Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

HUYỀN THOẠI AKO DHONG

Buôn làng trong phố Ban Mê ...
HUYỀN THOẠI AKO DHONG
Bây giờ thì cả TP Buôn Ma Thuột lẫn Ako Dhong đều đã khác xưa lắm rồi, nhưng Ama H’rin vẫn nhớ khoảng năm 1955, khi ông còn là một chàng trai Ê Đê tay cầm giáo, vai khoác cung tên dẫn vợ con rời bỏ thảo nguyên M’Drak đi tìm miền đất hứa. Sau những ngày ròng rã vượt qua các đồng cỏ tranh nóng ẩm đầy hổ dữ, những cánh rừng rậm rịt dấu chân voi, họ đặt chân đến vùng ven TP Buôn Ma Thuột mà lúc ấy còn là một thị xã nhỏ bé lúp xúp mái tranh lọt thỏm giữa rừng già. Nơi họ dừng chân tìm nguồn nước uống chính là buôn làng Ako Dhong bây giờ.
Tuy còn khác xa ngôi làng dân tộc văn hóa, xinh đẹp, sung túc hàng đầu Tây nguyên hiện nay, nhưng Ako Dhong thuở ban sơ ấy đã có gì đó quyến rũ Ama H’rin. Tên buôn này hiểu theo nghĩa tiếng Việt là ngôi làng nằm ở đầu thung lũng. Và lọt thỏm trong 40 mẫu đất vuông vắn là những dãy nhà sàn người Ê Đê ẩn khuất dưới tán cây xanh mát rượi bên bờ hồ lớn. Ngay từ những năm giữa thế kỷ 20 ấy, Ako Dhong đã là ngôi làng Ê Đê đầu tiên có bể nước sạch, nhà vệ sinh và lớp học văn hóa lẫn nữ công gia chánh do các vị nữ thiện nguyện đến từ nước Ý, Pháp giảng dạy.
Lạ lẫm, tò mò và quyến rũ, Ama H’rin cắm mũi giáo xuống đất, hạ bao cung tên xin gia nhập buôn làng. Sau đó, chính chàng trai Ê Đê này đã quay ngược trở lại miền thảo nguyên M’Drak thuyết phục đồng bào mình về buôn làng mới. Tuy còn trẻ nhưng Ama H’rin lúc ấy đã nhanh chóng trở thành biểu tượng tảng đá lớn, cây cổ thụ sừng sững ở làng để người dân tin theo.
...
Ngay từ những năm 1960, Ako Dhong đã trở thành một buôn làng kiểu mẫu và sung túc của Tây nguyên. Các đoàn khách chính phủ Sài Gòn và quốc tế khi lên thăm Tây nguyên đều sắp xếp ghé thăm ngôi làng người dân tộc độc đáo này. Những lúc ấy già làng trẻ tuổi Ama H’rin tự tin trò chuyện rõ ràng bằng cả tiếng dân tộc mình lẫn tiếng Việt và Pháp nếu cần.
Giữ gìn truyền thống của dân tộc Ê Đê và tiếp thu thêm lối sống văn minh của người Pháp, Ama H’rin tổ chức buôn làng của mình khác nhiều nơi khác. Sự sạch sẽ có thể nhìn thấy từ những đường làng đến các nhà sàn. Gia súc có chỗ nuôi nhốt, không còn thả rông, phóng uế. Nước sạch được sử dụng đến từng nhà. Cây cối cũng phát quang, thoáng đãng. Mọi người đều ngủ trong màn.
Từ rất sớm, người dân buôn làng A’ko Hdông đã giảm thiểu được bệnh sốt rét, một căn bệnh bao đời ám ảnh người Tây nguyên.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất của Ama H’rin chính là việc tổ chức kinh tế ở buôn làng. 40 mẫu đất được thống nhất canh tác thành một đồn điền cà phê Ako Dhong. Với 40 gia đình người Ê Đê, cách tổ chức lao động của Ama H’rin cũng rất độc đáo.
Ông để mọi người cùng làm và cùng hưởng thành quả mình làm ra. Gia đình nào có người ốm đau, không làm được thì gia đình khác làm thay và sau đó sẽ được trả công lại. Đến vụ mùa thu hoạch, sản phẩm cà phê được Ama H’rin công khai phân chia công bằng theo sự nhiệt tình đóng góp lao động của từng nhà.
Từ cách tổ chức lao động và cuộc sống chan hòa như vậy, 40 gia đình Ê Đê của Ako Dhong xem nhau như anh em một nhà, rất hiếm khi có sự bất hòa, to tiếng trong buôn làng này.
Không chỉ siêng năng sản xuất, Ama H’rin còn chủ động đi tìm đầu ra cho sản phẩm cà phê của buôn. Với khả năng ngôn ngữ và sự thông minh, ông giao dịch thẳng với các nhà buôn người Pháp, người Hoa để tránh tình trạng bị các thương lái nhỏ ép giá.
Cuộc sống sung túc, Ako Dhong còn là một buôn làng người dân tộc sớm có nhiều người biết chữ ở Tây nguyên...
...
(Trích theo "Huyền Thoại Ama H’rin, Già Làng" của Quốc Việt đăng trên báo Tuổi Trẻ)
ThíchHiển thị thêm cảm xúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét