Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

NGƯỜI PHỤ NỮ GIÚP ĐỠ THẦM LẶNG

Chuyện người xưa...Vợ của một mục sư truyền giáo cho sắc tộc M'nông và Êđê... (Nhũ danh: HUỲNH THỊ HOÀNG 1928 – 2004)
NGƯỜI PHỤ NỮ GIÚP ĐỠ THẦM LẶNG
...
Ngay từ nhỏ, bà đã tỏ ra có nhiều năng khiếu về nhiều lĩnh vực gần giống như thân phụ. Bà vẽ rất giỏi, biết nặn tượng đúng phương pháp, biết sử dụng nhiều loại đàn như phong cầm (harmonium), accordéon (thủ phong cầm), mandolin, banjo. Cho đến nay các con còn giữ vài bức vẽ phác cảnh nhà thờ lúc tản cư mà nhờ nó biết nhà thờ lúc đó ra sao. Bà hát rất chuẩn nốt nhạc. Bà còn rất khéo tay trong công việc dao kéo, thêu thùa, may vá, đan lát, cũng như làm thủ công, xếp giấy origami, v.v… Bà thường tự tay may lấy đồ mặc cho chính mình, biết cách sửa đồ cũ thành đồ giống như mới. Vì tính thích hoạt động, thích làm việc nên bà tham gia tích cực vào các hoạt động thanh niên thiếu nhi trong Hội Thánh.
...
Gần kỳ nghỉ hè năm thứ nhất tại Trường Kinh Thánh, cụ Mục sư Viện trưởng Ông Văn Huyên hỏi nguyện vọng của bà khi ra trường và biết bà muốn đi truyền giáo vùng cao nguyên. Cụ bảo không có qui chế cho nữ đi truyền giáo. Bà thất vọng không ít. Sau ít lâu, cụ bảo có cách, đó là lập gia đình với người cùng chí hướng. Rồi cụ giới thiệu bà với một người cũng muốn đi truyền giáo, học trước bà 2 năm, đó chính là ông sau này, Mục sưTruyền giáo Lê Khắc Cung. Sau 10 ngày suy nghĩ, gặp lại cụ Viện trưởng, bà vẫn chưa có quyết định. Cụ hối thúc: “Nếu không thì tùy ý Chúa dùng chứ không thể đi truyền giáo được”. Và cuối cùng bà chấp nhận, quyết định lập gia đình cùng với ông. Năm sau, ngày 28.04.1952, hai ông bà trở về trường Kinh Thánh làm lễ cưới. Cụ Viện trưởng thay mặt cho đàng trai, bác của bà đại diện cho đàng gái, cụ giáo sĩ Olsen làm lễ và đãi tiệc tại bếp ăn nhà trường. Thế là bà gần như thỏa được mong ước được đi hầu việc Chúa ở vùng Thượng du.
D. Hầu việc Chúa (25-76 tuổi – 1952-2004)
Năm 25 tuổi, bà cùng ông lên Banmêthuột và tá túc tại nhà của MSTG Nguyễn Hậu Nhương để học tiếng Ê-đê, sau chuyển sang tiếng Mnông theo yêu cầu của Hội thánh.
Sau 1 năm học tiếng, bà theo ông đến cơ sở truyền giáo tại Daksong để tham gia công việc truyền giáo cùng với vị truyền đạo trẻ người Mnông là Y-Brông. Tại Daksong, bà thỉnh thoảng cùng ông đi vào các buôn để truyền giáo. Bà thường dành thời gian cho việc duy trì các hoạt động thờ phượng Chúa tại nhà thờ Daksong để ông có thể đi vào các làng. Bà đặc biệt chú ý đến Thanh niên Thiếu nhi.
Các con bà không thể quên những đêm học làm thủ công tại tư thất, bà trải chiếu dọc dài giữa phòng khách, thắp đèn dầu, rủ thiếu nhi thiếu niên ở nội trú trường học cách đó nửa cây số đến để dạy vẽ, dạy xếp giấy thành hình chiếc tàu, con chim để rồi sáng hôm sau dưới suối trắng xoá những chiếc tàu, con chim giấy.
Cũng không thể quên những tháng ngày giữa bốn bề là rừng hoang vắng, ông đi truyền giáo cả tuần, bà cùng với 3 người con nhỏ ở lại nhà và bà dạy các con đủ mọi thứ. Bà tự dạy trọn chương trình lớp nhất (lớp một bây giờ) cho các con rồi mới cho đến trường học từ năm lớp nhì, chỉ vì bà thấy trình độ dạy học lúc đó của trường quá thấp. Bà dạy cho các con gần như mọi thứ thủ công và năng khiếu mà bà có, từ vẽ,
nhạc, nặn tượng đến đan lát, thêu thùa may vá, dù cả 3 con đều là con trai. Bà muốn các con sau này có thể tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào và dùng các kỹ năng đó để nuôi mình và hầu việc Chúa. Bà khuyến khích các con tự tay làm lấy những vật dụng hàng ngày. Bà dạy các con lịch sử tươi đẹp và hào hùng của đất nước và dân tộc Việt Nam. Trong những đêm mưa lạnh, bà thường nằm cùng các con, xé khô mực vừa cùng nhấm nháp vừa kể truyện tích Kinh Thánh, truyện cổ tích của dân tộc mình cũng như của các dân tộc khác trên thếgiới. Bà kích thích trí óc sáng tạo của các con ngay từ những năm 1950 bằng nhiều kiến thức khoa học tưởng tượng cho đến nay đều trở
nên hiện thực mà các con cũng không hiểu do đâu bà biết (chẳng hạn đem rạp hát về nhà, chiếu phim hình ảnh nổi trên bàn, trên không trung, lên cung trăng là nơi trọng lực rất thấp,…). Bà cũng dạy các con biết chia xẻ những gì mình có cho người khốn khó và thường xuyên hỏi ý kiến các con nhỏ về việc giúp đỡ người khác nên như thế nào.
Tự tay bà cùng với ông trồng khoai, bí, bầu để có rau ăn; xuống suối sâu để giặt giũ và gùi từng bầu nước lên để nấu nướng. Bà đón nhận và giúp đỡ trẻ em khó khăn mà hai trong số đó được bà xem như con nuôi là chị Tráng và chị H’Ngơih. Bà dang tay đón nhận, chăm sóc, giúp đỡ và bảo bọc các nạn nhân của hủ tục thử Malai bằng cách đổ chì lỏng vào lòng bàn tay cho đến cháy lòi cả gân xương.
Năm 1961, bà theo ông đến Khu Truyền giáo tại Gia Nghĩa (Đắc-nông) theo sự phân công của Hội Thánh để kiêm lo thêm công việc Chúa giữa người Kinh tại đó.
Một năm sau, theo sự điều động của Hội Thánh, bà lại theo ông qua Banmêthuột để tiếp nối công việc hầu việc Chúa giữa sắc tộc Ê-đê của MS Nguyễn Hậu Nhương. Tại Banmêthuột, bà vừa tham gia công việc Chúa tại Hội Thánh Ê-đê Banmêthuột tại Cổng số 1, vừa tham gia công việc xã hội của Trung tâm Bài Cùi Ea Ana bằng việc tổ chức dạy nghề cắt may cho con em sắc tộc, đặc biệt là bệnh nhân Phong người sắc tộc. Công việc Chúa tại Banmêthuột thật không dễ dàng hơn chút nào. Trong khi ông phải phụ kiêm thêm công việc của Trường Kinh Thánh, phiên dịch Kinh Thánh và chống đỡ những ảnh hưởng của các biến động chính trị xã hội đến Hội Thánh về niềm tin, tình thương và sự hiệp một của tín hữu, thì bà đã dành hết thời gian vừa cho công việc xã hội, vừa một tay chăm lo dạy dỗ 5 người con đang tuổi lớn. Bà vẫn không thôi dạy dỗ con cái đi trong con đường yêu mến hầu việc Chúa, yêu mến dân tộc, quê hương đất nước của mình và biết quan tâm đến những người khốn khó. Có thể nói không ngoa, chính bà bằng tình yêu Chúa và tình mẹ đã giúp các con mình nên người và đứng vững trong đức tin, trên con đường hầu việc Chúa và phục vụ tha nhân. Bà đã dạy các con không sống vì những thứ hay hư nát trên đất mà vì những thứ không hay hư nát của nước Chúa. Giá trị của con người là những điều tốt lành mà con người đó đã làm cho Chúa và cho xã hội.
Sau ngày hòa bình, năm 1977, ông được đưa đi cải tạo tập trung, Hội Thánh tạm thời không còn hoạt động, bà thay ông cùng các con làm rẫy để sinh sống.
Năm sau, do lệnh của Nhà Nước, bà và các con phải chuyển về nơi ở mới do chính tay bà và các con xây dựng tại xã Hòa Phú giữa sắc tộc Thái, gần cầu 14 với sự hỗ trợ của ông ngoại. Sau một thời gian khá dài sống chan hòa với người dân xóm Thái và người Kinh, Chi hội Phú Thái được hình thành trên cơ sở số tín đồ cũ không có nơi nhóm họp và các tín đồ mới thêm vào Hội Thánh. Bà và các con vẫn kiên trì sống làm gương vềthực thi tình thương của Chúa giữa mọi người.
Hai con lớn đi học ở Sàigòn ít khi về thăm vì không đủ tiền mua vé xe. Cả nhà làm ruộng, rẫy để kiếm sống. Người con thứ ba làm mộc, con gái duy nhất thứ tư thêm nghề may. Có lúc người con đầu về thăm được, không thấy ai ở nhà bèn đi tìm thấy bà một mình trên con đường vắng ra ruộng, áo rách tả tơi, vai vác cuốc, lẫm lũi đi. Vậy mà bà vẫn không quên ghé thăm các con Chúa nghèo khó, ốm đau, chia xẻ những thứ mình có được dù ít ỏi. Luôn luôn khích lệ, an ủi con cái, tín hữu xung quanh, luôn luôn làm ơn và cho mượn mà không đòi lại. Dần dần bà thân thiết với dân làng xung quanh.
Sau những tháng năm dài quá nhiều khổ cực về thể xác lẫn tinh thần, khi ông được trở về, bà dần lâm bệnh mà không hay biết. Đến khi phát hiện thì đã khá nặng. Có thể kể, cho đến ngày bà về nước Chúa, toàn bộ các cơquan nội tạng của bà đều bị tổn thương. Tiểu đường, suy thận, tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, thiếu máu, viêm loét dạ dày, viêm ruột, cườm mắt, lãng tai, tai biến mạch máu não, phù phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, quai bị, zona, gan nhiễm mỡ, gãy xương… Toàn bộ các loại bệnh gần như ào ạt đến quật ngã bà làm cho những năm tháng sau này, bà gần như không tham gia được công việc gì nữa của Hội Thánh ngoài việc thỉnh thoảng chia xẻ ngắn, cầu thay và… yên lặng ngồi đó, dùng sự hiện diện của mình làm cớ an ủi khích lệ anh em. Nhiều con cái Chúa người sắc tộc đến nói với bà: “Xin ông bà đừng đi đâu cả. Chỉ cần ngồi đó. Chúng tôi đi qua lại còn thấy ông bà là chúng tôi còn thấy Hội Thánh và được khích lệ, mặc dù ông bà không được phép giảng dạy.”
Bà đã được các con dốc lòng, dốc sức đưa đi chữa trị. Bệnh trở nặng, bà đã phải nhập viện từ ngày 08.3.2004 và đã lặng lẽ về nước Chúa trong phòng Săn sóc Đặc biệt bệnh viện lúc 10g00 ngày 05.05.2004.
Bà về nước Chúa để lại tấm gương cho 5 người con, 4 con dâu, 5 cháu nội, 2 con nuôi còn lại trên đất về đức hi sinh và tận tụy trong sự hầu việc Chúa bằng những công việc âm thầm nhỏ bé gần như vô danh. Công trạng của bà đối với Hội Thánh không có nhiều nhưng lại là dấu ấn cho những ai từng tiếp xúc và gần gũi với bà. Có lần bà bảo các con: “Má không để lại điều gì cho các con ngoài căn nhà ọp ẹp này và tấm lòng tin cậy Chúa. Nếu muốn trả ơn Chúa hay trả ơn ba má, hãy làm điều gì ích lợi cho người khốn khó hơn mình, nhất là người sắc tộc. Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Đừng làm điều gì xấu để rồi khi Chúa đến không dám ngửng đầu.”
Trong mắt các con, bà thật sự là “Một người nữ tài đức”./.

L.H.S.
*Trích đoạn từ nguồn: http://mytnpa.org
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét