Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Xứ Thượng... HỘT LÚA CÓ ĐUÔI



Xứ Thượng...
HỘT LÚA CÓ ĐUÔI
SGTT.VN – Không riêng gì người dân miền xuôi mà chính người kinh ở tây nguyên cũng quen gọi “hột lúa có đuôi” là lúa thượng để phân biệt với lúa trắng (giống lúa rẫy của người kinh). còn người j’rai, ba na ở quê tôi gọi là lúa gor.
1 – Giống lúa “có đuôi” vừa trồng được trên đất khô – quen gọi là rẫy, vừa trồng được dưới ruộng. Dù trên rẫy hay dưới ruộng, từ khi chọt lỗ, bỏ hạt giống cho đến khi lúa chín, tròm trèm sáu tháng. Hỏi nhiều già làng, chẳng ai biết giống lúa này xuất thân từ đâu. Trồng hết mùa này đến mùa khác. Khi suốt lúa, chọn những bông lúa dài và to hột để dành vài bao (loại 50kg) làm lúa giống mùa sau. Mà cũng lạ, chẳng có sách vở nào bày vẽ, cứ theo kinh nghiệm “đời cha truyền lại” vậy mà chỉ có giống lúa có đuôi đó mới chịu nổi thời tiết đỏng đảnh “mưa thúi đất, nắng vàng mắt” của xứ này. Mưa cỡ nào lúa vẫn xanh. Còn nắng độ nào (có khi bị hạn gần cả tháng), đến kỳ, lúa vẫn cứ làm đòng, rồi chín vàng cả mấy quả đồi khi trời chuyển sang se se lạnh… Người J’Rai, Ba Na quen suốt lúa bằng tay. Lúa để chín trên cây, chiếc gùi nhỏ đeo trước ngực, hai tay suốt từng gié lúa như hái lá trà. Đầy gùi nhỏ, đổ vào gùi lớn. Cứ ai đầy gùi lớn là gùi lúa về nhà nghỉ ngơi, mai suốt tiếp. Lúa suốt về chẳng cần phơi, cứ đổ vào chồ (chòi đựng lúa) ăn dần, chờ đến mùa lúa năm sau. Nhà nghèo có một cái chồ nhỏ. Nhà giàu, vài ba cái chồ, mỗi cái chồ to bằng nửa cái nhà lớn.
...
3 – Hơn hai mươi năm tôi không còn được ăn chén cơm nào nấu từ lúa gor. Hoặc là ăn cơm từ hột lúa trắng (giống lúa mà người Kinh thường trồng trên rẫy), sau này chỉ ăn cơm từ hột lúa ngắn ngày trồng ở ruộng nước. Mùi cũng khác. Vị cơm cũng khác… Nhưng quả thật hạt cơm nấu từ lúa gor ngon hơn.
Bỗng dưng nhớ và thèm chén cơm “hột lúa đuôi dài” trong chút se lạnh cuối năm giữa đất Sài Gòn. Nhờ người bạn thường xuyên lui tới các làng J’Rai, Ba Na để kiếm cho chục ký gạo. Anh chạy từ Chư Sê qua Chư Pưh, vòng về Ia Phang. Phải mất gần nửa tháng mới đáp ứng yêu cầu “quái dị” của tôi bằng 10kg gạo mua từ chính một già làng quen biết ở huyện Ia Phang. Anh nói qua điện thoại: “Đất bây giờ trồng càphê, trồng tiêu hết rồi. Rảnh đâu mà trồng lúa. Tui không nghĩ rằng ông “tào lao” như vậy. Muốn ăn thì cứ trộn gạo thường với nếp thì ra gạo “có đuôi”. Thời buổi giờ, tìm ra được hạt gạo như ngày xưa là hiếm lắm đó nghe. Mà nói trước, lúa thì có nhưng hình như bị ẩm vì năm nay mưa muộn”. Anh còn nói thêm, ngày xưa đói, ăn gì cũng thấy ngon. Còn bây giờ, gạo dư thừa, xuất khẩu 6 – 7 triệu tấn, gạo nào cũng là gạo, chắc gì gợi được cảm xúc ngày xưa. Phải chăng con người thường sống với kỷ niệm hơn là giá trị thật?...
(Trích Hột Lúa Có Đuôi của Minh Phúc đăng trên http://sgtt.vn/Huong-vi-que-nha/136161/Hot-lua-co-duoi.html )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét