Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Nhớ cái ngày 26/6/1974 sĩ tử chúng tôi đi thi... TÚ TÀI IBM

Nhớ cái ngày 26/6/1974 sĩ tử chúng tôi đi thi...
TÚ TÀI IBM
Kỳ thi tú tài (TT) niên khóa 1973-1974 có nhiều điều đáng nói. Đây là kỳ thi TT cuối cùng của “chế độ Sài Gòn” và là lần đầu tiên Bộ Giáo dục (BGD), dĩ nhiên cũng của “Sài Gòn”, dùng máy điện toán IBM (International Business Machines) chấm bài...
Mặc dù máy điện toán đã có khá lâu, khoảng 1924, nhưng ở miền Nam vào những năm 1970 thì còn hiếm, ngay cả mấy tiếng “máy điện toán, máy tính điện tử” cũng chưa được phổ thông. Và BGD cũng không có máy đó nên phải hợp đồng với một đơn vị quân đội Mỹ. Máy IBM dùng cho quân đội nên đặt trong căn cứ quân sự và chuyên viên điều hành là lính. Máy (nhìn hình) to như một chiếc tủ lớn, dây điện chằng chịt nối các máy với nhau.
Máy IBM chỉ chấm bài trắc nghiệm theo mẫu. Bài trắc nghiệm học sinh đã được làm thử trước, được dặn dùng loại bút nào, chọn đánh “X” , hay “khoanh” câu trả lời thế nào, nếu bỏ câu trả lời này, chọn câu kia thì làm thế nào cho hợp lệ. IBM đọc như “máy”, không thông cảm, du di. Bài nào không đúng kỹ thuật sẽ bị loại. Nha khảo thí đã dự liệu có trường hợp “vô tình hay cố ý” không hợp lệ, nên điều thêm một số giám khảo chấm “tay” những bài này. Dù có cả người và máy chấm, nhưng kỳ thi đó vẫn gọi là tú tài IBM.
...
"...Bảng trả lời được đặt từ Mỹ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230; điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy 534 (punching machine) để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ nầy (punched cards) được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình (mean), độ lệch tiêu chuẩn (standard deviation), chuyển điểm thô (raw score) ra điểm tiêu chuẩn (standard score), tính percentile và thứ hạng trúng tuyển. Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp khoa học của thống kê học, để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn”.
Đúng như thế, bằng TT IBM có ghi hạng trúng tuyển (thứ, bình thứ, bình, ưu...) và điểm từng môn thi.
...
Ngày trước ít có chuyện thi đậu 100%, kỳ thi Tú Tài IBM cũng thế. Ông Nguyễn Thanh Liêm, chánh thanh tra, thứ trưởng giáo dục đã ghi lại kết quả như sau: “Thí sinh ghi tên trong khóa 1, 1974 là 142.356, nhưng thật sự dự thi chỉ có 129.406. Trong số nầy có 53.868 thi đậu (41,6%). Tổng số thí sinh dự thi khóa II là 94.606, nhưng thật sự dự thi chỉ có 76.494. Trong số nầy có 8.607 thi đậu (11,3%). Số người thi đậu TT (tốt nghiệp trung học) nhiều hơn xưa nhiều lắm (hơn 45% cho cả hai khóa, so với khoảng 10% trong những thập niên trước). Kỳ thi quốc gia không còn có mục đích gạn lọc, loại bỏ như xưa nữa. Từ đó sẽ có nhiều người có cơ hội được học đại học, và nước nhà sẽ có nhiều người ở trong thành phần trí thức, trình độ dân trí sẽ được nâng cao”.
Người đậu TT thì có nhiều lựa chọn, nhưng kẻ rớt thì sao?
“Rớt tú tài anh đi trung sĩ”. Trừ nữ sinh và những người còn điều kiện tiếp tục học thi lại, những thanh niên thi rớt thì đa phần vào lính. Tình hình chiến sự từ 1970- 1975 vô cùng ác liệt, hàng triệu thanh niên, những người trong độ “tuổi tú tài” bị gọi vào quân đội. Có những người dù đậu nhưng cũng phải bỏ ngang việc học như những lời ca ngày ấy:
“Trả lại em yêu khung trời đại học,
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
...
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng,
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
...
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về (Trả lại em yêu - nhạc Phạm Duy).
“Tú tài” ngày trước 75 hơi ít, và càng về trước nữa, càng ít hơn, không phải vì nó cao xa, khó khăn gì mà vì lúc ấy trường trại còn thưa thớt. Thực, thì “tú tài” cũng chưa chuyên khoa. Tuy nhiên những lớp “tú tài” được gọi theo tiếng Pháp “bấc ôn , bấc đơ” (TT1, TT2) thì hiếm và oai lắm. Nhiều vị “tú tài” ngày ấy đã nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo của cả hai miền Nam, Bắc. Được vậy, một phần nhờ tài riêng, nhưng cũng nhờ giáo dục. Chính nhờ chỉ học chữ Pháp từ môn thể dục, vẽ đến văn toán mà họ thông thạo ngoại ngữ này. Họ nói tiếng Tây “như gió”, đọc sách Pháp dễ dàng nên tiếp cận được với những tư tưởng mới của thế giới. Họ dịch các sách Pháp ra chữ Việt. Họ có những đóng góp không nhỏ cho văn hóa nước nhà mà ảnh hưởng còn đến hôm nay.
“Tú tài” bây giờ thì quá nhiều, cũng thực tình thì các em có hơi “non” một tí, nhưng một mặt nào đấy, khoa học kỹ thuật, thì họ lại có ưu thế khác (hơn?) lớp cha chú ngày xưa. Đáng mừng. Và điều nầy cũng đương nhiên vì họ được hưởng những tiến bộ của khoa học. Với một chiếc máy tính, một iphone, người ta có thể chu du khắp thế giới, ngồi nhà mà biết tức thời kết quả bầu cử ở đâu đâu.
Kỳ TT IBM và các kỳ tú tài trước đó là “chuyện dĩ vãng” hay dở thì cũng đã rồi, BGD (cũ) không còn cơ hội nữa. Nhưng những người có trình độ tú tài” (dưới, bằng hoặc trên) thì vẫn còn.
Sau 1975, nhiều “anh em” làm chung với nhau trong một đơn vị, người ta thấy được kỹ năng, trình độ của những người “trong nầy”. Dù là “lính mới”, họ không ngỡ ngàng với xã hội mới, họ có thể tiếp thu, vận dụng. Nhờ đâu? - Chắc chắn nhờ Thầy, nhờ sự giáo dục có đặc tính dân tộc, nhân bản, khai phóng mà khi đi học họ nào có biết.
(Trích đoạn trong "TÚ TÀI IBM" của NGUYỄN VIỆT đăng trênhttp://boxitvn.blogspot.com/)
ThíchHiển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét