Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

NHỮNG PHONG TRÀO PHẢN KHÁNG CỦA NGƯỜI THƯỢNG DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC *Nguyễn Văn Huy

Lược trích một phần của cộng đồng người Thượng... để biết những tên tuổi cha ông xưa, giờ đây đã được gắn trên các biển tên đường phố Buôn Ma Thuột... và nhiều người khác mãi mãi nằm yên dưới lớp đất đỏ bazan...
NHỮNG PHONG TRÀO PHẢN KHÁNG CỦA NGƯỜI THƯỢNG DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC
*Nguyễn Văn Huy
...
Cộng đồng người Rhadé được biết đến năm 1894 khi phái đoàn bác sĩ Yersin bị tấn công tại sông Poko bởi người Rhadé Pih. Từ sau ngày đó, cao nguyên Darlac trở thành địa bàn thám hiểm chính của Pháp trên cao nguyên.
Năm 1899, viên trú sứ hạt Attopeu, Bourgeois, thành lập đồn Bandon và chiêu dụ được Phet Lasa, một lãnh tụ Lào tại Bandon (Bản Đôn), và Khun Jonob, một lãnh tụ Mnong trong vùng. Cả hai đã giúp Pháp thu phục các lãnh tụ Rhadé Kpa (Me Wal và Me Kheune năm 1900) và nhiều lần đánh bại người Rhadé Pih do tù trưởng Ngeuh lãnh đạo tại Ban Tour, Ban Trap và Ban Tieuah năm 1903.
Trên thượng lưu sông Năng, phụ lưu sông Đà Rằng, năm 1901 quân Pháp bị người Rhadé Mdhur phục kích tại làng A Mai (gần M'Drack và Cheo Reo) làm một sĩ quan bị thương nặng (trung úy Péroux), quân Pháp chỉ làm chủ khu vực quanh Dak To. Năm 1905, Me Sao, một lãnh tụ Rhadé Mdhur chiếm đồn Bandon, quân Pháp phải dời về Buôn Ma Thuột và Bandon chỉ được giải tỏa năm 1907, khi Me Sao bị Henri Maître đánh bại tại làng Me Leap.
...
Từ 1901 đến 1904, dưới sự lãnh đạo của Nơ Trang Long (Pou Trang Long), một lãnh tụ Mnong Bhiet, người Stieng và Mnong đã chống trả dữ dội sự xâm nhập và gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp trên một địa bàn rộng lớn từ Bình Long, Tây Ninh đến Kratié. Từ 1905 đến 1908, quân Pháp thành lập một hệ thống đồn bót nối liền với nhau (Sré Lvi, Sré Ktum, Sré Onès, La Palkei, Le Rolland, Snoul, Bù Đăng, Bù Đốp, An Bình, Bà Rá, Bà Đen, Chứa Chan, Tà Lài, Bù Nông, Bù Tiên, Bou Pou Sra, Bou Méra...) bao vây không gian sinh tồn của người Stieng và Mnong chứ không dám tiến vào.
Tháng 7/1914, Henri Maître bị Nơ Trang Long giết, người Thượng làm chủ toàn bộ khu vực Ba Biên Giới (Cambodge, Nam Kỳ và Trung Kỳ) từ 1915 đến 1933. Rất nhiều sĩ quan Pháp và binh lính Khmer bị giết trong khoảng thời gian này và cộng đồng người Thượng miền Nam bị đặt ra ngoài pháp luật. Tháng 5/1935, Nơ Trang Long bị bắt và bị xử tử, phong trào chống Pháp tạm lắng xuống.
Chính Sách Thượng Vụ Của Pierre Pasquier
...
Người Rhadé, vừa đông vừa có thể lực được giới chính giới Pháp nhiệt tình nâng đỡ, đã trở thành nhóm ưu tú nhất trong cộng đồng người Thượng. Người Djarai và Sedang, mặc dù cũng đông dân và thân thể cường tráng, nhưng không được ưu đãi bằng vì trước kia đã chống lại người Pháp. Tuy vậy ba cộng đồng lớn này là cột trụ chính trong chính sách Thượng vụ của Pháp trên cao nguyên.
Con cháu các nhân sĩ Rhadé, Djarai và Sedang trong làng được tuyển chọn vào học các lớp huấn luyện văn hóa, y tế và quân sự để thay thế các bậc cha anh và trở thành giai cấp trung gian giữa chính quyền Pháp và quần chúng Thượng. Những thanh niên này còn được huấn luyện để nghi kỵ và thù ghét người Kinh và, khi cần, cầm súng chống lại người Kinh. Quan hệ giữa người Kinh và người Thượng trong giai đoạn này chính vì vậy rất là lạnh nhạt, đúng như người Pháp mong muốn.
Năm 1932, tiểu đoàn chính qui lính Thượng (1er Bataillon des Tirailleurs Montagnards du Sud Annam) đầu tiên được thành lập, gồm một đại đội chỉ huy gồm toàn người Rhadé đóng ở Buôn Ma Thuột, một đại đội toàn người Rhadé đóng ở Buôn Djen Drom, một đại đội toàn người Djarai đóng ở Pleiku và một đại đội toàn người Sedang đóng ở Kontum. Tiểu đoàn này có nhiệm vụ phụ giúp người Pháp đào tạo các tân binh Thượng được tuyển dụng sau này. Từ 1933 đến 1942, năm tiểu đoàn chính qui khác được thành lập để giúp Pháp bình định những khu vực chưa qui phục, với tổng quân số 2.172 người gồm đủ mọi sắc tộc Thượng. Bộ chỉ huy các lực lượng này, do sĩ quan Pháp điều khiển nhưng người Rhadé nắm vai trò điều động, đóng tại Buôn Ma Thuột. Binh lính Thượng bị cấm mang vợ Việt lên cao nguyên sinh sống sau khi mãn dịch.
Thập niên 1930 có lẽ là thập niên yên bình và hạnh phúc nhất của người Thượng, Tây Nguyên phát triển với nhịp độ nhanh để bắt kịp đồng bằng. Người Thượng được sinh hoạt và canh tác tự do theo phong tục và tập quán của họ. Hệ thống đường bộ, phi đạo, nhà cửa, dinh thự, cơ sở hành chánh, trường học được tu bổ và xây dựng thêm rất nhiều. Năm 1932, Pháp còn cho xây nhiều khám lớn tại Buôn Ma Thuột, Dak Pek và Lao Bảo để giam giữ những tù nhân chính trị gốc Kinh, trong đó nhiều cán bộ cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Minh. Giáo hội công giáo cũng nhân dịp xây thêm nhà thờ, tu viện, trường học và cơ sở từ thiện để tăng cường sự hiện diện.
Hội Trồng Trọt Pháp được thành lập năm 1930 để bảo vệ quyền lợi các chủ đồn điền và đưa người Việt lên cao nguyên làm việc. Tuy vậy, đối với người Việt, Tây Nguyên vẫn là vùng sơn lam chướng khí, ít người dám lên định cư nên sau khi mãn hạn hợp đồng (quân sự, hành chánh và kinh tế), di dân Việt thường về lại đồng bằng sinh sống.
Việc cấp phát đất quá đáng cho các chủ đồn điền trên cao nguyên khiến chính quyền Pháp tại mẫu quốc ra lệnh cho Ủy Ban Guernut sang Đông Dương điều tra từ 1937 đến 1938, nhằm hạn chế việc đưa người Việt lên cao nguyên làm việc, giới hạn diện tích cấp đất cho các công ty nông nghiệp lớn và thành nhiều khu "dự trữ" dành cho người Thượng.
Giữa Hai Làn Đạn
...
Sau cuộc đảo chánh ngày 9/3/1945 của Nhật, các tù nhân chính trị gốc Kinh bị giam giữ trong các nhà giam được trả tự do, đa số đã về lại đồng bằng nhưng cán bộ Việt Minh đã ở lại lại vận động trí thức và binh sĩ Thượng theo họ chống Pháp, với hứa hẹn quyền tự trị khi cách mạng thành công. Hai chữ "tự trị" như có ma lực hấp dẫn người Thượng, họ hưởng ứng một cách tận tình. Không cần một cố gắng nào, phong trào Việt Minh hốt trọn nhiệt tình của dân Thượng, nhất là những thành phần ưu tú Rhadé và Djarai, mà Pháp đã tốn gần nửa thế kỷ mới đào tạo được.
Nhân sĩ và binh lính Thượng theo Việt Minh hô hào dân chúng Thượng chiếm đóng các cơ sở hành chánh và quân sự của Pháp do Nhật để lại và tham gia những "ủy ban hành chánh lâm thời" (tên nhân vật Thượng được đề cập đến trong giai đoạn này vì có liên quan đến những phong trào chống đối hay ủng hộ người Kinh sau 1954) :
- Thị xã Buôn Ma Thuột có các ông Y Ut Nie Buon Rit, Y Plo Eban, Y Ngong Nie Kdam, Y Wang Nie Kdam, Y Tlam K'bour, Y Nue Buon Krong, Y Bih Aleo, Y Blieng Hmok (tất cả là người Rhadé). Trung sĩ Y Sok Eban sau 16 ngày bị giam giữa đã tuyên thệ trung thành với Việt Minh và được giao nhiệm vụ bảo vệ Buôn Ma Thuột.
- Thị xã Pleiku có ông Rcom Thep (người Djarai).
- Thị xã Kontum có ông Trần Quang Tường, một người công giáo, làm chủ tịch, và các ông Prem, Deppe (cả hai là người Bahnar). Đại đa số người Bahnar công giáo không theo Việt Minh.
- Huyện Buôn Hô có các ông Y Wang Mlo Duon Du, Y John Nie Kdam và Y Yon Ecam (tất cả là người Rhadé).
- Huyện Cheo Reo có các ông Nay Der, Nay Moul, Nay Phin, Rcom Briu, Rcom Pioi, Rcom Brim, Siu Ken, Siu Nang, Ksor Ni và các bà Rcom H'dit, Rcom H'trul (tất cả là người Djarai). Phụ cận Cheo Reo có các ông Rcom John tại Buôn Sam và Kpa Yan tại Plei Kli.
- Huyện Tân Khai (tỉnh Đồng Nai Thượng) trong thung lũng Đa Nhim, có các ông Touneh Han Din, Touneh Han Tin, Ya Yu Sahau, Touprong Hiou, Touprong Ya Ba, Bahnaria Ya Don (tất cả là người Churu).
Những người không theo Việt Minh và tình nghi trung thành với Pháp đều bị xử tử, đó là các ông Y Say Ktla, Y Lak Eban, Y Hong, Y Wan, Y Tum, Y Blam, Y San , Y Tuk, Y Blol, Y Flak, Y Ho, Y Bung, Hiai, Sui, Gao, Duen, Blon, Sa, Bok, That, Ky, Cecrec, Hny và rất nhiều viên chức Thượng khác. Nhiều người phải trốn vào rừng sâu như các ông Y Kju, Y Kao, Y Ang, Touneh Han Dang... chờ Pháp đến giải vây.
Chính Sách Thượng Vụ Của Thierry D'Argenlieu
Tháng 8/1945, đề đốc Thierry d'Argenlieu được cử làm cao ủy Đông Dương và tướng Leclerc làm chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh Pháp tái chiếm lại Đông Dương.
Ngay khi vừa đến Sài Gòn tháng 9/1945, Leclerc tung các binh đoàn tinh nhuệ nhất của Pháp tái chiếm những tỉnh và thị xã tại đồng bằng trên tay Việt Minh ; tháng 6/1946 quân Pháp lần lượt chiếm lại những thành phố và thị xã lớn trên cao nguyên miền Trung. Một số binh sĩ và công chức Thượng theo Việt Minh đã ra qui hàng và được Pháp trọng dụng trở lại vì thiều người, đó là trường hợp các ông Y Sok Eban, Y Tuic Mlo Duon Du, Y Bih Aleo, Y Blieng Hmok, Touprong Hiou, Touprong Ya Ba, Touneh Han Din, Ya Yu Sahau, Bahnaria Ya Don... Chính trong giai đoạn này, giới lãnh đạo Thượng bị phân hóa, một số theo Pháp và một số khác theo Việt Minh như các ông Y Ngong, Y Wang, Y Nue, Y Tlam, Phem, Depp...
D'Argenlieu áp dụng triệt để chính sách chia để trị, ông cho thành lập Liên Bang Đông Dương trong Liên Hiệp Pháp ngày 1/11/1945, Cộng Hòa Nam Kỳ ngày 25/5/1946 và Xứ Thượng Nam Đông Dương (Pays Montagnard du Sud Indochinois) ngày 27/5/1946. Xứ này gồm tất cả những vùng đất có đông người Thượng cư ngụ, thủ đô ban đầu là Đà Lạt, sau đó dời về Buôn Ma Thuột, ông Marcel Ner làm thụ ủy. Để đánh dấu sự kiện trọng đại này, d'Argenlieu tổ chức một loạt lễ tuyên thệ (qui tụ tất cả già làng, binh sĩ, nhân sĩ và trí thức Thượng trung thành với Pháp) tại Buôn Ma Thuột, Đà Lạt và Kontum (tháng 6 và tháng 8/1946).
D'Argenlieu tin rằng với sự ra đời của xứ Thượng này Pháp sẽ có tiếng nói mạnh khi thảo luận với Việt Minh về việc thống nhất Việt Nam trên bàn các hội nghị sơ bộ tại Đà Lạt (từ 19/4 đến 11/5/1946) và tại Fontainebleau (tháng 7 và 8/1946). Trong hội nghị Đà Lạt lần hai (8/1946), d'Argenlieu chỉ mời các phái đoàn Nam Kỳ, Nam Trung Kỳ, Cambodge, Lào và Thượng ; Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ không được mời. Đại diện phái đoàn Xứ Thượng Nam Đông Dương có các ông Y Djac Ayun, Touprong Hiou, Touneh Han Dang... tham dự với tư cách quan sát viên. Nhưng ngày 5/2/1947, d'Argenlieu bị triệu hồi về Pháp, Xứ Thượng Nam Dương chết yểu.
Việt Minh cũng không chịu thua, tháng 1/1946 một đại hội dân tộc được tổ chức tại Hà Nội, trong đó rất nhiều nhân sĩ Thượng được mời tham dự, trong đó có các ông Y Ngong Nie Kdam, Y Wang Mlo Duon Du, Nay Der, Nay Phin. Nhiều người khác được cử vào quốc hội Việt Minh tháng 3-1946 : các ông Y John Nie Kdam, Y Klam, Y Thang Nie Kdam, Y Yan Phong, Y Pe, Y Hing, Y Ni, Rcom Briu, Rcom H'trul, Huk... Buổi họp quốc hội khóa 2, ngày 29/10/1946, các đại diện Thượng (các ông Y John Nie Kdam, Y Wang Mlo Duon Du, Nay Phin, Y Ngong Nie Kdam và Y Ut Nie Buon Rit) chính thức được hứa hẹn qui chế tự trị dành cho người Thượng. Sự kiện này làm các cán bộ Thượng hài lòng và nhiệt thành hợp tác với Việt Minh chống Pháp. Tháng 12/1946, lữ đoàn lính Thượng gồm nhiều sắc tộc được thành lập do các sĩ quan Rhadé chỉ huy. Từ 1947 đến 1954, người Thượng theo Việt Minh gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp trên cao nguyên.
Chính Sách Thượng Vụ Dưới Thời Bảo Đại
...
Ngày 15/4/1950, Bảo Đại ban hành Dụ số 6 thành lập "Hoàng Triều Cương Thổ" (Domaine de la Couronne), gồm Xứ Thượng miền Nam và Xứ Thượng miền Bắc, độc lập với các chính quyền đồng bằng. Ranh giới và diện tích Xứ Thượng miền Nam giống như diện tích và ranh giới Xứ Thượng Nam Đông Dương trước kia, gồm một phần lãnh thổ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cambogde và Lào, với cảng Cam Ranh làm cửa ngỏ đổ ra Thái Bình Dương.
Đối với người Thượng miền Nam hay miền Bắc, đời sống của họ không có gì thay đổi, các chức vụ tổ chức và quản trị lãnh thổ mới đều nằm trong tay người Pháp. Qui chế đặc biệt dành cho Xứ Thượng miền Nam, ký ngày 21/5/1951, dành cho người Thượng nhiều ưu đãi về quyền sử dụng đất nơi sinh trú. Quân đội hoàng triều gồm toàn người thiểu số do Pháp đào tạo, trang bị và chỉ huy.
Để hạn chế thế lực của người Pháp, Bảo Đại ban hành Chương trình phát triển kinh tế Xứ Thượng miền Nam, do Nguyễn Đệ soạn thảo, ngày 11/2/1952, theo đó người Kinh được quyền lên cao nguyên làm việc trong các đồn điền và khai phá đất đai canh tác nông nghiệp. ...
Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 chấm dứt chiến tranh và phân chia Việt Nam thành hai vùng đối nghịch. Khoảng 120.000 người tập kết ra miền Bắc, trong đó có gần 6.000 người Thượng, những người này được huấn luyện chính trị và quân sự để trở vào miền Nam sau 1956 giúp phe cộng sản chuẩn bị một cuộc chiến tranh khác tàn khốc hơn.
Xứ Thượng miền Bắc, thuộc Việt Nam dân Chủ Cộng Hòa, được tổ chức thành nhiều vùng tự trị như Khu Thái Mèo tự trị (29/4/1955), Khu Việt Bắc (10/8/1956), Khu Lào Hạ Yên (25/3/1957) gồm các tỉnh Lão Cai, Hạ Giang, Yên Bái. Tất cả đều bị giải tán tháng 9/1959 và trở thành những tỉnh bình thường.
Tại miền Nam, qui chế Hoàng Triều Cương Thổ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bãi bỏ ngày 10/8/1954, Xứ Thượng miền Nam trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Từ sau 1954, cộng đồng người Thượng tiếp tục bị phân hóa, địa bàn cư trú của họ trở thành những bãi chiến trường đẫm máu trong cuộc chiến mới. Nhưng người Thượng vẫn không quên đòi quyền tự trị, một quyền mà họ hằng ao ước từ thời Pháp thuộc ; lần này họ sử dụng những phương thức đấu tranh chính trị và quân sự như người Kinh, với sự giúp đỡ của người Mỹ và người Khmer.
NGUYỄN VĂN HUY
(1998)
* Trích đoạn trên nguồn https://www.thongluan.blog/…/cong-ong-nguoi-thuong-nhung-ph…
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét