Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

LỊCH SỬ CHÙA ĐÔNG ĐỘ * Thầy Thích Hải Định

Từ thời người Pháp lập đồn điền CHPI, những người dân Bình Định đi phu, lên đây làm ăn... đã lập nên một thảo am nhỏ...
LỊCH SỬ CHÙA ĐÔNG ĐỘ
* Thầy Thích Hải Định
Chùa Đông Độ tọa lạc tại làng Mê Wal, đồn điền cao su CHPI, Quảng Nhiêu II, nay là xã Ea Kpam thuộc Huyện Cư M’gar, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25 km về hướng Đông Bắc. Nơi đây trước kia là vùng dinh điền, nay thường gọi là vùng kinh tế mới.
Vào thập niên 30 thế kỷ trước, sau khi người Pháp lập đồn điền CHPI, họ đã kêu phu về làm cao su cho đồn điền;Có những người dân đa phần là người dân Bình Định lên làm ăn và lập nghiệp tại đây, sau đó họ đã lập nên một thảo am nhỏ diện tích dài 5,9 m, rộng 5,6 m, cao 4,5 m, thờ thần Thần Khiến (Các vị Thần Hoàng bổn xứ, Thổ địa, ...), hai bên có hai câu đối bằng chữ Hán (nay đã phai mờ không còn đọc được), để cầu mong sự bình an cho dân làng nơi rừng thiêng nước độc này. Trước am có một bình phong khắc hình con hổ, hai bên trồng hai cây sứ đại. Đến năm 2009, người dân mở đường đi lại trước thảo am, phá bỏ bình phong, cây sứ được Đại đức Thích Minh Đăng, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Cư M'Gar, Trụ trì chùa Hoa Nghiêm đưa về trồng tại khuôn viên chùa Hoa Nghiêm, hiện cây phát triển tươi tốt.
Năm 1959 - 1960, lúc bấy giờ Đại đức Thích Quảng Hương là ủy viên Hoằng Pháp Phật giáo tỉnh Darlac, cùng một số đạo hữu như đạo hữu Nguyễn Minh Tâm, đạo hữu Nguyễn Hiền Lương, v.v...thường hay đến thăm viếng, động viên bà con Phật tử và thành lập các đơn vị Phật giáo các vùng dinh điền. Ngài đến Làng Mê Wal giảng pháp cho bà con Phật tử và thành lập đơn vị Phật giáo tại làng Mê Wal.
Đến năm 1961, được Tỉnh hội Phật giáo Đắk Lắk lúc bấy giờ là Thượng tọa Thích Viên Đức làm Hội trưởng cho phép thành lập đơn vị Phật giáo làng Mê Wal, lấy tên là Đông Độ. Chùa quay mặt về hướng phía đông, lấy tên trong kinh Phật, theo câu xướng mỗi lần lễ Tổ (Nam mô Tây Thiên, Đông độ, Việt Nam truyền giáo ..., sau đó là chùa Tây Thiên, mặt chùa quay về hướng Tây)
Chùa được xây dựng nhờ có tiếng nói của Tỉnh Giáo hội và sự giúp đỡ của chủ nhân đồn điền CHPI, ông Ni Fran cho tôn và xi măng, công sức do bà con Phật tử xây dựng. Chùa có diện tích dài 10,7 m, rộng 13,4 m, cao 5,2 m, nền chùa cao 0,8 m, mái lợp tôn fibro xi măng. Hai bên có lầu chuông trống. Có tiền đường. Bên trong làm ba gian thờ Phật; Ở giữa thờ Đức Phật Thích Ca, hai bên thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng.
Ban đại diện khuôn hội Đông Độ lúc bấy giờ được gọi là Ban Trị sự khuôn hội Đông Độ gồm có 8 thành viên:
1. Nguyễn Thúc Cẩn Khuôn hội trưởng kiêm Trưởng ban Tương tế
2. Lê Đình Hương Khuôn hội Phó
3. Ngô Đoàn Chánh Thư ký
4. Hồ Thiệt Phó thư ký kiêm Trưởng ban Nghi lễ
5. Kim Sinh Thủ quỹ
6. Võ văn Thi Cố Vấn
7. Hà Xuân Mai Trưởng ban Từ Thiện
8. Nguyễn Bá Ủy Viên Gia đình Phật tử
Năm 1964, Ban Trị sự khuôn hội Đông Độ một lần nữa đề đơn trình Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Darlac xin có ý kiến giúp đỡ để chủ nhân đồn điền CHPI giúp đỡ vật tư để xây dựng nhà tổ, nhà tăng và nhà sinh hoạt, hội họp, (lúc bấy giờ Đại đức Thích Minh Đức làm hội trưởng); nhưng sau đó chiến trận lại xảy ra, nên không xây dựng được
Đến năm 1968, chiến tranh càng ác liệt, người dân phải ra bên ngoài lánh nạn, chỉ còn một số ít bám trụ tại chỗ, bà con vẫn hay đến chùa thắp hương lễ bái, cầu nguyện.
Theo lời kể của các nhân chứng: Ông Đinh Ngọc Từng, nguyên Phó Công an tỉnh Đắk Lắk (thường gọi bác Năm Từng), đạo hữu Lê Đình Hương (thường gọi bác bảy Hương), nguyên Khuôn hội phó khuôn hội Đông Độ, ở tại phường Thành Công, đạo hữu Nguyễn Đình Quang, pháp danh Nhuận Đình, đạo hữu Hồ Văn Thanh, pháp danh Nhuận Khiết, (con đạo hữu Hồ Thiệt, nguyên phó thư ký kiêm Trưởng ban Nghi lễ khuôn hội Đông Độ), v.v..: đến năm 1975, chiến trận lại xảy ra ác liệt, bà con lại một lần nữa ra đi. Sau đó nông trường 1/5 xã Ea Kpam sử dụng làm nơi hội họp, rồi làm kho chứa lúa, phân. Sau đó chùa hư hỏng nhiều và bỏ hoang; trong lúc khó khăn, người dân nơi đây đến lấy tôn, gỗ, cửa và các vật dụng trong chùa về nhà sử dụng.
Các tượng Phật được đưa về chùa Linh Sơn, TT Quảng phú. Hiện nay còn một tương Phật Thích Ca đang thờ tại tư gia nhà cô Hạnh, 6 Nguyễn Quang Bích, Thành nội, gần chợ Tây Lộc., đt: 0914078614.
Theo các nhân chứng nêu trên, cũng như các đạo hữu Nguyễn văn Hương, Phạm Văn Tuấn. pháp danh Nguyên Hinh, Hồ Minh Tránh, Nguyễn Đình Nhi, Võ văn Thi, Đinh Cược, Ngô Thị Giáo, Nguyễn Thanh Tùng; đặc biệt đạo hữu Nguyễn Đình Quang, pháp danh Nhuận Đình thường hay lui tới thăm ngôi chùa cũ và bà con ở tại đó, nói rằng: Bà con nơi đây rất mong muốn được có một ngôi chùa để tu tập lễ bái, chùa còn đó mà hư hỏng hết rồi, các nhân chứng còn lại càng xót xa thấy cảnh chùa hoang, cỏ mọc điêu tàn...
Thầy Thích Hải Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét