy lượt trên mấy tấm đan, bùn vẫn còn dính, nhưng đành vậy. Tôi theo hành lang dãy lớp học, tìm vào văn phòng Hiệu Trưởng để trình Sự Vụ Lệnh.
...
(Trích đoạn "NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN TÔI DẠY" của thầy
Huỳnh Ái Tông đăng trên http://www.ahvinhnghiem.org/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét