Âm vang nhịp chiêng tre...
CHING KRAM ÊĐÊ
Giữa không gian đại ngàn, những chùm âm thanh từ dàn ching kram (chiêng tre) rền chắc, khỏe, dồn dập, ngân và vang xa như khát vọng của chàng trai ÊĐê muốn chinh phục nữ thần Mặt Trời.
truyền thống được các nghệ nhân dân gian chế tác từ ống tre, ống nứa của núi rừng và nó gắn bó với đồng bào ÊĐê từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến khi thân xác hòa về với đất mẹ. Giữ vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa nghệ thuật, tâm linh của cộng đồng ÊĐê, ching kram có mặt ở hầu hết các dịp lễ hội, các sự kiện quan trọng, để nói thay tiếng lòng con người hướng đến thần linh cùng với biết bao mong ước, nỗi niềm. Bộ chingkram được quy ước theo dãy số lẻ, thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc hợp lại tạo thành một dàn chiêng, cũng có khi lên tới 19 chiếc. Mỗi chiếc chinh kram có âm sắc, giai điệu với cung bậc riêng. Khi tất cả cùng vang lên sẽ tạo nên một dàn hợp xướng.
Theo những nghệ nhân cao tuổi ÊĐê, ching kram có tự bao giờ không ai nhớ, chỉ biết rằng để chế tác nên được đầy đủ một bộ là quá trình rất phức tạp, kỳ công. Trước hết là khâu đi tìm, chọn nguyên liệu. Nghệ nhân phải vào sâu trong rừng để chọn các cây tre có kích cỡ các gióng vừa đủ tạo ra những cung bậc âm thanh nhất định. Tre chọn được chặt về phơi khô khoảng 2 tháng. Sau đó là đo đạc, đánh dấu cắt ống theo kích thước khác nhau tương ứng với đường kính của từng ống tre. Thường độ dài của một ống dao động trong khoảng 29-45cm, đường kính từ 7-9cm.
Khi đã có các ống tre thì thẩm âm là khâu hết sức quan trọng. Tương ứng với mỗi ống tre là một thanh tre già, được đẽo gọt nhẵn nhụi. Khi thu âm, người đánh kẹp vào hai đùi ống tre, thanh tre già kê trên đùi. Tay cầm khúc cây làm dùi gõ vào thanh tre cho âm vọng xuống ống tre, tạo ra âm thanh mình muốn. Mỗi cặp chinh kram (ống tre và thanh tre) phải có một loại âm thanh và giai điệu tương ứng với một lá chiêng đồng. Vì thế, bộ chinh kram được cấu tạo các kích cỡ âm thanh khác nhau, có hệ thống như bộ chiêng đồng.
Bộ ching kram đã hoàn thành, phải sau 5 tháng kiểm nghiệm, theo dõi, bởi thời tiết dễ làm cho âm thanh của tre thay đổi. Đó là khoảng thời gian để chỉnh sửa chiêng. Đồ nghề để nghệ nhân chỉnh chiêng là một chiếc cưa tay và một con dao thật sắc. Ống tre nào cần sửa, nghệ nhân dùng cưa cắt bớt hoặc dùng dao gọt vào miệng ống để điều chỉnh độ cao, thấp cho âm thanh theo ý muốn... "Dân ÊĐê ta từ ngàn đời gắn bó với núi rừng này. Tiếng ching kram không đơn thuần chỉ là tiếng nhạc, nó còn là âm thanh kỳ diệu, linh thiêng kết nối tâm hồn của con người với thần linh. Ta đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời rồi, nhưng rất thanh thản vì thế hệ trẻ ÊĐê hôm nay luôn có ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị của cha ông..." - nghệ nhân Y Khia Bya ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) tự hào.
Nguồn: Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét