Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Ban Mê Thuột và tuổi thơ của tôi...

Ban Mê Thuột và tuổi thơ của tôi...
QUÂN Y VIỆN TĂNG CƯỜNG
* (Ảnh: Hiện nay là Bệnh Xá 48, không thay đổi nhiều so với QYV ngày xưa)
Năm 1972- Mùa Hè Đỏ Lửa. Chiến tranh khốc liệt. Tình hình chiến sự căng thẳng ở khắp mọi nơi. Bố tôi thường xuyên ở tại Quân Y Viện vì lệnh cấm trại đột xuất 100%.
Toàn bộ các nhà thuộc cư xá Độc Lập được lệnh đào hầm chìm. Trong lúc người lớn bấn lên với nhiều nỗi lo sợ thì chị em chúng tôi lại vui mừng vì căn hầm mới lạ đó. Thế là đồ chơi được đem xuống đó để chơi thỏa thích mà không sợ bị mẹ mắng vì ồn ào. Tuy vậy đêm đêm, nỗi ám ảnh về cuộc chiến Tết Mậu Thân lại ùa về trong trí nhớ tôi. Có hôm bố tôi trở về nhà vào sáng sớm, thay vội bộ quần áo khác, uống vội ly cà phê do mẹ tôi pha rồi quay trở lại Quân Y Viện. Nhìn qua cổng nhà Quang, bác Minh cũng vừa lái xe về tới. Gương mặt bác bơ phờ, mệt mỏi. Có thể bác đã thức trắng đêm sau những ca mổ liên tục vì số thương binh tải về quá nhiều. Bận rộn với công việc nên bố ít có thì giờ rảnh để dạy các chị em tôi học. Lúc này có bài gì khó tôi lại hỏi chị tôi. Chị học trên tôi một lớp, hiền, thông minh, thẳng tính và học rất giỏi. Chị tôi rất xứng đáng trong vai trò của người chị cả đối với bẩy người em. Sau đó thì hai chị em lại quay ra dạy các em học. Cùng dò bài cho em, dạy em làm toán, tập viết. Đã được rèn sẵn từ nhỏ nên những gì bố mẹ chỉ dạy hai chị em tôi dạy lại cho các em.
Cũng trong năm này, lần đầu tiên một vụ rớt máy bay Hàng Không Dân sự xảy ra cách thị xã hơn mười lăm cây số về hướng cầu Mười Bốn. Cả thị xã xôn xao, bàng hoàng. Những thi thể cháy đen không còn nguyên vẹn lần lượt được đưa về nhà xác của bệnh viện Dân Y. Bác sĩ Sơn là Giám đốc bệnh viện này vội gọi cho bố tôi để mượn tạm nhà xác bên Quân Y, vì nhà xác bên bác đã quá tải. Số thương gia tại Ban Mê Thuột chết trong chuyến máy bay này khá đông. Bác Văn (bạn của bố tôi) làm ở Cục Hàng Không Sài Gòn tức tốc bay lên để điều tra sự việc. Nghe bố tôi kể về xác người chỉ là nửa thân, hoặc chỉ có cánh tay hay cẳng chân rời rạc từng phần như thế, chẳng có người nào còn nguyên vẹn hình hài. Chưa hình dung như thế nào, hai chị em tôi liền xin bố cho đi xem. Bố gật đầu nhưng phải trốn sẵn trên xe Jeep. Bất ngờ mẹ tôi quay ra đóng cửa, không thấy bóng dáng hai chị em, sinh nghi mẹ bước tới xe Jeep. Thế là hai chị em tôi phải quay xuống, bỏ lỡ một cơ hội để được xem xác chết. Mẹ tôi sợ chị em tôi bị ám ảnh nên nhất quyết không cho đi. Đến trường, nghe các bạn kể chuyện về hai thầy chùa ở chùa Khải Đoan cũng bị chết trong chuyến bay này và đưa xác về chùa. Nhân có giờ nghỉ môn Công Dân Giáo Dục, tôi theo các bạn đi xuống chùa với hy vọng được nhìn thấy tận mắt xác người chết cháy. Nhưng rất tiếc là khi đến nơi thì chỉ nhìn thấy hai cái hòm, vì đã liệm xong rồi.
Chủ nhiệm lớp Bẩy Một của tôi là cô Chanh dạy môn Hóa. Dáng người cô cũng nhỏ nhắn với giọng Huế đặc. Năm đó, chẳng biết cô chịu tang ai mà chỉ mặc hai màu áo dài thay đổi là trắng và đen, áo màu gì thì cô đeo khăn tang dài màu đó. Bài vở của năm lớp Bẩy cũng nhiều. Nhưng lúc nào có bài khó quá tôi mới hỏi bố tôi khi chị tôi cũng đang bận làm bài. Có một lần bố gọi hai chị em tôi lên phòng khách và dặn dò rằng bố tôi sẽ rèn luyện cho hai chị em tôi là lớn trong nhà để mai sau hai chị em tôi thay bố mẹ dạy dỗ các em. Rằng đừng bao giờ dựa vào chức tước của bố tôi có trong tay mà hống hách hay kiêu ngạo với mọi người. Rằng chức tước chỉ là nhất thời, bằng cấp mới có giá trị lâu dài và bố tôi vẫn đặt vấn đề học hành của các chị em tôi lên hàng đầu. Bố tôi đã nhìn và nhìn rất xa.
Lại có một thay đổi thú vị với chị em tôi khi bố tôi nhận khám bệnh cho các nhân viên của đồn điền CHPI tại cây số Ba, thay thế bác sĩ Tôn Thất Niệm (sau này tôi mới biết là bác của Diệm). Chủ đồn điền là một ông người Pháp, lấy vợ Việt Nam. Mọi nhân viên làm ở đó quen gọi là ông chủ, bà chủ. Riêng bố tôi vẫn gọi ông ta bằng tên. Mỗi tuần bố tôi chỉ làm việc tại đây vài giờ. Ông ta dành cho bố tôi căn nhà đối diện với Bưu điện BMT nằm trên đường Độc Lập. Căn nhà gỗ khang trang với những ngọn đèn được thiết kế theo kiểu Tây rất đẹp. Tầng trên để ở và tầng dưới bố tôi làm phòng mạch khám bệnh. Mẹ tôi không thích dọn ra ở luôn đây nên xem như là chỗ nghỉ của gia đình vào cuối tuần. Phòng mạch của bố tối bệnh nhân đa số là người Thượng nghèo, nên bố tôi khám bệnh miễn phí là chính yếu. Những thuốc quảng cáo từ các dược phòng gửi đến, bố tôi cho lại các bệnh nhân nghèo. Thường thì chị em tôi đi học có xe đưa đón đến trường. Từ khi có phòng mạch của bố, thỉnh thoảng tôi xin bố đi bộ từ trường về và thích thú khi được nhìn cảnh vật trên đoạn đường về. Khu đất bao quanh phòng mạch quá rộng. Mẹ tôi cho trồng cây ăn trái và bắp. Phía trước là cả một vườn hoa rực rỡ, đặc biệt là những cây hoa vạn thọ, hoa to bằng cái bát ăn cơm. Nhiều hoa đến độ chị em tôi hái hoa đó chơi đá cầu, khi hoa bầm dập nát tươm thì lại hái hoa khác. Giờ ngồi nghĩ lại tôi cũng thấy phí phạm thật. Rồi gà chẳng biết từ đâu đến đẻ trứng trong vườn nhà này. Chị tôi liền lấy trứng trộn với đường và đánh lên rồi đặt nóng chảo với ít dầu ăn, chị tôi đổ trứng vào và tráng mỏng ra. Cho ra đĩa, chị gọi các em đến ăn và gọi là bánh crêpe (bắt chước mẹ tôi làm, nhưng không phải làm như vậy).
Lúc nào công việc trong tuần bận rộn, căng thẳng thì chủ nhật đó bố tôi thường cho các chị em tôi theo bố ra phi trường Phụng Dực chơi để hít thở không khí trong lành và khoảng không gian yên tĩnh. Theo lời mẹ tôi kể thì ông ngoại tôi đã đứng ra trông coi toán thợ xây cất phi trường này đầu tiên khi còn là bãi đất trống ... Có một lần, vừa ra đến phi trường tôi thấy máy bay cất cánh và đáp xuống liên tục. Xe cứu thương nhiều vô kể. Hóa ra là máy bay chở quan tài phủ quốc kỳ của những người lính đã chết trận. Có chiến tranh là có mất mát. Lúc đó gương mặt bố tôi buồn hẳn. Trên đường về nhà, bố tôi nhắc với các chị em tôi rằng đếm bao nhiêu quan tài thì có chừng ấy gia đình đau khổ. Bố tôi mồ côi mẹ từ năm lên mười nên cảm thông sâu sắc với những gia đình có người thân mất, cho dù không quen biết.
Lên lớp Tám, cô Bê cũng người Huế chủ nhiệm lớp tôi. Năm này có môn thuyết trình về đề tài văn học theo từng tổ, cũng khá thú vị. Giờ ra chơi tôi cùng bạn bè trong tổ chia phiên nhau mỗi người chọn một phần để lên nói. Tuần lễ đó tha hồ mà ngồi đọc quyển truyện để viết cho phần mở bài, thân bài và kết luận. Giờ nữ công do cô Đào Nguyên (là má của Phương Ngọc) dạy từ năm lớp Sáu, nhưng đến năm lớp Tám tôi mới thích vì cô bắt đầu dạy đan len, may quần áo, thêu khăn tay. Cô dạy tại lớp nhưng rồi về nhà tôi vẫn nhờ mẹ chỉ lại. Hai chị em tôi lúc này đã bắt đầu phụ giúp mẹ khi mẹ nấu cơm. Mẹ tôi dạy cho nấu những món thông thường và dễ làm.
Thế đấy, tuổi thơ của chị em tôi trôi qua thật êm đềm trong vòng tay yêu thương và những điều giáo huấn khá nghiêm khắc của bố mẹ tôi. Sau năm 1975, bố tôi còn làm việc tại bệnh viện Tỉnh (trước là Quân Y Viện)được hai năm nữa rồi đi học tập. Một mình mẹ tôi ở nhà tần tảo nuôi các chị em tôi. Mẹ tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa là người bạn lớn của các con khi đã đến tuổi trưởng thành. Vượt qua biết bao nhiêu thử thách, cam go, mẹ tôi vẫn vững tay chèo, lèo lái đưa các chị em tôi đến bến bờ: Ăn học nên người...
...
( Trích đoạn "BAN MÊ THUỘT VÀ TUỔI THƠ CỦA TÔI" của NGUYỄN VŨ TRÂM ANH đăng trên http://www.ninh-hoa.com/TramAnh-BMTVaTuoiThoCuaToi-3.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét