Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

“VƯỜN MÍT, CÁNH ĐỒNG CÔ HẦU”

Chuyện xứ Thượng...
“VƯỜN MÍT, CÁNH ĐỒNG CÔ HẦU”
Bà Ya Đố là điển hình cho những người con gái Ba Na ở Tây Nguyên tham gia phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Mối tình của bà với Nguyễn Nhạc chính là biểu tượng của tình đoàn kết Kinh - Thượng trong cuộc đấu tranh lật đổ chúa Nguyễn Đàng Trong đang ở thời kỳ thối nát lúc bấy giờ...
Cùng với dân làng tìm đất khai hoang trong nhiều tháng, Ya Đố đã lập nên một cánh đồng hơn 20 mẫu bằng phẳng và đất đai màu mỡ ở xã Nghĩa An để trồng lúa nuôi quân. Người dân trong vùng gọi đó là cánh đồng Cô Hầu. Tại đây, Ya Đố còn cho trồng cam, mít mà bà lấy giống từ miền xuôi lên.
Trong thời gian ở với Nguyễn Nhạc, bà Ya Đố đã có mấy lần xuống miền xuôi lấy giống cam, chanh về trồng khắp làng mình. Tương truyền vườn cam ở Kon Hà Nừng (huyện K’Bang) có từ thời bấy giờ. Còn rừng mít ở trong dãy núi Kon Chơ Ví (xã Nghĩa An) cũng do bà Ya Đố trồng và đến nay ở đây vẫn còn nhiều cây mít cổ thụ.
Sau khi lên ngôi, Nguyễn Nhạc đã sai quân lên đón bà Ya Đố về Quy Nhơn nhưng bà không thích về sống ở chốn phồn hoa đô hội mà ở lại với người dân Ba Na và sau đó mất tại đây.
Tương truyền ngọn núi Tơ Gu cao nhất trong vùng ở huyện K’Bang là nơi an nghỉ cuối cùng của bà Ya Đố. Đứng trên đỉnh núi này, bà Ya Đố có thể trông xuống Quy Nhơn, nơi Nguyễn Nhạc đóng đô.
Dân gian còn kể trong buổi lễ đưa tang bà, cả vùng núi đông chật người, voi, ngựa và tiếng cồng chiêng vang rền như sấm.
Trong tâm thức của đồng bào Ba Na ở đây, Ya Đố là nữ thần trong các chuyện kể, sử thi Ba Na. Trong buổi lễ hội lớn của một số Plei (làng) ở huyện K’Bang, cùng với tiếng cồng chiêng vang dội thì trong lời khấn của già làng thường có câu:
“Ơ thần núi, thần sông,
Ơ ông Bok Teng,
Ơ bà Ya Đố,
Lũ làng xin mời về...”.
(Nguồn Báo Gia Lai)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét