Ai cũng có tuổi thơ...
CHÚ TIỂU SÂN CHÙA (tiếp theo)
Thế là từ ngày ấy, tôi được mặc bộ đồ vạc khách nâu sồng. Mãi 3 tháng sau thì tôi mới được cạo tóc. Trên đầu tôi giờ đây cũng có một miếng chỏm ngắn trông như vết mực tàu khi viết nét thứ nhất của chữ NHƠN (người). Đối với mọi sinh hoạt trong chùa, tôi tưởng như quá quen thuộc, nhưng mọi việc hoàn toàn khác. Kể từ khi bộ nâu sồng và cái chỏm xuất hiện trên cơ thể nhỏ bé của tôi thì không khí thiền môn và cách sinh hoạt trong chùa lại chuyển sang một giai đoạn mới. Không phải quy củ thiền môn thay đổi mà giờ đây tôi thực sự nghiêm chỉnh hành trì mọi nguyên tắc, quy luật khắt khe trong chốn thiền môn. Lúc đó, tôi mới hiểu ra một điều rằng tại sao các chú trở nên dễ thương, dễ mến đến thế, là vì mọi nguyên tắc, quy luật trong chùa nhằm đào tạo con người từ thấp hèn trở nên cao thượng, thay đổi nếp sống bình phàm trở nên thánh thiện. Hàng ngày, tôi phải thức dậy từ rất sớm khi phía Đông chưa có một tia sáng. Vạn vật vẫn còn im lìm lắm, chỉ nghe từ xa vọng lại một vài tiếng gà gáy trong sương. Tôi được giao phó công việc thỉnh đại hồng chung thay cho chú có cái chỏm ngắn. Chú đó được theo quý thầy lên chánh điện tụng kinh. Vì tôi mới xuất gia chưa thuộc nhiều kinh, cho nên chỉ cầm quyển kinh nhỏ trong đó có bài nguyện chuông. Cứ đọc hết một bài kệ hay một danh hiệu của đức Phật, Bồ tát là thỉnh một tiếng chuông như trong quyển đó chỉ dẫn. Nhưng không phải bất cứ ai cầm quyển kinh nhỏ đó cũng có thể thỉnh chuông được. Phải tạo ra sự cân đối giữa hai tiếng chuông trong thời lượng hợp lý. Tiếng trước vừa hết ngân nga mới được thỉnh tiếng tiếp theo, cho dù mỗi bài kệ độ dài không giống nhau. Khi thỉnh chuông, tâm hồn phải tuyệt đối an tịnh để tạo ra một năng lượng tập trung cao độ. Dùng năng lượng ấy chuyển đi khắp cơ thể, vào từng cơ bắp, từng tế bào. Có như thế ta mới thỉnh được tiếng chuông vừa lớn, vừa ấm, vừa êm ngân vang trong không gian tĩnh lặng. Tiếng chuông như thế mới chuyển tải được năng lượng từ bi, năng lượng an tịnh. Tiếng chuông như thế mới khiến người nghe trút bỏ mọi ưu phiền, sanh đại trí tuệ, buông gánh nặng luân hồi xuống và tiếng chuông như thế mới đủ tầm cỡ xoa dịu những nỗi đau khổ nhất trong các cõi địa ngục. Cũng chuông đó, chày đó, mà mỗi người cho ra một âm thinh khác nhau. Có một vị cao tăng nói với đại chúng rằng “chỉ cần thỉnh ba tiếng chuông, tôi có thể biết được các vị tu bao lâu và công phu tu tập tới đâu”.
...Tôi có nghe các chú kể câu chuyện có một chú tiểu ở đâu đó cứ ngủ gật mỗi khi thỉnh chuông. Tôi nghĩ chắc chày chuông chùa đó nhỏ. Nếu chú đó ở chùa tôi thì nghiệp chướng ngủ gật không thể xảy ra được. Mỗi lần thỉnh chuông là 30 phút và phải thỉnh đủ 54 tiếng. Ngày đêm thỉnh chuông hai lần, buổi chiều tối và sáng sớm tinh mơ. Mỗi lần như vậy, phải đứng lên ngồi xuống, chạy tới chạy lui liên tục thì làm sao con “buồn ngủ” đậu trên mắt được. Khi thỉnh chuông được một tuần, tôi mới phát hiện ra rằng tôi đói bụng hơn các chú kia. Khổ nỗi là thầy tôi bắt gặp chú nào lảng vảng dưới nhà trù sau giờ tụng kinh là người đó phải quỳ trước bàn tổ một cây hương dài. Có một lần tôi rủ một chú nữa đi kiếm thứ gì ăn thêm sau khi đã tụng kinh, vì “bà cô ruột” tôi réo liên tục. Lúc đó thầy tôi đang tiếp khách. Những tưởng chuyến này thuận buồm xuôi gió, nào ngờ ông khách ra về sớm hơn chúng tôi dự đoán. Hai chúng tôi bị bắt quả tang đang chia nhau tô cơm nguội còn lại hồi chiều. Thầy bắt được, nhưng không nói một tiếng nào mà lặng lẽ đi lên phương trượng. Tôi biết chắc là tai họa sẽ ập tới. Tôi nhủ thầm rằng thà quỳ một cây hương còn hơn là cứ quằn quại suốt đêm không ngủ được với cái bụng xẹp lép. Thầy cho gọi hai chúng tôi lên và đưa một cây hương. Chúng tôi cung kính nhận hương. Tôi đo thử, cây hương dài hơn hai gang tay tôi lúc đó. Tôi nói nhỏ với chú kia rằng có lẽ chúng ta sẽ quỳ cho tới khi đại chúng xả thiền. Khi nghe tiếng kiểng báo giờ ngồi thiền, tôi xích lại gần cây hương trốc bớt bột hương phần dưới để cây hương chóng tàn, giảm bớt thời gian quỳ. Chiêu thức này thì thầy tôi chưa phát hiện được.
...
(Trích đoạn Phần 2 "Ước mơ của một chú tiểu" theo Pháp Luân)
...
(Trích đoạn Phần 2 "Ước mơ của một chú tiểu" theo Pháp Luân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét