Với Đà Lạt... ai cũng là lữ khách...
VẺ ĐẸP MA MỊ CỦA TU VIỆN BỎ HOANG
* Hồng Hạnh
* Hồng Hạnh
Một ngày nào đó, trong cơn thèm muốn “đi trốn loài người”, tôi chỉ ao ước được chạy ù lên một ngọn đồi... một mình.
Sẽ là một sự sung sướng đến vô tận, nếu đó là một ngọn đồi hoang, vây quanh là um tùm cỏ dại và những hàng thông xanh mướt. Đi qua những con dốc quanh co, vắng lặng, rồi bất chợt bàn chân khựng lại trước một không gian kiến trúc đậm chất Gothic thời Trung cổ. Ồ, trước mắt tôi là một tu viện! Và nó bị bỏ hoang.
Ai từng có những trải nghiệm nổi da gà khi một mình lang thang qua những khối nhà đồ sộ hoang phế từ nhiều thập niên trước, vào một buổi chiều bảng lảng hơi sương của phố núi Đà Lạt, sẽ cảm được hết cái vẻ đẹp ma mị đến rùng mình của một di tích xưa cũ, bị bỏ quên trên một ngọn đồi ít người lui tới. Như tôi của buổi chiều hôm đó...
Tu viện có lối kiến trúc mang nặng tinh thần khắc kỷ và tôn chỉ thừa sai của hội dòng có tên Franciscaines (tức nhánh nữ của dòng Francisco). Gọi một cách đầy đủ thì phải là tu viện Franciscaines Missionnaires de Marie, chuyển ngữ sang tiếng Việt là nhà dòng nữ Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ.
Một cái tên vô cùng nữ tính, gợi nhớ những nữ tu đồng trinh mặc áo dòng tuyền một màu đen viền trắng, phủ lấp gần như trọn vẹn cơ thể đàn bà, không chừa một mi li mét thịt da nào ra ngoài ánh sáng. Họ đã đến, và đi, bỏ lại ngôi nhà nguyện nơi đã từng thắp lên những ngọn nến rất ấm.
Chưa bao giờ tôi thấy một tu viện nào cũ kỹ và mang trong lòng mình nhiều bí mật đến thế. Nằm lọt thỏm giữa cái cô tịch quạnh quẽ của không gian xung quanh, ngôi nhà nguyện dường như vẫn còn vẹn nguyên những bức tường đá chẻ, màu thời gian đã phủ lên đó vài tầng rêu ẩm ướt xanh rì.
Đâu đó từ những kẽ nứt, mọc lên những tai nấm dại sau một cơn mưa ngai ngái mùi đất mốc meo. Men theo dãy hành lang âm âm u u, tôi bắt gặp những vòm cổng gỗ với lớp sơn đã bong tróc lâu ngày phủ đầy bụi.
Chả hiểu sao, tôi luôn đặc biệt để tâm đến những cánh cửa trầm mặc và quanh năm im ỉm khóa như thế này. Cảm giác nếu mở được cánh cửa ấy ra, thì sau tiếng kẽo kẹt khô khốc là biết bao bí mật chờ bàn tay người lật lên, bóc tách tầng tầng lớp lớp những lai lịch ẩn giấu qua thời gian.
Những câu chuyện kỳ bí bên trong ngôi nhà nguyện này cũng là một điều rất đáng để tò mò. Người dân địa phương kể lại, rằng nơi đây trước là nhà dòng, sau đó trở thành Khách sạn Lâm Viên, rồi Trường chuyên Thăng Long, sau chuyển thành Trường trung học Trần Phú.
Đến bây giờ, nơi đây thuộc sự quản lý của Đại học Kiến trúc TP.HCM - cơ sở Đà Lạt, nhưng trường chưa sửa chữa và đưa vào sử dụng. Và nơi này gần như bị bỏ quên, như những lớp bụi bao phủ khắp mọi ngóc ngách tu viện đã lâu không có bàn tay người lau dọn.
Rồi câu chuyện một thiếu nữ mặc váy cưới gieo mình tại đây vì bị gia đình cấm cản hôn sự cũng khiến nhiều người rờn rợn, không dám lui tới ngọn đồi u buồn này nữa. Những bó hoa tươi vẫn đều đặn đặt dưới chân tượng Đức Mẹ mỗi ngày, nhưng không ai nán lại nơi này quá lâu.
Vẻ âm u tĩnh mịch ngày càng phủ dày đặc khuôn viên tu viện, nhưng dường như càng hoang phế thì tu viện càng đẹp cái vẻ đẹp cô liêu đến rùng mình. Ở từng khung hình, tu viện Franciscaines hiện lên như một chứng tích sống động và đẹp đẽ như bất cứ một kiến trúc cổ kính nào ở tít tận trời Âu.
Tôi đã có một buổi chiều như thế, một mình, giữa một tu viện bỏ hoang ở phố núi Đà Lạt, mang trong lòng ước mong được nhìn thấy một ca đoàn gồm những nữ tu hát trên môi những bài thánh ca. Và ở một góc nhỏ cạnh đó, một bà xơ trung tuổi lặng lẽ ngồi trước cây đàn dương cầm đen bóng, thong thả lướt những ngón tay trắng nuột lên bàn phím, và từ đó bật ra những thanh âm trong trẻo tan vào trời chiều.
Nhưng hôm ấy, tôi đã không gặp một bà xơ nào cả, chỉ có tiếng thông reo ngơ ngác giữa đồi hoang.
Hồng Hạnh
*Trích trên nguồn http://phunuonline.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét