Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

ĐI CHỢ TIỀN XƯA *Đào Quang Bắc

Đi chợ Ban mê xưa ... dễ tính tiền hơn rồi... Sao một quan chỉ có sáu trăm tiền ?!!
ĐI CHỢ TIỀN XƯA
*Đào Quang Bắc
Học trò của những năm đầu thế kỷ trước hẳn nhiều người còn nhớ bài học thuộc lòng “Đi chợ tính tiền” (Vô danh) trong sách Quốc văn Giáo khoa thư:
68. ĐI CHỢ TÍNH TIỀN
(Ca dao)- Bài học thuộc lòng.
Một quan tiền tốt mang đi,
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra.
Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi,
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
Hai mươi mốt đồng bột nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.
Giải nghĩa:
Tiền tốt = tiền tiêu được.
Vàng = đồ làm bằng giấy để cúng rồi đốt đi.
Hồ nghi = ngờ vực, không biết rõ.
Mới chỉ có ba món đầu tiên thôi mà đã thấy cái mớ bòng bong “quan”, “tiền”, “đồng” rối chằng rối chịt. Muốn xem nàng tính toán thế nào cho chẵn quan tiền đi chợ tết, ta phải lần tìm các quy định phép dùng tiền của các triều đại Việt Nam xưa.
- Năm 1225, vua Trần Nhân Tông quy định: 1 quan = (10 tiền x 70 đồng) = 700 đồng
- Năm 1428, vua Lê Thái Tổ quy định: 1 quan = (10 tiền x 50 đồng) = 500 đồng
- Năm 1439, vua Lê Thái Tông quy định: 1 quan = (10 tiền x 60 đồng) = 600 đồng
Như vậy, bà nội trợ xưa đã tính rõ ràng:
Một quan tiền tốt mang đi 1 quan = (10 tiền x 60 đồng) = 600 đồng
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra
Thoạt tiên mua ba tiền gà (3 tiền x 60 đồng) = 180 đồng
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu (1,5 x 60 đồng) + 3 = 93 đồng
Trở lại mua sáu đồng cau = 6 đồng
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng (1,5 x 60 đồng) + 10 = 100 đồng
Có gì mà tính chẳng thông
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi (1,5 x 60 đồng) +6 = 96 đồng
Ba mươi đồng rượu chàng ơi = 30 đồng
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng (mã) 30 + 20 đồng = 50 đồng
Hai chén nước mắm rõ ràng
Hai bảy mười bốn kẻo chàng hồ nghi 7 đồng x 2 = 14 đồng
Hai mươi mốt đồng bột nấu chè = 21 đồng
Mười đồng nải chuối = 10 đồng
... chẵn thì một quan = 600 đồng
“Hối đoái” này đã được thi sĩ Nguyễn Bính xác nhận trong 2 câu thơ của bài “Trăng sáng vườn chè”:
“Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi...”
Thế nhưng quan “tiền tốt” trong câu đầu bài thơ là tiền gì. Là tiền chưa bị hỏng còn tiêu được hay là tiền thật tiền giả? Lại lần tìm quy định phép dùng tiền xưa thì được biết vào triều đại nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã quy định thành 2 loại quan tiền:
Quan quý (tốt): 600 đồng
Quan gián: 360 đồng
Và lại một lần nữa, thơ đã minh chứng cho quy định này. Đó là bài thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương giao lưu với ông Chiêu Hổ. Bà mượn 5 quan nhưng ông Chiêu Hổ chỉ đưa có 3 quan. Bà trách:
Sao bảo rằng năm lại có ba
Trách người quân tử tính sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.
Ông Hổ giải thích:
Rằng gián thi năm quí có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
(3 quan quý x 600 đồng) = (5 quan gián x 360 đồng) = 1.800 đồng.
Thế là cái rắc rối quy đổi tiền xưa đã được người phụ nữ thuở ấy không có máy móc hỗ trợ mà chỉ tính nhẩm một quan tiền tốt (quý) mang đi và hàng ở chợ mang về chính xác đến từng đồng để chuẩn bị đầy đủ cho mâm cỗ cúng gia tiên ngày tết.
ĐÀO QUANG BẮC
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét