Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Một thời làm điệu ...
CHÚ TIỂU SÂN CHÙA (tiếp theo)
Mỗi lần có người mới vô xuất gia, công việc thỉnh chuông lại được giao cho người ấy. Tôi thỉnh chuông được một năm mà chẳng thấy ai xuất gia nữa. Tôi, nếu tình hình này mà tiếp tục thì buổi chiều, phải ăn nhiều hơn một chút để khỏi lục cơm nguội mà quỳ một cây hương. Cái đoạn trường này có ai thấu cho tôi. Tôi đành âm thầm chịu đựng để đêm đêm nghe tiếng gọi của bao tử cầu cứu.
Tôi cứ cầu nguyện cho đứa nào đó “chóng quay về bờ giác” để thay tôi làm công việc này. Vào buổi sáng sớm sau nửa tiếng đồng hồ thỉnh chuông, tôi còn phải xuống đun nước sôi, rửa bình chén trà, quét nhà, lau bàn ghế. Trước khi đại chúng xong thời công phu sáng thì tôi phải hoàn tất mọi công chuyện đó. Những việc như thế phải làm trong tư thế cẩn thận, nghiêm trang, chánh niệm và tươm tất.
Có một lần thầy gọi tôi lên phòng, Thầy bắt đầu với một giọng chậm rãi và hiền hòa. Thầy nói rằng thời gian gần đây khi thầy dạy tôi học bộ Tỳ ni nhật dụng thiết yếu thì tôi thường hay bê trễ. Nấu nước pha trà cũng trễ, thậm chí khi nghe hiệu lệnh báo thức của đại chúng, tôi cũng dậy trễ. Thầy nói rằng chắc là tôi không có duyên với Phật pháp, cho nên đi tu chưa đầy một năm mà nghiệp giải đãi hiện ra. Thầy bảo nếu muốn tu thì cố gắng tinh tấn tu học, hầu thầy, phục dịch cho đại chúng, còn nếu không được thì nên trở lại cuộc sống thế tục, chứ đừng giải đãi mà mang nợ áo cơm của đàn na thí chủ mà bị đọa.
Nghe đến đó, tôi nghẹn ngào uất ức lắm, chỉ biết nước mắt lưng tròng. Thầy hỏi tại sao tôi khóc và tôi có muốn tiếp tục làm điệu nữa không. Nếu muốn tiếp tục thì phải nghe lời thầy mà cố gắng tinh tấn dũng mãnh lên. Tôi vừa thút thít vừa lau nước mắt thưa với thầy rằng chính vì tôi tinh tấn nghe lời thầy mà mọi chuyện xảy ra như thế. Trước đó, tôi là thằng bé lanh lẹ siêng năng mà nay tự nhiên chững chạc đến nỗi chậm chạp.
Thầy tôi nghe như vậy ngạc nhiên hỏi tại sao tôi nói như vậy. Tôi chấp tay trước ngực thưa với thầy rằng thầy dạy tôi khi thức dậy phải đọc câu kệ “Tảo giác”, súc miệng phải đọc bài “Sấu khẩu”, rửa tay, rửa mặt v.v… đều có một bài kệ kèm theo. Nói chung, tất cả mọi động tác trong ngày đều phải đọc kệ và chú. Từ khi thức dậy cho đến khi thời kinh bắt đầu chỉ có khoảng 10 phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủn đó, tôi phải thực hiện bao nhiêu động tác, bao nhiêu bài kệ, bao nhiêu câu chú. Thử hỏi ngần ấy kệ tụng thì làm sao tôi có thể thực hiện xong trong vòng 10 phút. Vì lẽ đó, cho nên tôi thường hay trễ.
Nghe tôi trình bày, thầy im lặng và bảo tôi xuống. May quá! Nếu lúc đó tôi không thể biện minh một cách logic như thế, chắc là tôi bị cắt giảm cơm chiều ba bữa và rửa chén một tuần. Nguyên tắc trong chùa quy định rằng chú nào nghe hiệu lệnh mà chậm trễ thì sẽ bị phạt như thế. Hồi đó, tôi không trình bày cặn kẽ với thầy lý do bê trễ thì không biết số phận của tôi sẽ ra sao.
Chiều đó đã ăn cơm rồi mà thỉnh một hồi chuông còn đói huống chi mà bị phạt không ăn cơm chiều rồi còn rửa chén, tối thỉnh chuông thì chắc tôi phải “về cõi Phật” sớm.
...
(Trích đoạn Phần 3 "Ước mơ của một chú tiểu" theo Pháp Luân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét