Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

BỐ TÔI *Thu Hằng

Lên non mới biết non cao...
BỐ TÔI
*Thu Hằng
“ Con không cha như nhà không nóc…”
60 năm làm người, bây giờ tôi mới thấm thía câu ca dao- tục ngữ được lưu truyền này !!!
Là con gái thứ 4 trong nhà, nhưng là con gái đầu lòng sau 3 ông con trai nên có lẽ tôi rất được Bố Mẹ thương yêu ngay từ lúc còn ấu thời. Lúc nào trong mắt Bố, tôi vẫn là con bé Hằng ngày xưa của Ông. Việc gì không bảo được ai làm ngay cho , gọi ngay con Hằng thì xong ngay . Đó là lời tôi nghe lén được từ Bố Mẹ khi trao đổi chuyện trong nhà với nhau.
Thuở thi vào lớp 1 ấu trĩ ở trường Nữ Tiểu học Nguyễn Công Trứ , ở gần xã Lạc Giao nơi Bố tôi là Xã Trưởng. Tôi còn nhớ bóng dáng Ông chờ đợi ngoài cửa lớp trong lúc tôi đang thi…
Thuở học trường Nữ tiểu học NCT với những giờ nghỉ giữa lớp, Tôi , con bé H, lợi dụng Bố mình làm Xã Trưởng ở bên kia con đường trường học, tôi đi xuyên qua quán nước nhỏ ra sau nhà bác cai Trường, để đi tắt qua Xã Lạc Giao tìm Bố xin tiền ăn vặt. Ở Trường hay ở Xã Lạc Giao, ai quen biết Bố rồi dần cũng biết & ưu tiên cho con gái bé xíu của Bố tôi.
Rồi những món đồ chơi nồi niêu bằng sắt , Bố tôi đi công tác ở Sài Gòn & đem về cho tôi, đã được tôi bầy biện chơi dưới bàn học trong giờ ra chơi & đã từng làm mê muội, nhức mắt lẫn chút ganh tị của bạn bè trong lớp !!! ( Mãi đến sau này tôi mới nhận biết là vào thuở này Bố tôi đã bắt đầu làm chính trị “ lớn “ trong tỉnh Ban Mê Thuột )
Năm 1968, Ông gửi tôi vào trường bán công học đệ thất ( lớp 6 ) vì tôi học nhảy lớp & mới qua một cơn bịnh thập tử nhất sinh…nên bị hụt kỳ thi vào trường Tổng Hợp Ban Mê Thuột.
Thầy Nhàn đã ký giấy cho tôi vào học thẳng không đòi hỏi gì !!!
Năm 1969, Bố tôi cho tôi thi lại vào trường Trung Học THBMT. Ông đã chăm lo cho tôi mà tôi không hề nghĩ đến trong năm này.
Tôi được gửi xuống lò học luyện thi đệ thất với vị Thầy già khét tiếng dữ , ở dưới con suối đốc học. Ngày thi đến, Thầy Ngoạn là GS Pháp Văn tiếc là không “ chỉ đạo” gì được cho tôi vì không chấm canh thi lớp tôi. ( Gia Đình Thầy Ngoạn có cửa hàng vàng gần bên cạnh tiệm Mẹ tôi ) Và trước một ngày có kết quả thì Thầy đã qua nhà xoa đầu tôi & nói với Bố Mẹ tôi rằng : con bé H đậu thi điểm cao lắm. Nó đứng thứ 7 trong danh sách…
Đây cũng là lý do tại sao tôi học lớp 6/1 niên khoá 1969 & mang tiếng là “ bà chằng , thay vì Hằng ( cần nhắc lại là trên tôi là 3 người anh trai, dưới tôi lại thêm một thằng Cu !!! nên tôi rất ư là con trai )
Rồi Tôi rất mừng & hãnh diện khi Bố tôi được chọn làm Dân Biểu Quốc Hội cho cả nước Việt Nam & đại diện cho cả tỉnh Ban Mê Thuột. Tôi đã từng thấy Bố la rầy những người đem quà tranh sơn mài tới biếu xén. Bố không nhận và bắt buộc họ đem về dù họ van xin , thưa thốt…Tôi cũng đã từng thấy Bố đứng ra trịnh trọng thờ cúng ngày lễ Quốc Dân Đảng với các Bác trong quận Hoà Bình. Tôi cũng đã chứng kiến Bố tôi rộng lượng với các Bác “đàn em “ mình trong lúc thiếu hụt. Mẹ tôi từng than vãn Bố mày làm bao nhiêu lương thí cúng dâng hết cho Anh Em không cùng Cha Mẹ !!!
Tuy Bố đi Sài Gòn làm việc nước nhưng mỗi lần về nhà là Ông rất chiều chuộng Anh Em tôi. Ông sống rất liêm khiết , không lấy gì của ai vì vậy Anh Em tôi tha hồ tung hoành rạp hát Lô Đô khi có phim hay đông khách bằng cách xin ông dắt đi xem vì không mua được vé tốt. Tôi nhớ những lần rạp Lô Đô khiêng thêm ghế vào hàng dưới cùng cho Bố & Anh Em tôi ngồi xem. Chúng tôi thì hả hê được xem phim hay với chỗ ngồi tốt, nhưng Bố tôi thì không. Khi rời rạp hát Ông bắt buộc họ phải nhận tiền vé…& khuyên răn chúng tôi không được như thế…
Rồi Thời gian theo ngày tháng đi…
1973 cả gia đình tôi “ di cư ” vào Sài Gòn sinh sống. Bố tôi về hưu non & thôi không còn là Ông Dân Biểu Quốc Hội, đại diện tỉnh Ban Mê Thuột nữa !!! Mẹ mua cho Bố một quán chạp phô bán bút mực linh tinh cho qua ngày tháng hiu quạnh trên đất Sài Gòn. Và một nửa tiệm Mẹ tôi bán gạo…Dẫu gia đình tôi rất khá giả, không phải mua bán gì vẫn sống ung dung tự tại được, nhưng Mẹ vẫn gìn giữ lề lối con gái Bắc : quán xuyến việc nhà với quan niệm : Nhàn Cư Vi Bất Thiện. Tôi con gái Bắc, là nữ sinh Trưng Vương “ gần vẹn toàn “ như mấy đứa con gái cùng tuổi. thuở tuổi 15 này, rất buồn bực vì cũng phải tập làm quán xuyến “ khổ cực” theo Mẹ !!!
Rồi vận nước đổi thay. Tôi lớn lên với một xã hội đầy oan khiêng -bất mãn-bất công. Tôi theo gia đình vượt biên & cũng như đa số mọi người Việt chịu bao nỗi Oan-Nhục. Chỉ một năm sau 1975 mà gia đình tôi hứng chịu bao nỗi Thất bại với chua cay mà tôi không hề nhận thức được công lao của Bố Mẹ vào thời điểm này.
Bố Mẹ tôi, một Đời người mà 2 lần Sinh Tử Di Cư !!!
Năm 1976, Bố lại dắt tôi theo Ông vượt biên… Những ngày trên biển cả, Tôi say sóng không ăn uống được gì. Bố tôi chọn cho tôi một chỗ : bên máy tàu rất ồn ào, nhưng Bố tôi bảo : chỗ này con được yên thân vì không ai muốn cả . Mỗi giờ ăn, Bố tôi mớm cho tôi ít miếng sâm của riêng dành cho Ông để tôi ngậm cho có sức. Đến ngày thứ 3 khi con tàu bé nhỏ lênh đênh không biết đi đâu, thì Bố tôi vào hầm máy, xốc tôi ngồi dậy. Ông đưa cho tôi tấm thẻ căn cước của Ông & căn dặn : “ con nhớ đến ngày này giỗ Bố…Bố sẽ theo họ nhảy xuống biển chết…”. Tôi hãi hùng, ngồi thốc dậy nhìn ra xa xem chuyện gì đang xảy ra ? Môt chiếc tàu to gấp 20 lần con tàu nhỏ bé này đang rượt theo tàu chúng tôi…
Tôi theo các Bác đọc kinh cầu nguyện…
Và rồi tàu chúng tôi thoát nạn…Đến được bờ bến Mã Lai ngay trại Tỵ nạn mà vẫn bị chính quyền Mã đuổi ra. Cuối cùng Bố tôi đã dẫn dắt cả con tàu vào được bờ Tự Do.
“ …Tự Do tôi trả bằng nước mắt…” lời bài hát vẫn làm tim óc tôi thắt lại mỗi khi nghe được !!!
Ở trại Tạm cư, tôi con gái 18 tuổi, lần đầu tiên trong đời được ngủ chung giường với Bố. Đây cũng là lần đầu tiên & duy nhất Bố con tôi vượt Biên với nhau & dẫn dắt nhau đến Quê Hương thứ 2 này. Và cũng là lần duy nhất ở đây , tôi đã được tình cờ nghe Bố đàn hát bài : Tiếng Đàn Tôi.
Bố từng kể cho tôi nghe thuở thiếu thời của Ông không được may mắn như chúng tôi. Bố mất sớm. Mẹ tái giá, Ông may mắn được ở chung với các Anh con Bác & Ông đã từng phải chăn trâu vào sáng sớm rồi lật đật canh cho đúng giờ đi học.
Ông kể chỉ có mỗi một bộ quần áo trắng để đi học trường Tây Diploma theo các Anh Chị, nên ông phải ủ nó trong gối mỗi đêm cho thẳng nếp, để được đi học mỗi sáng. Rồi Bố tôi ra trường, có Diploma như các Anh Chị mình… Bố cũng kể cho tôi nghe chính Bố là người ký giấy cho Thầy Tâm Châu nhận đất làm chùa Khải Đoan ở Ban Mê Thuột khi Bố là Xã Trưởng.
Bố tôi ra đời tuy trả giá cao với những hệ luỵ chính trị tranh đua ganh ghét, nhưng rất thành công với tim óc của chính mình từ khi còn trẻ & Bố muốn đàn con mình noi gương theo.
Kể Từ ngày chọn đất Mỹ là quê Hương thứ Hai. Ông khuyên chúng tôi : . không xin trợ cấp, phải học & có mảnh bằng trong tay : Tay Làm Hàm Nhai & cần dành dụm tiền cho Mẹ & các em còn kẹt ở Việt Nam. Anh em tôi hăng say làm bồi cho nhà hàng. Tôi làm ở Big Boy từ 06.30pm-02.00Pm ngay sau giờ học và Bố tôi thì rất vui được mướn đi làm. Mấy năm trời, Ông làm nghề may vá “ assembling” ở hãng xưởng trong trời tuyết trơn trượt trong những giờ không đi học tiếng Anh. Khi nào bí tiếng Anh, Ông chêm tiếng Pháp để diễn tả. Cuối tuần hai Bố con tôi đi Good Will mua đồ “ 2nd hand “ và Bố tôi tấm tắc khen vừa rẻ lại vừa đẹp.
Mỗi Chủ Nhật, nhà Thờ Lutheran đưa người đến đón chúng tôi đi lễ ; Bố tôi là người duy nhất quần áo chỉnh tề chờ để đi cầu nguyện với Chúa, dù Bố tôi là Phật Tử chính gốc.
Sau này khi chúng tôi ra trường & dắt díu nhau về miền Quê Hương thứ Hai : Cali ấm áp ; Bố tôi vẫn khệ nệ đem theo kỷ niệm của những ngày hàn vi, nhất là mấy cái chén dĩa đá nặng mua từ Good Will .
Rồi Anh Em chúng tôi lập gia đình. Bố Mẹ tôi rộng lượng hoan hỉ cho tụi nó theo Đạo. Bố tôi bảo : “Đạo nào cũng là Đạo. Chúng mày thương yêu nhau, đừng ly dị là được hết !!! “
Rồi Ông Bà có cháu & nhiều cháu. Cháu nào cũng yêu thương Ông. Nó theo Ông vào cả nhà cầu để chỉ được gần Ông.
Rồi Mẹ tôi đau yếu. Bố tôi cũng làm hết cho Mẹ. Bố tôi kiên nhẫn chịu đựng từng lời nặng nhẹ của Mẹ không than vãn. Có lần tôi chứng kiến Bố nhận cả quần lót của Mẹ chuyền tay riêng cho Bố , để về nhà giặt cho Mẹ khi Bà đau nằm trong bịnh viện.
Năm 2003, trong lúc nhà nhà chờ đón Xuân, Mẹ tôi từ giã cõi trần. Chia tay Bố & chúng tôi; Mẹ ra đi vĩnh viễn. Và Kể từ đó , Bố tôi âm thầm đau khổ thương tiếc “ hiền thê” của Ông…qua tiếng kinh kệ & gõ chuông mõ , đôi khi còn ngọt ngào và hay hơn cả nghe tụng ở Chùa.
Rồi một hôm mới gần đây, ông thôi kinh kệ . Ông bỏ quên mảnh vườn đầy cây trái mà ngày xưa Ông & Hiền thê nâng niu trong tiếng cười nói dòn tan khoe cây trái với lũ con, họ hàng & bạn bè đến thăm. Ông không còn tha thiết đến ăn uống, tập thể dục trên máy đi bộ & “ đấm “ ngực tay chân rầm rầm nữa !!! Ông bị cơn ngứa khó chịu quấy rầy Ông gãi cả ngày. Thuốc gì cũng không hết !!! Anh Em tôi nghe ai chỉ cũng mua, cũng đem về nhưng đành bó tay nhìn Ông gãi ngứa, không than van, không oán trách, không giận hờn.
96 năm đi qua, Bố tôi sống rất khiêm tốn- chừng mực. ( ngoại trừ trong cơn mê đỏ đen ở Vegas & ai đó nhắc về chính trị… )
Rồi sáng sớm ngày 15 tháng 2, 2017 Bố tôi ngủ rất say vào giấc ngủ ngàn thu của Ông.
Ông vẫn bảo tôi : Bố bị thiệt mất 2 năm sinh khi mới đến đất Mỹ vì bị khai nhầm là sinh 1924. Bố mất đi thì ngày sinh của Bố là 1922. Hãy nhớ lấy mà thờ cúng cho Bố.
Bây giờ thì con & các Anh Em phải giỗ Bố sinh nă m 1922, thọ 96 tuổi rồi !!!
Nhà Peek đến đón Bố đi mà Anh Em tôi & Tôi quặn lòng -tan nát- tê tái vĩnh viễn mất Bố.
Mới vắng bóng & tiếng nói của Bố mấy ngày thôi mà Tôi sống lê thê như người mộng du.
Dẫu vẫn biết Bố tôi sống rất thọ. 96 tuổi mà chỉ bị nhà thương hỏi thăm một lần, Anh Em tôi vẫn bị hụt hẫng & cùng cảm nhận được thiếu thiếu một cái gì rất thiêng liêng, rất Bố của chúng tôi.
Nghe tiếng chuông mõ: cầu siêu Bố tôi. Di ảnh Bố, Mẹ theo nhau, xếp trưng trên bàn thờ Phật. Xem lại hình ảnh , những dòng chữ của Bố viết cho con cháu, Tôi một con bé Hằng từ thuở xa xưa , giờ tàn theo ngày tháng thời gian với 2 màu tóc , vẫn muốn sống mãi theo lời Bố tâm sự : “ Ôm Lòng đêm… đời người như gió qua…”
Bố ơi,
“… bao nhiêu năm làm kiếp con người
chợt một chiều tóc trắng như vôi…”
Bao giờ thì con được nghe lại Bố đàn hát : “…Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt…”
hả Bố ???
Xuân 2017, 18 tháng 2.
THU HẰNG
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét