Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

MỤC SƯ LÊ KHẮC CUNG (1926 – 2001)

Một người dân Ban mê xưa, một nhà truyền giáo gắn bó với những sắc tộc M'Nông, Êđê... Trải qua bao thăng trầm biến cố xảy ra trên xứ Buồn Muôn Thuở này...vẫn nói câu cuối đời: “Ba chẳng để gì lại cho các con ngoài đức tin trong Chúa”.
MỤC SƯ LÊ KHẮC CUNG
(1926 – 2001)
Mục sư Truyền giáo Lê Khắc Cung sinh ngày 03.04.1926 tại làng Thiện Mỹ, xã Phước Thiện Xuân, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận trong một gia đình gia giáo. Cha của ông là cụ Mục sư Lê Khắc Chấn, xưa vốn là một nhà giáo dạy tại trường Dục Thanh, Phan Thiết, bạn của Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi. Cha của ông rất nổi tiếng khắp vùng Phan Thiết vì lòng hăng hái trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vì tài năng dạy học đến nỗi được người dân Phan Thiết kính trọng gọi là Ông Giáo Chấn, sau này nổi tiếng về ơn tứ hầu việc Chúa đặc biệt trong lĩnh vực làm chứng đưa dắt người đến với niềm tin nơi Chúa.
Có thể chia cuộc đời tận tụy hầu việc Chúa của MSTG Lê Khắc Cung thành 5 giai đoạn:
1. Thiếu thời
MS Lê Khắc Cung tin Chúa theo cụ thân sinh năm 1936 (lúc được 10 tuổi) và lớn lên trong môi trường gia giáo. Sau đó 1 năm, cụ thân sinh của ông đi học Trường Kinh Thánh, ông ở lại nhà tại Phan Thiết cùng mẹ. Vâng theo lời thân phụ, trong nhiều năm liền, mỗi 4 giờ sáng Chúa nhật, các anh em ông cuốc bộ 3 cây số từ làng Thiện Mỹ ra Phú Long để được cho tháp tùng xe ngựa của ông bà Tám Thơm đi thêm 7 cây số nữa ra Phan Thiết để thờ phượng Chúa. Ông Tám Thơm vốn là một tướng cướp được Chúa bắt phục trở thành một con cái trung tín của Chúa. Cũng bình thường như nhiều người khác, ông sống lần lượt tại Phan Thiết, Tuy Hòa rồi Nha Trang, để đi học. Sau khi xong bậc Trung học Đệ nhất cấp ông chuyển sang học nghề kế toán. Năm 18 tuổi (1944), ông sinh sống bằng nghề thư ký kế toán cho hãng bông sợi tư nhân Ấn Độ Nidsam ở Nhatrang, và cũng như bao thanh niên thời đó, tham gia vào các hoạt động của Thanh niên Tiền Phong chống Pháp.
2. Học Kinh Thánh
Đến năm 22 tuổi, tháng 9.1948, được ơn Chúa kêu gọi và sự khuyến khích của cụ thân sinh, ông dâng mình hầu việc Chúa vào học Trường Kinh Thánh tại Đà nẵng. Do có chút khả năng về viết vẽ, ông tình nguyện ở lại trường và tốt nghiệp trễ hai năm để giúp hoàn thành quyển Thánh Ca hoàn chỉnh đầu tiên mà Hội Thánh Tin Lành Việt Nam sử dụng cho đến gần đây. Phần nhạc của quyển Thánh Ca này hoàn toàn được ông và hai bạn đồng lao vẽ bằng tay.
Ông tốt nghiệp Trường Kinh Thánh vào ngày 30 tháng 4 năm 1952 lúc vừa tròn 26 tuổi. Trong thời gian theo học tại Trường Kinh Thánh, ông được nghe lời làm chứng của các đầy tớ Chúa đến từ vùng cao nguyên. Được cảm động khôn xiết về công cuộc truyền giáo trên miền thượng du giữa đồng bào các dân tộc ít người đang khốn khổ trong sự mê tín dị đoan, bệnh tật, nếp sống và sự hiểu biết còn quá thấp nên ông quyết định dâng mình cho công cuộc truyền giáo miền thượng du.
Trong số các môn sinh Trường Kinh Thánh lúc đó có bà Huỳnh Thị Hoàng, con của cụ Mục sư Huỳnh Kim Luyện, một con người đầy dịu dàng, kiên nghị và luôn có chí hướng hầu việc Chúa giữa vòng người nghèo khổ. Bà đã từ lâu muốn hầu việc Chúa trên miền thượng du, và cũng đã hứa nguyện đi vào công trường thuộc linh này. Do cùng một chí hướng hầu việc Chúa giữa người dân tộc ít người này và bởi sự giới thiệu của cụ Mục sư Hiệu trưởng Trường Kinh Thánh Đà Nẵng Ông Văn Huyên, hai ông bà đã yêu mến nhau và quyết định tiến tới hôn nhân ngày 28.4.1952 tại Đà Nẵng trong nỗi vui mừng của họ hàng hai bên cùng toàn thể thành viên Trường Kinh Thánh và Hội thánh.
3. Hầu việc Chúa
Tháng 9.1952, ở tuổi 26, ông cùng bà lên Ban Mê Thuột và tá túc tại nhà của Mục sư Truyền giáo Nguyễn Hậu Nhương để học tiếng Êđê và Mnông. Tháng 11.1953, sau 1 năm học tiếng, theo sự phân công của Hội Thánh, hai ông bà đến cơ sở truyền giáo tại Daksong tham gia hầu việc Chúa cùng với vị truyền đạo trẻ người Mnông tên là Y-Brông.
Cơ sở Truyền giáo Đaksong: Nhà thờ được xây dựng năm 1948, cung hiến năm 1950. Bên phải: tư thất Truyền đạo Y’Brông, bên trái: tư thất MS Lê Khắc Cung xây dựng sau khi đến nhận nhiệm sở năm 1953. Bìa rừng bên trái: vườn trồng màu. Phía trước: đường đi tới Gia Nghĩa. Phía sau sâu xuống dưới: suối nước.
Cơ sở truyền giáo mới chỉ có nhà thờ và tư thất của thầy Truyền đạo Y’Brông nên ông bà tạm trú ở một căn phía sau nhà thờ. Sau đó, ông cùng với một vài người bắt tay vào việc xây dựng nhà ở. Ông khá khéo tay nên đã tự đóng lấy tủ, giường, bàn ghế cho đỡ tốn kém.
Với chiếc xe đạp cũ và sau này là chiếc mobilette cũ, ông cùng với thầy Truyền đạo Y’Brông và vài tín hữu người Mnông đi vào các buôn làng nằm sâu trong rừng để truyền giảng lời Chúa cho người Mnông, nhiệt thành khuyên lơn và hướng dẫn đồng bào Mnông thay đổi lối sống, từ bỏ mê tín dị đoan, không sợ hãi ma quỷ, bỏ rượu chè, “trở lại lấy tâm linh thờ phượng Chúa và xây dựng cuộc sống theo nếp văn minh tiến bộ”. Do sự tích cực này mà viên quận trưởng người Pháp nghi ngờ ông là Việt Minh và liên tục theo dõi. Tuy nhiên, mấy năm đầu công việc Chúa tiến triển rất chậm.
Mãi đến năm 1957 mới bắt đầu có kết quả, bắt đầu từ làng Bu Ruah với 120 tín hữu và sau đó là làng người bệnh phung Dak Rtih.
Quãng đời sống và hầu việc Chúa 8 năm tại Daksong để lại dấu ấn sâu đậm cho ông bà đến nỗi cho đến giờ phút đau ốm nằm trên giường bệnh, ông bà vẫn nhớ như in từng chuỗi sự kiện gây thật nhiều ấn tượng cho các con cháu. Không thể quên được lúc ông cùng vài anh em nhét xe đạp vào một bụi cây rậm ven đường để luồn rừng vào sâu trong các làng hàng tuần liền giảng đạo và hướng dẫn cải sửa lối sống cho đồng bào Mnông. Sẽ không thể quên được những lúc liều mình đón nhận săn sóc và nuôi dưỡng mẹ con người Mnông bị kết án là Ma-lai bị đổ chì lòng bàn tay, hay cố thuyết phục viên quận trưởng người Pháp cấp tốc cùng đi vào làng sâu cứu lấy những người Mnông bị nghi là Ma-lai sắp bị bách hại. Sẽ không thể quên được cảnh một trong những tín đồ Mnông đầu tiên có đức tin mạnh mẽ đến nỗi đứng giữa đường cầu xin Chúa làm cho đừng mắc mưa để đi lo công việc nhà Chúa, và kết quả anh ta đi đến đâu mưa tạnh ráo đến đó trong khi mưa ào ạt vây phủ xung quanh. Sẽ không thể quên được những lúc ông đạp xe đổ dốc gặp voi, gặp cọp, những lúc đàn voi dữ trong đêm về giày đạp nguyên vườn rau trái quanh tư thất khu truyền giáo. Cũng sẽ không quên lần đang trên đường đi Đà Nẵng dự Hội đồng bị lên cơn sốt rét rừng tưởng như qua đời nếu không được Chúa cứu, v.v…
Ngày 05.07.1958, ông được phong chức Mục sư tại Tam Kỳ.
Năm 1961, tỉnh Quảng Đức được thành lập, thủ phủ đặt tại Gia Nghĩa. Đaksong trở thành một quận của tỉnh Quảng Đức. Vì không thể đủ sức đi đi lại lại kiêm lo cho cả Gia Nghĩa nên ông dời cơ sở truyền giáo về Gia Nghĩa vào tháng 11.1961. Trách nhiệm lại càng nặng hơn. Tỉnh Quảng Đức có nhiều khu tập trung dân cư gọi là dinh điền, ông nhận thêm trách nhiệm đi thăm và giảng đạo cả cho đồng bào người Kinh và tín hữu ở các nơi như Đức An, Sùng Đức, Nghi Xuân, Đạo Nghĩa,..
Cuối năm 1962, ông tổ chức hai lớp Kinh Thánh đoản kỳ và sau đó Hội Thánh bắt đầu phát triển mạnh với 2 Hội Thánh nòng cốt là Bu Ruah và Dak Rtih. Các Ban Chứng đạo từ Hội Thánh Dak Rtih dâng 1/10 thì giờ (3 ngày mỗi tháng) đi làm chứng dọc theo quốc lộ. Số tín đồ từ hơn 400 tăng lên đến gần 2.000 người.
Tháng 11.1962 (36 tuổi), Ban Trị sự Tổng liên hội đột ngột yêu cầu ông bà thuyên chuyển ngay về Banmêthuột để thay thế MS Nguyễn Hậu Nhương chuyển đi nơi khác. Dù bất ngờ và không mấy bằng lòng trước sự thay đổi này vì nhiều lý do, ông bà vẫn tuân theo sự xếp đặt của Hội thánh. Tại Ban Mê Thuột, ông được Hội Thánh giao cho 3 nhiệm vụ: (1) tiếp nối công cuộc truyền giáo cho dân tộc Êđê; (2) tham gia giảng dạy tại Trường Kinh Thánh (đã được thành lập mấy năm trước đó và đang do MS Y Hăm Niê Hrah, chủ nhiệm Trung Thượng hạt làm Hiệu trưởng); (3) kiêm nhiệm Giám đốc Hành chánh Bệnh viện Phung Êa Ana (sau này đổi tên thành Trung tâm Bài trừ Bệnh Hansen Êa Ana, Trung Tâm Bài Cùi Ban Mê Thuột và Chẩn Y viện Da Ban Mê Thuột). Trong thời gian hầu việc Chúa tại đây, hàng loạt cơ sở đã được xây dựng hay sửa chữa: xây mới nhà thờ Tin Lành cổng số 1 (Chi hội Buôn Alê A); xây mới, mở rộng và trang bị thêm cho cơ sở Trung tâm Bài Cùi; xây sửa cơ sở Trường Kinh Thánh, v.v… Không chỉ có vậy, ông tham gia sửa chữa bản in Kinh Thánh tiếng Êđê, tham gia biên soạn bài học giảng dạy Trường Kinh Thánh bằng tiếng Êđê.
Công việc Chúa tại nơi mới này thật không dễ dàng chút nào làm cho ông bà lao tâm khổ trí nhiều. Về mặt giáo hội, ông vừa lo đẩy mạnh công việc truyền giảng cho người dân tộc, vừa lo giúp Hội thánh đứng vững trước đạo lạc, vừa giúp Hội thánh tránh khỏi ảnh hưởng của các tư tưởng chia rẽ, vừa giúp củng cố việc tuân thủ giáo luật trong các Chi Hội còn non trẻ, vừa giúp xây dựng giáo trình giảng dạy Kinh Thánh sao cho phù hợp với các đầy tớ Chúa người dân tộc vốn khó tiếp thu do trình độ học vấn còn rất thấp và có nền văn hóa khác biệt. Về mặt xã hội, ông vừa nỗ lực lo lắng việc tìm nguồn kinh phí, đảm bảo nuôi dưỡng, giúp đỡ mọi mặt của cuộc sống hàng ngày của mấy mươi người bệnh phong nặng cần chăm sóc tập trung; vừa giúp các bệnh nhân phong khác tái hòa nhập đời sống xã hội, thực hiện đường hướng xã hội hóa việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân phong ngay từ những năm 1960 trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị hữu hiệu bệnh phong trong thời gian ngắn. Cho đến những năm 1960, đã không còn nữa cảnh tượng bệnh nhân phong bị dân làng xua đuổi vào rừng già, cách ly khỏi buôn làng, bỏ mặc sống chết do quan niệm sai lầm về bệnh phong.
Chiến cuộc Tết Mậu Thân 1968 nổ ra ác liệt ngay trong khu truyền giáo vì nằm sát hàng rào phòng thủ của quân đội (Sư đoàn 23). Giữa hai làn đạn, ông bà và gia đình cùng với các bệnh nhân phong vốn nghèo khổ và bị ruồng bỏ đã được Chúa bảo vệ trải qua bảy ngày liền cận kề gang tấc với cái chết lẫn cái đói trong tầng dưới và trong hầm tránh đạn của tư thất truyền giáo. Tuy vậy, cũng đã có hai bệnh nhân phong tử thương. Máu của họ đã thấm ướt quần áo từng người trong gia đình ông bà. Sau đó khu truyền giáo và bệnh viện phung trở thành khu oanh kích tự do của máy bay ném bom và toàn bộ cơ sở bị tan hoang, các phương tiện trang thiết bị điều trị chăm sóc bệnh nhân bị phá hoại và trộm cắp gần như tất cả, các Y sĩ và nhân viên bệnh viện người tử thương, kẻ bị thương, người mất tích. Sáu Giáo sĩ tử nạn. Công việc Chúa tại Trung tâm Bài Cùi gần như phải làm lại từ đầu. Đã vậy, sau cuộc chiến, trong Hội Thánh lại có người ác ý tố cáo ông có vai trò trong việc các Giáo sĩ bị tử thương!
Công việc Chúa tưởng chừng như quá sức chịu đựng, đến nỗi đôi lúc ông phải thốt lên cùng gia đình “ước gì được trở lại vùng dân tộc Mnông để hầu việc Chúa như trước, có cực khổ nhưng vui”. Tạ ơn Chúa đã dùng nhiều cách để dứt dấy và thanh lọc Hội thánh.
4. Học tập cải tạo
Sau ngày hòa bình, nhà nước tiếp quản toàn bộ cơ sở Trung tâm Bài Cùi. Toàn bộ các hoạt động của Hội thánh và trường Kinh Thánh bị buộc ngưng hoạt động và dần dần cũng bị tiếp quản.
Ngày 03.06.1977 (51 tuổi), Nhà nước đưa ông đi học tập cải tạo tại Mewal (thuộc tỉnh Đắc-lắc) trong 6 năm 4 tháng. Cùng với ông còn có hầu hết các đầy tớ Chúa và nhiều Chấp sự các Hội Thánh. Trong trại cải tạo, do tư cách tác phong của một đầy tớ Chúa, ông được tín nhiệm giao làm nhiều công việc khác nhau và công việc làm lâu nhất là bếp trưởng. Trong vị trí này, ông có nhiều cơ hội giúp đỡ những người đau ốm, khốn khó trong trại. Ông cùng với các bạn đồng lao và tín hữu trong trại lập thành nhóm nhỏ lén nhóm nhau lại để thờ phượng Chúa hàng tuần và khích lệ nhau bằng Lời Chúa tùy theo trí nhớ của mỗi người. Nhiều sĩ quan chế độ cũ cùng trại sau này khi được thả đã làm chứng nhiều điều tốt đẹp về đời sống của ông trong trại và biết đến Chúa qua lời làm chứng của ông. Quãng thời gian này đã biến đổi ông khá nhiều khiến cho gia đình và những người thân quen cũng phải ngạc nhiên. Từ chỗ là một con người chỉ biết viết lách, giảng đạo bằng lời nói và hoạt động xã hội, ông đã trở nên một người có nhiều “tài vặt”. Ông biết đan lát thúng rổ rá, biết xay bột, làm bánh tráng; biết đẽo gọt thủ công các mảnh nhôm hay gỗ thành dụng cụ thường dùng hàng ngày như lược, vòng đeo, thước; biết cuốc đất trồng trọt, biết đan lưới cá; biết nấu ăn nhiều món bình dân mà lại rất ngon (!); v.v…
Sau một thời gian, gia đình ông được yêu cầu rời khỏi khu truyền giáo. Lúc này, thân sinh của bà là cụ Mục sư Luyện vì thương người con gái duy nhất còn lại trong nước đã dời nhà từ Đà Nẵng vào hỗ trợ con cháu mua lại một mảnh đất ở cầu 14 giữa vòng người sắc tộc Thái. Các con tự tay dựng nhà thô sơ và cả gia đình dời về khu vực cầu 14, nay thuộc xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Trong thời gian này, hai người con đầu của ông bà đang học ở Sài Gòn không về được, bà và 3 người con còn lại phải tự túc sinh sống bằng nghề nông trên đất mượn hay thuê của người khác rất xa nhà và bằng nghề mộc của người con trai thứ ba.
Trong thời gian đó, việc thờ phượng Chúa gần như bị cấm hoàn toàn. Ngay cả gia đình lễ bái cũng không thể hát lớn. Hội Thánh trở nên thầm lặng. Nhiều con cái Chúa bị hại chỉ vì tụ họp thờ phượng Chúa dù chỉ không tới mươi người. Người con gái duy nhất của ông bà đang là học sinh phổ thông cũng bị bắt giam không xét xử vì cùng với các bạn cùng niềm tin họp nhau học Lời Chúa. Sau mấy tháng được trả tự do với phần lý do bị bắt trong Phiếu Tạm tha vẫn để trống!
5. Hầu việc Chúa tiếp tục
Ông được trả về ngày “24.10.1983, sau 6 năm 4 tháng 20 ngày”, lúc này đã được 57 tuổi. Lúc này ông mới hay cơ sở truyền giáo đã phải chuyển giao cho chính quyền theo chủ trương chung và ông phải theo gia đình về nơi ở mới do bà và các con gây dựng bằng chính bàn tay của mình bằng công việc đồng áng và thợ mộc, chính là ở nơi xã Hòa Phú hiện nay. Do còn thời gian quản chế, thêm kinh tế gia đình vô cùng khó khăn lúc bấy giờ cùng với tình hình chung của đất nước, ông vừa tham gia làm ruộng rẫy, vừa tìm cách đi thăm viếng con cái Chúa. Lúc ấy ông muốn đi bất cứ đâu, kể cả ra thành phố đi chợ cũng phải xin phép. Việc nhóm lại thờ phượng Chúa hoàn toàn bị cấm. Thậm chí gia đình lễ bái đôi khi cũng bị làm khó dễ.
Việc được nhà chức trách mời lên viết Bản Tự kiểm là việc gần như cơm bữa. Bất cứ biến cố lớn hay nhỏ gì xảy ra giữa vòng các Hội Thánh người dân tộc ông cũng được gọi lên làm việc. Ông vốn là một người hoạt động, vì vậy buổi đầu sau khi trở về từ trại cải tạo, ông luôn buồn bã đến mức muốn rời bỏ chức vụ vì không thể đi đây đó hầu việc Chúa như ý nguyện. Chúa đã dùng bà và các con nâng đỡ khích lệ tinh thần ông thật nhiều. Dần dà, ông lấy lại tinh thần xưa và tiếp tục tìm dịp thăm viếng giúp đỡ con cái Chúa bằng nhiều cách. Ông tận dụng mọi cơ hội để có thể đi thăm viếng, chăm sóc tín hữu Kinh lẫn Thượng. Các cơ hội đó có thể là đi chợ, đi dự đám tang, đám cưới, tiệc tân gia, mừng thôi nôi, ngày Tết,… Hội Thánh Chúa có một đặc điểm: càng gặp khó khăn, càng phát triển mạnh mẽ.
Ông âm thầm làm chứng bất cứ khi nào có dịp nhất là đồng bào sinh sống xung quanh. Dần dà một Hội Thánh nhỏ được âm thầm gây dựng ngay tại nhà ông bà với vài mươi tín hữu vừa người Thái, vừa người Kinh trong khu vực. Ngày 25.11.2006, sau khi ông qua đời 5 năm, Chi hội Hòa Phú, thường được gọi là Phú Thái, được chính thức công nhận là điểm nhóm. Đây là Hội Thánh cuối cùng mà ông trực tiếp chăm lo trong cuộc đời hầu việc Chúa của ông.
Ông nhìn thấy hiện trạng và tương lai của Hội Thánh người dân tộc: từ con số tín hữu là 7.500 người, hơn 30 Mục sư Truyền đạo năm 1975 lên đến con số hơn cả trăm ngàn mà không còn người chăn bị hạn chế hoạt động, cô lập, sống tản mác hay dần lớn tuổi mà qua đi. Hội Thánh sẽ ra sao với con số đông tín hữu như vậy? Những năm qua, Chúa vẫn dùng con cái Ngài là những người biết rất ít về Lời Chúa để giúp đỡ con dân Ngài và phát triển Hội Thánh. Vì vậy, ông đã khuyến khích và cùng với nhiều đầy tớ con cái Chúa người dân tộc hình thành Ban Hiệp nguyện ngầm nhóm lại hàng tháng để gom bó anh em lại mà gây dựng Hội Thánh.
Tháng 9 năm 1990, Chúa cho có cơn phục hưng bắt đầu từ con gái của một Mục sư người Ê-đê và các Hội Thánh bắt đầu khôi phục hoạt động sau nhiều năm âm thầm thịnh suy. Số tín hữu từ con số vài mươi ngàn đến năm 1993 tăng lên đến 150.000 mà không có người chăn bầy nào ngoài các con cái Chúa sốt sắng tự đứng lên xây dựng Hội Thánh. Nhu cầu người chăn trở nến quá lớn mà không thể nào gửi đi đào tạo vì Hội Thánh chưa được công nhận và Trường Kinh Thánh đã bị đóng cửa. Ông cùng Ban Hiệp nguyện mời các giáo sư Thánh kinh Thần học viện cũ ở Sài-gòn và Nha-trang lên giúp nhưng không ai có thể lên được. Vì vậy, tháng 01/1993, được sự ủng hộ của Ban Trị sự Tổng Liên hội, Ban Hiệp nguyện quyết định mở các lớp Kinh Thánh đào tạo người hầu việc Chúa đầu tiên tại chỗ với sự hỗ trợ âm thầm giảng dạy của hai đầy tớ Chúa khác từ miền xuôi lên để có người chăm sóc bầy chiên của Ngài. Học viên là các con cái Chúa đang lẳng lặng tự lực tiếp tục gây dựng Hội Thánh dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Vì không có kinh phí, một đầy tớ Chúa biết tin đã hỗ trợ 1/3 số học phí, còn mỗi học viên tự nguyện lo 1/3. Để có đủ kinh phí, ông đã gợi ý và được Ban Hiệp nguyện bàn bạc chấp thuận quyết định kêu gọi tất cả các Hội Thánh dân tộc toàn tỉnh mỗi tháng dành tiền dâng của 1 ngày Chúa nhật để lo cho “Trường Kinh Thánh Thầm lặng” theo cách các đầy tớ Chúa gọi lúc bấy giờ, bởi vì tất cả đều là kín giấu, từ nơi học, người học đến người dạy. Đức Chúa Trời cứ phát triển Hội Thánh Ngài theo cách đó. Tính đến khi Hội Thánh Tin lành Việt Nam nhận được tư cách pháp nhân năm 2001, đã có 3 khóa với tổng cộng hơn 280 học viên. Hầu hết hiện nay đang tham gia hầu việc Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau. Đa số đã được bổ túc Thần học để được chính thức công nhận và bổ nhiệm đến các Hội Thánh.
Được sự nhất trí của Nhà Nước, ngày 13.10.2000, ông trở thành một trong 25 thành viên Ban Vận động của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) để xúc tiến việc chuẩn bị cho Đại Hội đồng Tổng Liên hội. Từ đó, công việc trở nên tất bật hơn bao giờ hết khiến cho căn bệnh tim mạch tiềm tang của ông trở nên nặng nề hơn đến nỗi đôi lúc khiến ông không thể đi lại nổi. Các buổi họp liên miên, các chuyến đi lại như con thoi giữa Banmêthuột, Tp.HCM và các nơi khác làm cho ông xuống sức nhanh chóng. Điều kỳ lạ là mỗi khi làm việc thì không thấy mệt, chỉ khi ngưng lại mới thấy rõ bệnh đến nỗi có người cảm giác giống như bệnh giả đò. Chỉ trong giới y khoa mới biết rõ gần như toàn bộ tạng phủ của ông đều có vấn đề. Các con và Bác sĩ không làm cách nào để ông nghỉ ngơi thật sự được. Ông tận dụng mọi cơ hội nhóm họp để đi gặp gỡ lo cho Hội thánh Tây nguyên đến nỗi các đầy tớ Chúa trong Ban Vận động phải kêu lên với gia đình ông: “Ông cụ làm việc dữ quá, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Hội Thánh người dân tộc!”
Trong lúc đó lại xảy ra biến cố ngày 03.02.2001, ông được chính quyền mời đi tham gia giải quyết và sau đó vài lần nữa đã lấy đi khá nhiều sức lực của ông.
Ngày 3 tháng 4 năm 2001, tại Đại Hội đồng Tổng Liên hội, ông được bầu vào chức vụ Ủy viên Tổng Liên hội. Ngày Hội đồng cũng là ngày Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) đón nhận tư cách pháp nhân cũng như kỷ niệm 90 năm Tin Lành đến Việt Nam và cũng là ngày kỷ niệm tròn 75 tuổi của ông.
Sau đó, sức khỏe ông xuống nhanh chóng. Có lần trong khi đang nằm thở dốc mệt nhọc, ông chợt cười khì và nói với con cái: “Ước gì Ba về với Chúa thì dễ chịu quá!”. Ông đã có ý định mạnh mẽ và không dưới ba lần nói với con cháu sẽ nộp đơn xin nghỉ hưu “vào buổi họp Ban Trị sự Tổng Liên tới” nhưng buổi ấy đã không còn có ông nữa. Chúa đã đón ông đi cách đột ngột sau một cơn nhồi máu cơ tim cấp lúc 01g00 sáng ngày 23.5.2001 tại Sàigòn. Những ngày gần cuối đời, ông bà thường bày tỏ cho gia đình và em của ông, Mục sư Lê Khắc Tuyển, là được sống và chết giữa đồng bào dân tộc, được nằm lại giữa vòng người dân tộc mà ông yêu mến hết lòng. Khi đưa thân xác ông từ bệnh viện về nhà người con thứ hai để chờ chuyển về Ban Mê Thuột, không ai chỉnh sửa được nét mặt yên bình, rạng rỡ, hai mắt hé nhìn và môi nở nụ cười mãn nguyện của ông. Khuôn mặt của ông thể hiện lúc qua đời thật phù hợp với tâm tình của Phao-lô rằng: “Tôi đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên để dành cho tôi và cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài”. Yên bình!
Ông về nước Chúa để lại bà, 4 con trai, 4 con dâu, 1 con gái và 5 cháu nội. Với con cháu, ông bảo: “Ba chẳng để gì lại cho các con ngoài đức tin trong Chúa”. Bà mặc dù bệnh tật cũng đã cố gượng dậy tham gia công việc Hội Thánh Phú Thái. Các con vẫn đang tiếp nối công việc của ông qua những công tác khác nhau trong các Hội Thánh mà mình đang sinh hoạt. Trong gia đình và dòng họ nội ngoại kể từ cụ thân sinh của ông, đã có 6 Mục sư và nhiều Chấp sự. Câu gốc của cả gia đình ông từ khi hai ông bà lập gia đình và đi truyền giáo cho đến cuối đời là “Ta và nhà ta phục sự Đức Giê-hô-va”.
Ông đã hầu việc Chúa một cách âm thầm, không muốn phô trương tên tuổi. Nhiều lần ông im lặng khi nghe các con đề nghị ông nghỉ hưu, viết hồi ký. Và ông hay lập lại với các con rằng thành quả của Hội Thánh hiện nay không phải do ông mà “do Đức Thánh Linh làm” cũng như do công sức của rất nhiều anh em đồng lao cũng như tín hữu người dân tộc. Ông bảo công của ông “nào có đáng gì!”
Cho đến trước khi nhắm mắt, ông vẫn hoàn toàn minh mẫn, nhớ tên rất nhiều người, từng người một, nhất là các cộng sự người dân tộc của ông trên công trường thuộc linh. Những lần ngồi cùng người con trai đầu trên ghế đá trong sân bệnh viện, ông thường hay vừa thở dốc vừa kể về tính khí, ưu nhược của từng người trong số họ. Mệt thở dốc nhưng vẫn say sưa kể về họ mà không nói chút gì về mình. Ông chỉ có mỗi một chí hướng là xây dựng thân thể Đấng Christ được lớn mạnh và trọn vẹn và để nước Ngài được mau đến.
Ghi chú
Tài liệu này được các con hợp sức viết chủ yếu dựa trên những lời kể của ông và bà Mục sư Lê Khắc Cung rải rác trong nhiều năm vào những lúc chuyện trò trong gia đình cũng như ký ức của các con. Có tham khảo thêm vài nội dung trong các tài liệu sau:
1. Đỗ Hữu Nghiêm – Đạo Tin Lành du nhập vùng Nam Trường sơn – Tây nguyên Việt Nam. Delta Press, 2005 (tài liệu biên tập lại).
2. Lê Hoàng Phu – Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965). Nxb Tôn giáo, 2010.
3. Nguyễn Thanh Xuân – Bước đầu tìm hiểu đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2002 (lưu hành nội bộ).
Các con đồng viết
(L.H.S. hiệu đính)
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét