Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

CHÙA KHẢI ĐOAN *Thầy Thích Như Minh

Ban mê xưa...
CHÙA KHẢI ĐOAN
*Thầy Thích Như Minh
...
Chùa Khải đoan là một ngôi chùa danh tiếng ởThành phố Ban Mê Thuột. Chùa Khải đoan được Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Hoàng Thị Cúc tôn tạo trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào và 28m2 để hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần. Toàn bộ kiến trúc chùa bằng gỗ theo cách dựng nhà sàn ở Tây nguyên. Thế tựa vào núi trước mặt là dòng sông. Hoàng triều cử thứ phi Mộng Điệp theo dõi việc tôn tạo được khởi công vào năm 1951.
Lúc bấy giờ Hòa thượng Thích Trí Thủ là Trị sự trưởng Tổng hội Phật giáo trung phần tiếp nhận và cử người đệ tử đầu là Thầy Đức Thiệu giám sát. Căn cứ theo bức thư hiện còn lưu giữ, thì Khải Đoan tự là do Đoan Huy Hoàng Thái Hậu đặt tên: “...với một số tín đồ Phật giáo vui lòng hưởng ứng, phụ lực, tôi đã cho xây dựng (chùa) từ năm 1953 và mang danh ba chữ Khải Đoan tự cho trang nghiêm, tôn phụng” (Đoan Huy Hoàng Thị Cúc – Thư gửi Tổng trị sự giáo hội Tăng gia Trung Việt và Hội Việt Nam Phật học ngày 01/3/1953). Đến năm 1955 vua Bảo Đại phong Sắc tứ Khải đoan.
Chùa đã trải qua bảy đời trú trì Thầy Thích Đức Thiệu, Thầy Thích Từ Mãn, Thầy Thích Thiện Nhơn, Thầy Thích Viên Đức, Thầy Quản Hương vị Thầy đã phát nguyện tự thiêu mình tại chợ Bến thành trong năm pháp nạn 1963, Thầy Thích Quang Huy và trú trì đời thứ 7 là Thượng Tọa Thích Châu Quang.
Bước vào cổng tam quan của chùa Khải Đoan người ta sẽ thấy những câu đối chữ nho mặt tiền:
Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh nhân gian hành chánh đạo
Tuyên kinh thuyết pháp phổ thông thiên hạ khởi từ tâm
Sáng chuông chiều trống, cảnh tỉnh người đời theo nẻo
chánh.
Giảng kinh nói Pháp, khắp nơi thiên hạ phát từ tâm
Mặt sau cửa có hai câu:
Khải nhập thiền môn tự giác viên thành vô nhị pháp
Đoan nghiêm Phật tử tu hành đắc đạo hữu tam thừa
Vào cửa thiền môn tự giác tròn đầy, không hai pháp.
Phật tử trang nghiêm, tu hành đắc đạo, đủ tam thừa
Chùa có một bảo vật là Đại hồng chung đúc năm Quí tỵ nhằm tháng 01 năm 1954 có ghi dòng chữ Tường vân tự Đường thượng ...
Chùa còn có một cây Bồ đề sum sê tươi tốt quanh năm. Cây Bồ đề này của Đại đức Narada người Tích Lan đem từ Colombo nước Tích qua tặng cho chùa vào dịp viếng thăm 1962.
Nhớ lại chùa xưa, tôi vô cùng nhớ hình ảnh giải thoát thương đời thương Đạo của chúng Tăng và quí thầy ở đây. Đó là Thầy Quang Huy trú trì chùa Khải Đoan, Thầy Quán Tâm Chánh đại diện tỉnh hội Phật giáo Đắc lắc cũng là vị hiệu trưởng trường Trung tiểu học Bồ đề Ban mê thuột, Thầy Định Hương, Thầy Huệ Hương, Thầy Phước Thông, Thầy Nguyên Tịnh, Thầy Hải Tịnh, Thầy Từ Vân, Thầy Nguyên Hạnh, Thầy Như Hải, Thầy Quán Chơn, Thầy Như Minh, Thầy Châu Quang, Khế Đạo, Trương Văn Tỵ, Đỗ Trọng Khôi, Hải Định. Các thầy đã thương tôi và khích lệ cho tôi học ở Trường Trung học tổng hợp Ban mê thuột.
Nhớ lại ngày tôi nhập chúng ở chùa Khải Đoan là một chiều cuối hạ năm 1971 trước ngày khai giảng trường. Khi ấy, Quan Âm các nằm bên trái trước chùa vừa lúc hoàn thành. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy kiến trúc và hoa văn rồng phượng của Huế. Màu sắc vẻ đẹp thanh thoát của Quan Âm các có tôn tượng Quán Thế Âm thật là đẹp hai bên có hai câu đối khắc trên hai trụ mặt trước: Phụng các trang nghiêm Quán Tự Tại Liên đài tráng lệ kiến Như Lai
...
Tôi nhớ mùi hương ngọc lan tỏa ngát vào mỗi đêm ở trước sân chùa. Những đêm tôi thường ra ngồi bậc cấp trước sân chùa để ôn vội bài học cho ngày hôm sau. Những kỳ thi thì tôi thường thức khuya hơn. Hương thơm về khuya càng sâu đậm. Những đêm sau cơn mưa tạnh, thì hương ngọc lan thật quyến rũ. Có buổi khuya ngồi trước hiên chùa thỉnh chuông, hương ngọc cũng phảng phất dễ chịu xóa đi cơn buồn ngủ của tôi. Tôi cũng không biết hương thơm tự bản chất của ngọc lan hay là do ảo tưởng của tôi. Cây ngọc lan này tươi tốt cao lớn trổ hoa quanh năm. Tôi biết hoa ngọc lan khó chăm bón khi cây còn nhỏ, kén chọn thời tiết và độ ẩm của đất. Nhưng bây giờ, đang là mùa đơm bông và tôi đang tận hưởng mùi hương ngọc lan ngây ngất dịu dàng này.
Qua mùa xuân ngọc lan vẫn còn tiếp tục tỏa hương. Mùa xuân về trên cao nguyên với những nụ mai khoe sắc vàng thắm. Tôi rất náo nức chờ đêm giao thừa đến để tận hưởng bầu không khí tưng bừng của giờ phút thiêng liêng này. Khi tiếng đại hồng chung và tiếng trống gióng lên, thì tiếng pháo mừng xuân cũng vang lên khắp nơi. Sau lễ cúng giao thừa, múa lân và chúc xuân. Mùa xuân ở chùa Phật tử rộn rịp tươi vui đi xin hái lộc ở chùa. Cầu cho một năm an bình hạnh phúc...
...
Thầy Thích Như Minh
(Trích Hồi ký của Thầy Thích Như Minh- Phần VII-Hương Ngát Ngọc Lan- NƯỚC CHẢY MÂY TRÔI đăng trên http://ducquanam.com/)
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét