Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

LỬA THIÊNG NHÀ SÀN



Xứ Thượng...
LỬA THIÊNG NHÀ SÀN
Bếp lửa Tây Nguyên nằm ngay giữa nhà, luôn ở vị trí cao quý, thiêng nhất. Làm sao thiếu bếp lửa nhà sàn mà còn được Tây Nguyên!
...
Tôi nói điều này, bạn chê hay mắng cũng được nhưng mà thật thế đấy, bạn không ở Tây Nguyên, "sống" với nó, thì xin lỗi, chắc bạn khó hiểu, khó cảm thế nào là một bếp lửa nhà sàn. Người Tây Nguyên thiếu gì cũng được nhưng thiếu một bếp lửa, một bếp lửa nhà sàn thì không, tuyệt đối không. Thì khô héo. Thì nghèo. Nghèo trong hồn.
Nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes, sống 25 năm với Tây Nguyên, ăn dầm nằm dề với Gia Rai 15 năm, bảo rằng người Gia Rai ban ngày có thể là đủ thứ, là ai, vào vai gì cũng được, viên chức Nhà nước, trí thức xã hội, sĩ quan quân đội, doanh nhân, được hết… nhưng đến đêm về làng, về nhà thì mới thực lại là người Gia Rai.
Khi ngồi bên bếp lửa nhà sàn, gật gà hút rượu cần, rít ống điếu tre và cất giọng ề à ngân nga kể khan mà hóa ra họ thuộc nằm lòng không biết từ bao giờ, thấm đâu đó mơ hồ mà không phai trong máu. Lúc ấy mới té ra tất cả những chức tước oai phong họ mang ban ngày chỉ là cái vỏ lỏng lẻo trống trơn, tối về, bước lên nhà sàn bên bếp lửa, họ cởi ra dễ như không tựa như cởi áo. Bếp lửa nhà sàn làm cho con người Tây Nguyên trở lại là người Tây Nguyên, Gia Rai trở lại Gia Rai, Ê Ðê trở lại Ê Ðê, Ba Na trở lại Ba Na…
...
Bếp lửa Tây Nguyên ư? Là cái bếp ngay giữa nhà, trên sàn tre của ngôi nhà, ọp ẹp chút cũng được nhưng luôn ở vị trí cao quý, vị trí thiêng nhất, vì còn gì thiêng bằng lửa? Ở đấy, lửa sống, âm thầm ban ngày, thao thức dưới tro, tỉnh dậy về đêm, bùng lên những tối rộn rã rượu cần, thầm thĩ về khuya khi bọn trẻ say mèm đã lăn ra ngủ hết, còn những người già thì lại thức dậy sau giấc ngủ mệt mề đầu hôm, càng khuya càng tỉnh như sáo, chí thú hút những hơi rượu cuối cùng tận đáy ché đậm đến khé cổ. Và, tôi đã có lần nghe trộm được, thầm thì rỉ tai nhau về những cuộc bồ bịch ngày xưa khi còn cường tráng và cả ngoại tình nay nữa khi chẳng còn chiếc răng nào, để cùng nhau rúc rích cười…
Vâng, một bếp lửa như vậy đấy, làm sao có được trong nhà Tây. Ừ, anh có thể thiết kế giả, kỹ thuật bây giờ cái gì chẳng giả được, chỉ có điều nó… giả. Cả ngôi nhà không ám khói bếp, từ cái giàn treo lủng lẳng bên trên ngọn lửa, trên ấy người ta đặt đủ thứ, chùm bắp giống béo ụ như đàn bà chửa, những gié lúa giống hạt no tròn hệt những con nhộng múp míp cho đến những trái bầu đựng nước đen bóng, bọn trẻ con cực kỳ tài hoa và tinh nghịch cắt những mảnh lá nhỏ dài dán chồng chéo lên nhau, năm bữa nửa tháng gỡ ra, để lại những hình kỷ hà ngang dọc ngẫu hứng lạ lùng và đẹp đến mê hồn, hẳn Picasso cũng phát ghen… Khói bếp ám đen bóng tất cả cột kèo rui mè, đến cả sàn nhà bằng tre, lạ vậy, cũng đen bóng. Khắp nhà đặc sánh một mùi hôi khói không thể nhầm, không lẫn vào đâu được, không ở đâu khác có, bám vào quần áo, vào tóc tai, vào da thịt, mùi khói đặc trưng nhà sàn Tây Nguyên… sẽ trở thành nỗi thèm nhớ xốn xang đến tận đáy tâm can của người vô phúc phải đi xa làng lâu năm… Bạn chê cái mùi ấy ư, được thôi! Vậy dân Tây ghiền phó mát, bíp tết thì sao nào?…
...
Nhà sàn bé thế nhưng đám trai gái trong làng thỉnh thoảng vẫn tụ tập uống rượu...Uống rượu đến khuya, đánh đàn goong và hát điệu Hái cà, lâu lắm mới hát lại… Rồi lăn ra ngủ, chen chúc thế mà đêm rừng Kpang vẫn lạnh thấu xương, giá còn ở trên nhà lầu thì gay rồi. Ở đây thế mà tiện hơn nhiều, nằm theo hình ngôi sao quanh bếp, cả chục người, đầu quay ra ngoài, chân chụm vào sát lửa, đặt ngay trên lớp tro hôi hổi, cách ngủ thật khoa học của người Tây Nguyên: chỉ cần hai chân nóng là cả người đủ ấm rang. Có cô cậu ấm quá ngủ mê mệt, đút chân vào lửa, gót cháy xèo xèo mới giật mình…
Bếp tất là "nhà" của lửa, là nơi cư trú của lửa, khám phá vĩ đại nhất của con người đã khiến con người thành người. Người Tây Nguyên không có truyền thuyết Prométhée cướp lửa của trời cho con người và đời đời chịu tội. Họ tin rằng tự nhiên nhân ái hơn, đã "ngậm" sẵn lửa trong nó để từng lúc lại cho con người trên hành trình bất tận của mình. Món quà quý nhất, được trân trọng gìn giữ, mỗi năm lại nhẹ nhàng âu yếm cất lửa cũ đi và lại xin lửa mới, của đất trời…
Lửa mới đ­ược lấy bằng phư­ơng cách truyền thống ở nhà rông. Ng­ười phụ nữ chin rư­ớc ngọn lửa từ nhà rông vào bếp của nhà mình. Những bẹ chuối mát lành được xếp vuông vắn quanh bếp... Tại đây, ng­ười chủ gia đình hiến sinh một con gà trống hết lớn, máu và gan dâng cho hồn lửa cùng với lời khấn "Xin lửa hãy ở yên trong bếp... Hãy nhận và ăn tất cả những gì ng­ươi thích tại đây... Ðừng ăn ở nơi khác trong nhà hay ngoài kho...". Cũng t­ương tự như­ vậy, ngư­ời Xơ Teng lấy lửa bằng thanh nứa hay hòn đá để đốt rẫy. Họ tin rằng ngọn lửa mới sẽ ăn sạch những cây to, cây nhỏ được đốn ngã mà không liếm sang phần của rừng…". Ta thấy đấy, lửa luôn gắn với những gì tinh khiết nhất...
(Trích trong " Lửa Thiêng Nhà Sàn" của nhà văn Nguyên Ngọc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét