Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

CỐI GẠO NƯỚC

Nhớ thuở Mường xưa...
CỐI GẠO NƯỚC
Nước từ đôi ống bương trên bờ phải dốc vào bầu nước khiến cần cối nâng lên cao, nước từ bụng cần cối oà ra, cần cối hẫng hụt trọng lượng bổ nhào xuống nện chày vào miệng cối giã. Côông ! Bụp! Côông ! Bụp ! trình tự nâng lên hạ xuống nhịp nhàng trung tính, không mệt mỏi, không rộn ràng hết ngày tới đêm rồi một sớm mai mùi gạo nương mới thơm lừng gọi bướm vàng bướm trắng rắc hoa vàng hoa bạc khắp thung xanh.
Cối gạo nước theo nguyên tắc đòn bẩy, nếu bầu nước và phía mỏ cối chưa đủ nặng cần thiết để bập bênh, già ... sẽ buộc thêm một hai cồ đá phiến vào một trong hai đầu cho thích hợp.
...
Gỗ dùng làm cần cối phải là gỗ chò nâu, thứ cây chịu nước, thân thẳng, lúc mới đốn hạ còn tươi gỗ mềm sụt, dễ cho việc khoét bầu nước.
Thanh tai cối, kén lõi thọ vàng hươm, dẻo, dai, chịu mài mòn kể cả lúc khô hay bị nước suối dâng trào. Gỗ làm chày hoặc ngành ngạnh, vãy táp, nhãn rừng, săng đá dùng nguyên lõi. Còn cối giã, chỉ cần tang gỗ trẹo ít nứt dập cong vênh, chịu va đập. Đôi ống dẫn nước thì chẳng cần cầu kỳ gì mấy, có thể chặt bất cứ khóm bương mọc ven suối Cái.
Ngày khai cối, cúng con gà con, nửa chai rượu và nắm xôi nóng lăn lòng cối. Già ... tu rượu suông, còn xôi, gà con luộc lá chanh băm đều dúi cho đám chúng tôi mỗi đứa một miếng. Điềm nhiên nhận phần mình, vì chúng tôi biết phần của già sẽ là cối gạo nếp nương còn nguyên cả cám mà chủ cối mang đến tận nhà già hậu tạ.
...
Cối gạo nước dựng dọc triền suối Cái, khe Trâm, khe Hẻm, có thể xa nhà, có thể gần nhà, mà chẳng ai lấy của ai. Khách lỡ độ đường có thể vốc một hai vốc ở mỗi cối, nấu bữa lót lòng độ nhật, thì cứ tự nhiên không ai lấy làm phiền.
Những đêm trăng sáng, tiếng cối gạo nước vọng xa vọng gần thứ thanh âm của chày gỗ của nước reo nghe buồn tênh, một nỗi buồn thanh bình yên ả, sao cứ khiến cho người nào đó vô tình để thấm vào ấn tượng, sẽ không bao giờ còn được tĩnh lặng mỗi khi nhìn về chân núi xa xanh đã phôi phai.
...
(Trích đoạn trong tùy bút "Chút hồi ức về miền thơ ấu" của Nguyễn Tham Thiên Kế đăng trên http://danviet.vn/net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét