Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

NGƯỜI BIH Ở TÂY NGUYÊN *Xưa và nay, số 216, tháng 7/2004, trang 25

Nghe lại những địa danh... buôn Trấp, buôn Khít, buôn Chuah, buôn M’blớt, buôn Tơ lơ, buôn Dur, buôn Kmăn, buôn Chuê... Mà nghe như tiếng chiêng, tiếng chày giã gạo năm xưa ở các buôn làng thuộc xã Ea Bông, thị xã Ban Mê Thuột...
NGƯỜI BIH Ở TÂY NGUYÊN
*Xưa và nay, số 216, tháng 7/2004, trang 25
Khi đi khảo sát vùng này, chúng tôi nhận thấy một số dấu hiệu trên các hiện vật mang dáng dấp của nền văn hoá Đông Sơn như: vòng lục lạc bằng đồng hiện vẫn đang được người Bih sử dụng, hoặc chúng tôi còn được thấy một trong số các dàn chiêng của người Bih có một chiếc được khắc vạch những hình chúng tôi ngờ rằng đó là một dạng chữ viết kiểu chữ Nôm (?).
Các trường ca cổ như: “Trường ca Đam San”, “Trường ca Y ban”, “Trường ca Xinh Nhã” tất cả đều được in trong Trường ca Tây Nguyên (Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1983)… chúng tôi thống kê được nhiều những đoạn văn, những câu văn có nhắc đến người Bih như là một tộc người độc lập. Đó là những người ở miền thấp, ở bờ sông, những người mang vòng răng hùm, có miệng rộng…
Trước khi thực dân Pháp xâm lược, những buôn làng của người Bih khá trù phú và sung túc, như buôn Trăp, buôn Cuah Kplang và buôn Cuah Kpin. N’Trang Gưh là tù trưởng của họ lãnh đạo 25 buôn chặn đánh quân xâm lược Xiêm và Miến Điện nấp sau lưng quân Anh xâm phạm lãnh thổ Dăk Lăk và họ đã chiến thắng oanh liệt buộc chúng phải rút bỏ Dăk Lăk
Năm 1900, công sư Bourgeois đem quân chinh phục người Bih ở hạ lưu sông Krông Ana và Krông Knô đã bị nghĩa quân N’Trang Gưh đánh chết hụt, buộc phải bỏ chạy khỏi buôn Tuôr. Trước khi bỏ chạy chúng còn đốt trụi buôn Trăp, buôn Cuah quê hương của N’Trang Gưh.
Năm 1901, sau khi củng cố lực lượng nghĩa quân đã vượt sông Krông Knô tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp tại đồn buôn Tuôr, tên đồn trưởng cũng bị giết chết trong lần này bằng những mũi tên bay ra từ những chiếc ná đầy huyền thoại của những người Bih vùng sông nước. Hiện trong dân gian vẫn còn kể rằng, N’Trang Gưh dùng cái nỏ to nhất. Cái nỏ cao quá đầu người, mỗi một lần bắn phải dùng 3 mũi tên. Cái nỏ ấy sau khi N’Trang Gưh bị thực dân Pháp bắt, chúng đã thu luôn đên về toà sứ.
Sau đó, nghĩa quân lần lượt hạ tiếp các đồn khác của Pháp ở các buôn như Djiêng, Djou, Phity, Tinh…
Cuộc chiến đấu của đồng bào Bih kéo dài đến năm 1913, trong suốt 13 năm vùng cư trú của họ vẫn là khu vực bất khả xâm phạm, thực dân Pháp vẫn không thể bình định được. Do thế giặc quá mạnh, thủ lĩnh N’Trang Gưh đã kêu gọi nhân dân chuyển buôn vào rừng sâu, bất hợp tác với Pháp. Trên 250 gia đình người Bih đã di chuyển vào phía Tây, khu vực trung lưu của sông Sêrêpôk, họ mang theo của cải và hài cốt của tổ tiên vào những vùng sâu hơn cương quyết bất hợp tác với kẻ thù.
Năm 1914, N’Trang Gưh mất, các tài liệu đều nói rằng ông bị giặc Pháp bắt và sát hại, theo tài liệu điền dã của chúng tôi, các già làng ở buôn Trăp, buôn Cuah, Ea Rbine như: Ama Blun, Aduôn Luyết, Y Khiết Eạung đều kể lại rằng, N’Trang Gưh bị ốm và chết, hiện nay, mộ của ông nằm trên địa phận buôn Cuah, cách bờ sông Krông Knô khoảng 700m.
Hiện nay, người Bih cư trú ở các buôn: Buôn Trấp, buôn Khít, buôn Cuah (Choá Kpung), buôn M’blớt, buôn Tơ lơ, buôn Dur, buôn Kmăn, buôn cuê (Chuê Krang) thuộc huyện Krông Ana. Khi tiếp xúc với bà con trong buôn, cái nổi lên hàng đầu là vấn đề tự nhận tộc người. Theo lời của ông Y Păng Adrơng, một trong những già làng của vùng buôn Trăp thì “Tiếng nói của chúng tôi xấu lắm, nói người Ê đê họ cười cho”. Chính từ ý nghĩ này mà chỉ có một số ít đồng bào tự nhận là Bih (như ở buôn Trăp); một số tự nhận M’nông (như ở buôn Triêk - huyện Lăk) và một số tự nhận Ê đê như ở buôn Khit, buôn M’blớt, buôn Tơ lơ (huyện Krông Ana).
Một số ít người Bih, khi được học hành và tiếp xúc với bên ngoài đều trở thành những người có uy tín, giữ những chức vụ chủ chốt không chỉ với tộc Bih mà còn với các dân tộc khác như: Ông Y Bliêng (đã mất), nguyên Phó tỉnh Trưởng tỉnh Dăk Lăk, nguyên Chánh án Toà án phong tục thuộc chế độ cũ; ông Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Dăk Lăk, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Dăk Lăk; ông Phó Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Dăk Lăk, ông Phó Giám đốc Sở công an tỉnh Dăk Lăk, ông Y Tuic Niê (Ama H’de) già làng của buôn Păn lăm, thành phố Buôn Ma Thuột. Giảng viên Đại học Tây Nguyên… khi tiếp xúc với giới trí thức của tộc người này, hầu như họ cũng chỉ trả lời một cách chung chung: họ là người Ê đê?
Chúng tôi thử tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này thì thấy rằng, có thể do loạn lạc thời chiến tranh, sau khi thực dân Pháp thua nghĩa quân những trận tơi bời chúng đã huy động quân đến đàn áp nơi cư trú của người Bih, để trốn tránh sự truy lùng của thực dân Pháp, họ đã tạm lánh vào rừng sâu, giấu tên, họ…
Một nguyên nhân khác, có thể do sự tự ti về tiếng nói. Theo các nhà ngôn ngữ học thì tiếng nói của người Bih có nguồn gốc từ Nam đảo nhưng cổ hơn so với tiếng của người Ê đê nói chung. Kết quả thống kê 2200 từ vựng cơ bản thì thấy tiếng của người Bih giống 73% so với tiếng nói của tộc Kpă (nhóm tộc chính của dân tộc Ê đê), và tiếng nói của tộc Bih là tiếng của nhóm địa phương còn mang dấu ấn khá rõ nét của một ngôn ngữ đa tiết đang trong quá trình đơn tiết hoá.
Một nguyên nhân nữa theo chúng tôi có thể chưa chắc chắn, nhưng xin cứ nêu lên để rộng đường dư luận, đó là phải chăng tổ tiên ông bà họ là những người bị bệnh phong (?) (Bệnh cùi, gọi theo kiểu người miền Trung; Bệnh hủi, gọi theo người miền Bắc. Lần theo sử cũ, chúng tôi đến buôn Tuôr, theo sách của người Pháp ghi lại là, cách nay gần 100 năm nó nằm ngay bờ con sông Sêrêpôk, đầu cầu 14, có trên 30 nóc nhà, 3 con voi và gần 200 con trâu. Hiện nay buôn Tuôr này, chính tà buôn có tên trên bản đồ du lịch của tỉnh Dăk Lăk cách thành phố Buôn Ma Thuột 12 cây số. Theo lời giới thiệu của cụ Nguyễn Hữu Thấu, tôi đi tìm ông Y No, mục sư tin lành để hỏi về buôn Tuôr xưa, nhưng ông Y No đã không còn minh mẫn nữa. Còn những người dân hiện cư trú ở đây, khi được hỏi về tộc Bih, họ trả lời không biết (?). Chúng tôi đã hỏi về buôn Tuôr A và buôn Tuôr B nằm sâu phía trong, cách con lộ 14 khoảng 3-4 cây số theo đường chim bay, ngay bên cạnh trại phong Ea Na, thì họ cũng trả lời không biết và không có quan hệ gì (?). Chúng tôi cho rằng, có lẽ một số người của buôn Tuôr cũ do bị mắc bệnh phong đã đi chữa bệnh, sau khi khỏi, họ ở lại lập buôn mới và vẫn mang tên buôn cũ của mình. Hiện nay trong cuộc Bih có một buôn mang tên buôn Phung.
Khi đi tìm hiểu nghiên cứu văn hoá của người Bih, một câu hỏi lớn được đặt ra: vì sao, người Bih một tộc người có số dân không thua kém các dân tộc cùng cộng cư khác là Ê đê và Mnông đồng thời cũng như các dân tộc khác trong cùng khu vực, họ cũng chịu sự áp bức của đế quốc Pháp và Mỹ mà không bị đồng hoá, trái lại họ lại có thể chung sống hoà bình cùng người Ê đê, Mnông và vẫn bảo tồn bản sắc văn hoá riêng của mình? Lịch sử đã chứng minh vùng cư trú của người Bih, hàng trăm năm qua đều ở phía Nam của Buôn Ma Thuột, đó là khu vực đầm lầy, có sông, hồ chằng chịt, có hai con sông chi lưu của Sêrêpôk là Krông Ana và Krông Knô, có một hồ lớn là Hồ Lăk. Tổ tiên của họ đã phải tìm mọi cách để có thể thích nghi với môi trường tự nhiên như vậy. Từ rất sớm tộc Bih đã có sự giao lưu, tiếp xúc về nhiều mặt, giữa các tộc người cùng cư trú, mối giao lưu này có lẽ đã diễn ra một cách thanh bình như trong một đại gia đình, có thể chính điều này đã là nguồn gốc tạo nên hình tượng Băng Adrênh-một truyền thuyết về nguồn gốc các dòng họ của cả người Ê đê và người Bih. Huyền thoại này có nguồn gốc từ buôn Cuê Krang, xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana-một trong những nơi cư trú chính của người Bih. Các dòng họ này, trong quá trình chinh phục vùng đầm lầy đó đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần mà cho đến ngày nay nó vẫn được con cháu của người Bih gìn giữ, phát huy và phát triển như: làm ruộng nước, xây dựng những ngôi nhà cao cẳng và đi lại bằng thuyền, để có thể sống chung với lũ, đoàn kết các buôn với nhau dưới sự lãnh đạo của tù trưởng N’Trang Gưh để bảo vệ vùng cư trú của mình.
Như vậy, để nghiên cứu tộc Bih và văn hoá của họ, giúp họ làm sao vừa giữ vững bản sắc riêng, vừa năng động, thích nghi với môi trường mới, làm giàu thêm nền văn hoá của mình bằng chính sự tự thân vận động và giao thoa với văn hoá bên ngoài? Để làm được điều này, theo thiển nghĩ, vấn đề tiếp cận thực địa của nhà nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Ý thức giúp đỡ người nghiên cứu của cộng đồng tộc người là một nhân tố cần thiết để cá nhân các thành viên của cộng đồng có thể trình bày rành mạch những thực tế của nền văn hoá của dân tộc mình, đặc biệt là phải thuyết phục và tranh thủ sự giúp đỡ của các trí thức người Bih. Bênh cạnh đó cần phải giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, niềm tự hào của tộc người tới mỗi một thành viên trong cộng đồng thông qua sự giúp đỡ của già làng.
Chúng tôi xác định rằng, vấn đề giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá người Bih không phải là một sự dịch chuyển từ quá khứ đến hiện tại, cũng không phải là một bản sao mờ của quá khứ, mà nó phải hàm chứa những tố chất của ngày hôm nay được tiếp nối và phát triển lên từ ngày hôm qua, có như thế nét độc đáo của văn hoá người Bih mới làm cho kho tàng văn hoá của dân tộc Việt Nam phong phú thêm.
Nguồn: Xưa và nay, số 216, tháng 7/2004, trang 25
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét