Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Tủ sách xưa, tuổi hoa xanh... LÁ THUỘC BÀI

Tủ sách xưa, tuổi hoa xanh...
LÁ THUỘC BÀI

...
Đầu tiên, em gặp cô Thục Viên và hỏi cô có biết lá thuộc bài không ? Cô đáp :
- Lá trắc bá diệp chớ gì.
Vậy là cô biết rất rõ. Em lại hỏi :
- Thưa cô, tại sao người lớn lại bịa đặt với trẻ con rằng ai có chiếc lá thuộc bài sẽ học giỏi ?
- Đâu phải vậy. Người ta nói là ai có chiếc lá thuộc bài để vào bài học nào sẽ thuộc bài học ấy mà khỏi phải học chớ.
- Sao vậy cô ?
- Hương không biết thật à ?
- Vâng.
- Thế Hương có biết chuyện chuồn chuồn cắn rốn ba lần thì biết bơi không ?
- Em biết.
- Thì đấy, chuyện ấy hay chuyện lá thuộc bài đều nhằm tạo cho đứa trẻ một niềm tin...
- Tạo một niềm tin ?
- Đúng vậy. Theo cô, đáng lẽ người ta nói như thế này mới đúng : "Nếu để chiếc lá thuộc bài nơi bài học, sẽ học bài dễ thuộc hơn", hoặc là : "Cho chuồn chuồn cắn rốn ba lần, sẽ mau biết bơi hơn"...
Cô Thục Viên lại cho em biết thêm nhiều chuyện khác :
- Cô đố Bảo Hương chớ tại sao người ta lại bảo trẻ con mà ăn chân gà thì tay run, viết chữ xấu ?
- Viết chữ xấu thật đó cô.
Cô Thục Viên cười ngặt nghẽo :
- Đó, thấy chưa. Bảo Hương mà còn tin thì khỏi nói những đứa trẻ ít tuổi hơn. Sự thật là thế này : Chân gà có rất nhiều xương nhỏ, ăn không khéo có thể bị hóc xương. Vì sợ trẻ con bị hóc xương, người ta mới nói "Ăn xương gà tay run, viết chữ xấu". Đứa trẻ nào đi học mà không sợ viết chữ xấu, thành ra chẳng đứa nào dám ăn chân gà cả...
- Thì ra vậy...
- Lại còn chuyện ăn ốc nói mò nữa...
- Cô giải thích đi cô.
- Cô đoán là thế này. Khi ăn ốc, người ta thường dễ bị dị ứng như nổi mề đay, nếu cơ thể không hợp. Một lý do khác có thể là ăn ốc, người ta dễ bị... nhột bụng. Bởi vậy mới bịa ra câu "ăn ốc nói mò".
Cô Thục Viên dừng lời một chút rồi hỏi em :
- Nhưng mà Bảo Hương chưa cho cô biết tại sao bỗng dưng em lại hỏi cô chuyện lá thuộc bài ?
Em chưa muốn cho cô Thục Viên biết chuyện ba em cho em chiếc lá thuộc bài. Em nói :
- Tại... em nhặt được một chiếc lá thuộc bài. Em hỏi nhỏ bạn, nó nói tên và công dụng của chiếc lá. Em chưa tin nên phải hỏi cô cho rõ...
- Phải đó. Tin làm sao được mà tin. Nếu quả đúng ai có lá thuộc bài thì học giỏi, thì làm gì có người phải xếp hạng... bốn mươi lăm trong lớp !
Em cười khúc khích theo cô Thục Viên
...
(Trích đoạn trong Chương 5-Chiếc Lá Thuộc Bài của Nguyễn Thái Hải)
...
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường…” của thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ, có nhiều thứ sưu tập trong chuỗi ngày thơ mộng của tuổi học trò, nhất là các bạn nữ. Trong đó, “chiếc lá thuộc bài” là một thứ không thể thiếu trong hành trang “đi học” của các bạn!
...
Ngày nay, các bạn học sinh tiểu học chắc không có ai biết sưu tầm những “chiếc lá thuộc bài” như thế hệ chúng tôi ngày xưa đâu nhỉ? Chiếc lá coi đơn sơ vậy đó, chứ nó gắn bó với bọn học sinh chúng tôi từ lớp Năm cho đến lớp Nhất (lớp một đến lớp năm bây giờ). Thậm chí khi vào đệ thất (lớp sáu) rồi, có bạn nữ vẫn còn lưu giữ những chiếc lá thuộc bài của một thời tiểu học, làm hành trang đi hết quãng đời hoa mộng của lứa tuổi học sinh! Không biết bây giờ Thuý và các bạn học chung của tôi hồi ấy có còn nhớ về chiếc lá thuộc bài này không nhỉ? Chắc là không, vì nó đã xưa…xưa lắm rồi! Hơn bốn mươi năm rồi, còn gì!
(Trích đoạn Chiếc Lá Thuộc Bài của Hoàng Đức đăng trênhttp://sankhaucailuong.com/)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét