Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

DẤU TÍCH CƯ DÂN CỔ TRƯỚC NGƯỜI MẠ

Blao theo dòng lịch sử...
DẤU TÍCH CƯ DÂN CỔ TRƯỚC NGƯỜI MẠ
Đứng trên đỉnh Spung nhìn về, ta khó mà tưởng tượng được từ mấy ngàn năm trước, đã có con người sinh sống, tồn tại giữa vùng đồi núi đại ngàn, mà mới ít chục năm về trước, cây rừng còn phủ khắp, đường đi, lối lại còn lẩn khuất giữa các cánh rừng già, dây leo chằng chịt đan kín, không cho ánh mặt trời chiếu xuống đất, là vùng đất của cọp gầm, vượn hú và sốt rét kinh niên hoành hành dai dẳng.
Vậy mà, những con người của rừng ấy, đã có đời sống tinh thần phát triển, có sự giao lưu với các tộc người lân cận và có khi còn vượt ra khỏi vùng rừng núi hiểm trở này nữa, mà một số dấu tích còn lưu lại đến ngày nay.
Dấu xưa còn lại
Năm 1983 một di chỉ mộ táng được khai quật ở ven suối Đạ Brlan, mà người địa phương gọi là suối lớn, các nhà khảo cổ gọi là Đại Làng, nằm trên địa giới giữa phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Vùng đất này vốn thuộc rừng du canh của buôn B’Su Mrăc, nhưng già làng buôn này cho rằng đó không phải đồi ma của buôn họ, mà đã có từ thời xưa rồi.
Hiện vật khai quật được có đồ gốm, đồ sành, đồ kim khí và đồ trang sức. Các nhà khảo cổ cho rằng, khu mộ táng này có niên đại khoảng thế kỷ XVII. Các hiện vật đồ gốm, đồ sành sứ phát hiện được có nguồn gốc từ nhiều nơi: Thái Lan, Trung Quốc, Chăm Pa, Việt Nam, chứng tỏ cư dân bản địa có sự giao thương rộng rãi với bên ngoài.
Dựa vào hiện vật tùy táng, cách thức mai táng, kiểu dáng gò mộ của di chỉ có thể thấy, chủ nhân của các ngôi mộ là một trong các tộc người, mà hậu duệ của họ hiện còn sinh sống trên cao nguyên, tộc người đó không thể có ai khác hơn người Mạ. Họ chính là những người đã cư trú trong vùng cả ngàn năm nay và vẫn còn một số phong tục còn bảo lưu đến bây giờ như tục chia của cho người chết, tục chôn người chết thành nhiều lớp.
Như vậy, vào thời kỳ của di chỉ Đại Làng, trên vùng trung lưu sông Đồng Nai đang hiện diện một trung tâm văn hóa, phát triển trên nền của văn hóa bản địa, được các nhà khảo cổ gọi là nền văn hóa sông Đồng Nai, phải chăng đó chính là nền văn hóa đặc trưng của người Mạ, cư dân bản địa trên đất Blao. Các nhà khảo cổ còn cho rằng phạm vi ảnh hưởng của Đại Làng lan xuống cả vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Năm 1993, khu mộ táng Đại Lào, ở phía nam thành phố Bảo Lộc, được khai quật. Di chỉ này vốn là đồi ma cũ của buôn Blao, thuộc vùng rừng du canh của buôn Blao S’re, nhưng theo những người già của buôn này, họ không thấy người buôn họ chôn người chết ở đấy bao giờ, có lẽ đồi ma này đã bỏ hoang từ lâu.
Di chỉ có nhiều hiện vật bằng đồng, chủ yếu là đồ trang sức, hiện vật bằng sắt có vũ khí, công cụ sản xuất, đặc biệt, hiện vật bằng gốm có số lượng lớn được sản xuất ở nhiều nơi khác nhau và có cả hiện vật bằng gốm thô sản xuất tại địa phương.
Di chỉ Đại Lào có niên đại từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX càng khẳng định về sự hiện hữu của nền văn hóa bản địa, mà trước đó, từ nền văn hóa này đã hình thành một vương quốc mà một số nhà sử học gọi là vương quốc Mạ.
Nhưng có lẽ, vương quốc Mạ chỉ tồn tại dưới dạng cộng đồng cư dân, chịu sự hướng dẫn của những ông thầy cúng, các bơju có uy tín lớn trong vùng, không phải dưới dạng một triều đình dù còn sơ khai chăng nữa. Vì cho đến khi người Kinh đặt chân lên đất Blao, sinh hoạt của người Mạ còn dưới dạng các công xã thị tộc nguyên thủy, chỉ có đơn vị buôn là cao nhất, người Mạ chưa có ý thức về quốc gia, với họ buôn là nước rồi.
Tuy người Mạ có ý thức về sự thống nhất của dân tộc mình, họ có thể hình thành liên minh một số buôn với nhau để chống lại người Khmer, người Brum hay các dân tộc khác trên cao nguyên đến tấn công họ, nhưng các chiến binh chỉ chịu sự điều khiển của già làng buôn mình và sau cuộc chiến, người ở buôn nào lại về buôn ấy. Các già làng cũng ít ảnh hưởng đến nhau và mối liên kết tộc người của họ chính là tập quán kết nghĩa giữa buôn này với buôn khác hay giữa các cá nhân trong các buôn với nhau, mối quan hệ giữa các buôn là bình đẳng, không có quan hệ trên dưới, vua tôi, nên một vương quốc kiểu như nhà nước Chăm Pa, Chân Lạp là điều không thể có.
Nhưng trước đó, có những nhóm cư dân nào đã sống trên đất Blao.
Cho đến ngày nay, trên vùng đất Blao xưa, các nhà khảo cổ chưa tìm được dấu vết của những nơi có người cổ cư trú. Trên quá trình du canh, du cư, người Mạ bản địa thỉnh thoảng nhặt được những công cụ bằng đá, mà họ cho là có nguồn gốc từ trời.
Ông K’Xả, một người lớn tuổi, thuộc dòng tộc trưởng ở buôn Blao S’re kể: Ngày xa xưa, khi buôn mới dời đến phát rẫy ven suối Đạ L’nghịt, ông K’Brịp nhặt được một cái cuốc đá. Mọi người bảo ông ấy đem vào cúng chỗ thờ Giàng nhưng K’Brịp không nghe, đem ra dùng làm đá mài xà gạc. Chưa đến mùa suốt lúa, ông K’Brịp đi tìm rau trên núi bị ngã xuống vực đá chết. Ông bơju cho là ông K’Brịp bị Giàng phạt, không tôn trọng vật dụng từ trời, nên gia đình ông ấy phải kiêng một mùa rẫy. Từ đó, khi gặp những đồ đá ấy, mọi người trong buôn thường tránh đi, giả như không thấy. Nếu ai lỡ nhặt lên, để tránh bị Giàng phạt, phải bỏ mảnh rẫy tìm thấy đồ đá ấy, không được trồng cấy gì.
Quan sát các công cụ lao động bằng đá, đã khai quật được tại Lâm Đồng và vùng Blao xưa, dễ nhận thấy chúng được làm bằng nguyên liệu tại chỗ, kỹ thuật chế tác đá khá tinh xảo, ở hậu kỳ đồ đá mới, niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm.
Ở huyện Cát Tiên, bộ hiện vật di chỉ Phù Mỹ chứng tỏ đời sống cư dân cổ đất Blao đã phát triển khá cao. Họ biết làm gốm, xe chỉ, biết đúc đồng đỏ, biết đúc rìu đồng có hoa văn để phục vụ nhu cầu thẩm mỹ hoặc tín ngưỡng, di chỉ này có tuổi khoảng 2500 năm về trước, là giai đoạn chuyển tiếp từ thời đồ đá sang đồ đồng.
Khi nhu cầu vật chất đã tạm được thỏa mãn, khi đó nhu cầu tinh thần phát sinh, người xưa trên đất Blao đã biết chế tác đá thành nhạc cụ, biết chế tác các loại đá kêu thành đàn đá, mà người Mạ bản địa gọi là lú gông – cồng đá. Năm 1979, tại buôn B’Dơr, xã Lộc Bắc, đã phát hiện bộ đàn đá Blao có niên đại khoảng 3500 trước ngày nay. Chứng tỏ rằng cách đây hơn 3000 năm, vùng đất Blao, cư dân đã có đời sống kinh tế - xã hội tương đối phát triển, đã đủ ăn, không còn bị cái đói đe dọa thường trực nữa, từ đó đời sống tinh thần mới phát triển phong phú để có thể chế tác, sở hữu những thanh đàn đá ấy.
Như vậy, những ngày xa xưa, đã có một tộc người sinh sống trên vùng Blao, có thể họ là tổ tiên của những người Mạ hiện nay, nhưng điều này cũng cần kiểm chứng lại, vì có người cho rằng, người Mạ gốc phía bắc sông Tiền lên đến vùng Bà Rịa, Xuân Lộc, Đồng Nai và Lâm Đồng. Khi Phù Nam lập quốc, một bộ phận người Mạ mới rút lên cao nguyên dọc theo sông Đồng Nai và các chi lưu của nó, nơi đã có các bộ tộc đồng chủng với họ cư trú từ trước.
Như thế người Mạ có thể có mặt ở Blao khoảng đầu công nguyên, còn những cư dân trước đó là ai, họ đã đi đâu, hậu duệ của họ bây giờ còn không, nếu còn, có phải chính là người Mạ trên đất Blao hiện nay không? Vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Ghi chép: NINH THẾ HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét