Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

BẠN BÈ TUỔI THƠ *Phan Ni Tấn

Xứ buồn muôn thuở bao mến thương...
BẠN BÈ TUỔI THƠ
*Phan Ni Tấn
Hồi nhỏ ở Ban Mê Thuột, bạn bè tuổi thơ tôi có nhiều đứa. Ngoài tên cha mẹ đặt cho, bọn trẻ tụi tôi đứa nào cũng có thêm một hỗn danh. Cái hỗn danh này là kết quả xét theo gia cảnh, hình dạng, tánh nết mỗi đứa mà đặt tên.
Tuổi thơ tôi không bao giờ quên thằng Két, Chu lòi, Sơn trục, Sơn lép, Thông địt, Quế ù, Đàm dòi, Vĩnh máu, Tây sẹo, Hòe móm, Tí khùng, Viễn nhón... Tôi mắt hí tụi nó gọi Hòa hí; anh tôi mặt ngựa, già già giông giống như tài tử Pháp Fernandel thì gọi Khánh già. Vui nhất là mỗi lần gặp anh tôi khoác vai Quế ù đi long nhong tụi nó la toáng lên" Ê! Khánh già, Quế ù" v.v....
Tuổi thơ tôi thứ bảy, chủ nhật nào cũng rủ nhau ra sân banh chia phe đá banh hoặc đi tắm suối. Suối Đốc Học bơi chán thì xuống suối Nhà Đèn, nhưng đứa nào cũng mê tắm suối Mu-ri vì nước sâu ngập đầu, lại chảy mạnh, có cây cao leo lên phóng xuống mới đã. Suối Mu-ri ở cuối dốc cây số 1, gần buôn Alê A, thuộc điạ phận của ông Jean Maurice khẩn hoang từ những năm 1930. Thập niên 1950 đường xuống suối Mu-ri còn rừng rú lắm. Tắm xong thằng nào cũng khoái cái màn chui vô bụi ỉa giấc.Ngẫm câu "Thứ nhất là đỗ thủ khoa. Thứ nhì vợ đẹp, thứ ba ỉa đồng" mới thấy các cụ ta ngày xưa sành tâm lý đáo để.
Nhìn chung, tuổi thơ tôi chỉ có Quế ù là gần gủi, khắn khít với hai anh em tôi nhất. Phải nói Quế ù là bạn nối khố từ thuở còn... móc cứt mũi. Hồi đó, tất cả các trò chơi trẻ con như bắn bi, búng thun, thảy lỗ, đánh đáo, đánh trõng, tạt hình, tạt lon, u mọi, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây cho tới tắm suối, đá cầu, đá banh, đá dế... ba đứa tôi đều có mặt.
Đá dế là trò chơi thích thú nhất của tuổi thơ. Cứ tới mùa dế thì mấy trò chơi đá banh, tắm suối đều dẹp hết. Thay vào đó, tuần nào ba anh em tụi tôi cũng rủ nhau lên chùa bắt dế. Thập niên 1950 đi chùa lễ Phật tôi thường nghe bên hông chùa Khải Đoan dế gáy re re sướng cả lổ nhĩ. Nhưng dế không chỉ ở chùa mà chỗ nào có đất, đá, bụi cỏ, hốc cây là có dế. Thành ra không lên chùa bắt dế thì bọn tôi dầm mưa, đội nắng lang thang xuống nghĩa địa làng, vô khu Rau Xanh hoặc lén vô rẫy dì Mại bắt dế. Ngoài ra, CHPI (Compagnies des hauts plateaux Indochinois), cơ sở khai thác đồn điền cà phê của người Pháp ở cây số 5 cũng là nơi hùng cứ của dế.
Dế đều do Trưởng lão Khánh già bắt được về chia cho Quế ù và tôi. Nghe dế gáy hai đứa tôi chỉ có nhiệm vụ lật mấy bó rơm bó quanh cây cà phê lên để Trưởng lão nhà ta nhanh nhẹn ra tay chụp bắt. Thường là dế than, hiếm khi có dế lửa. Dế được đựng chung trong hộp bánh bích qui hoặc trong hộp quẹt diêm khi ra trận. Thức ăn cho dế thường là rau sam, giá sống hoặc cơm nguội. Muốn dế đá cho hăng, tụi tôi thường bứt tóc làm thành cái thòng lọng xỏ vô giò dế vừa quay mòng mòng vừa chu miệng thôi, hoặc xoay ngược cây ngoáy dế xỏ vô ngấn cổ dế thổi phù phù. Dế bị quay chóng mặt hoặc xỏ cổ bị đau nên dễ nổi khùng, sáp trận là đá kịch liệt. Hồi nhỏ tánh Quế ù hay lanh chanh lách chách. Nghe dế gáy là Ù nhà ta quýnh cả lên, chưn tay không chịu ở yên, mắt thì láo liêng, miệng la oai oái bị Khánh già "chửi thề" gắt củ tỏi.
Về "văn học nghệ thuật", tuổi thơ tôi có ông anh Khánh già thích chơi đàn guitar cổ điển; Quế ù và tôi lại mê chữ nghĩa văn chương. Một hôm hai "thằng khùng" ngây ngô hì hục viết văn đưa cho nhau đọc, tự khen nhau nhặng xị rồi "khiêng" ra bưu điện gởi cho tờ VNTP ở Sài Gòn nhờ đăng. Dĩ nhiên có mà nó đăng cho.
Rồi thời gian như bóng câu qua cửa sổ, tuổi thơ cũng lớn lên theo. Lúc bước vào ngưỡng cửa trung học cũng là lúc bọn trẻ chia tam xẻ tứ. Đứa theo gia đình chuyển về Sài Gòn, đứa lên Đà Lạt, đứa vô Buôn Hô, đứa học trường này, đứa trường kia...
Riêng bộ tam sên: Khánh già, Quế ù và tôi vẫn "tay trong tay" lên trung học. Tới lớp đệ nhị thì ông anh tôi lên đường tòng chinh. Còn tôi và Quế ù tiếp tục xong bậc trung học rồi vào đại học, cuối cùng là đi vào đời.
Đời có muôn vạn nẻo đời. Nhưng da số bọn tôi đều bước vào đường binh nghiệp. Chiến tranh càng leo thang ác liệt đôi bên càng tổn thất nặng nề. Đánh giặc vài ba năm thì ông anh tử trận. Theo chân cố thiếu úy Khánh già, bọn trẻ ngày xưa như Nhiễu hút, Đôn tròn, Lai thiết, Phương gái, Được dù, Tây sẹo cũng lần lượt hy sinh trên rừng dưới biển.
Quế ù, thuở mơ làm văn sĩ, được Bộ Kế Hoạch tuyển dụng lên Đà Lạt nhận nhiệm sở; còn tôi trở thành anh chàng sĩ quan "ba-bi-lắc" mặt vắt ra sữa, run run lao mình trong hòn tên mũi đạn. Có lần được nghỉ phép, tôi lên Đà Lạt chơi với Quế ù vài ngày hưởng cái lạnh sương mù miền cao.
Rồi mất nước, tôi đi tù Cộng sản trong khi Quế ù vẫn được lưu nhiệm làm việc trong nhà máy giấy ở Biên Hòa. Trong tù tôi tưởng sẽ chẳng có ngày ra, ai dè cuối năm 1978 tôi sổng tù về Sài Gòn sống như phường trôi sông lạc chợ, tình cờ gặp lại Quế ù.
Rồi tôi đi vượt biên. Ra nước ngoài khoảng ba bốn năm sau tôi hết sức ngạc nhiên lại ngộ cố tri, không ai khác lại chính là Quế ù. Cả hai thằng đều mừng rơn, la lớn, quên cả chùa chiền là nơi tôn nghiêm, thanh tịnh. Ở đời hiếm có chuyện hai thằng bạn thân nhau từ cái ngày xửa ngày xưa tóc còn để chỏm cho đến lúc về già lưu lạc phương người vẫn còn thường xuyên gặp gỡ nhau.
Hôm qua vợ chồng Quế ghé nhà tôi chơi ngồi nhắc chuyện đời xưa mà cười như nắc nẻ. Ở cái tuổi về chiều tôi trở nên trầm ngâm, ít nói, trong khi bạn hiền vẫn hồn nhiên, vui vẻ, liến thoắng cười đùa, ngồi thì chẳng bao giờ chịu yên một chỗ. Bà xã tôi nói những người như vậy tâm không ác.
Quế ù (nay vẫn ù) hồi nhỏ cho tới bây giờ tánh tình vẫn không thay đổi, chỉ khác một điều bạn hiền và tôi, dĩ nhiên không còn... móc cứt mũi như cái ngày xửa ngày xưa thân ái.
Phan Ni Tấn
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét