Xứ Buồn Muôn Thuở... Nhà máy đèn ngày xưa bây giờ đã khác xa...
BAN MÊ THUỘT, ĐÔI ĐIỀU THƯƠNG NHỚ
*Phương Đình
...
*Phương Đình
...
Để phát triển, nhiều khi người ta phải chấp nhận đánh đổi một cái gì đó quý giá vô cùng - đó không hẳn là di tích, danh thắng được xếp hạng, công nhận… mà đơn giản chỉ là hình ảnh gần gũi và thân thương trong tâm tưởng bao người. Tuy vậy, cho dù dưới hình thức “đánh đổi” nào đi nữa thì cái vĩnh viễn không còn vẫn cứ làm cho ta nhớ nhớ…
1. Buôn trong phố BMT đã từng là nét kiến trúc đặc sắc và độc đáo ở đô thị vùng sơn nguyên này. Những ai từng đến đây đều ghé thăm Akô Dhông, Dhăp rông, Păn Lăm, Kô Siêr, Ea Nao, Buôn Bông… rồi mê mẩn với không gian sống thanh bình và yên ả của đồng bào dân tộc tại chỗ nơi đây. Còn giờ đây thì thế nào, nét kiến trúc kia có còn không? ... Tôi thú thật: Buôn trong phố bây giờ đang lần lượt bị thu hẹp rồi mất đi vì nhiều lý do: hoặc là bị “cơn lốc” đô thị hóa lấn lướt, hoặc là bị chính chủ nhân của nó “bất đắc dĩ” xa rời… Chuyện tưởng chừng đã cũ, nhưng mỗi khi ai đó có dịp đến tham quan các buôn làng trên đều không khỏi tiếc nuối, ngậm ngùi…
...
...
Theo quan sát của nhiều người, chỉ trong vòng 10-15 năm qua, trên địa bàn Buôn Ma Thuột đã có ít nhất 3-4 buôn làng “biến mất”. Buôn Kô Siêr, Păn Lăm, Dhắp rông, Buôn Bông… hầu như chỉ còn lại là cái tên trong ký ức mà thôi. Ông Ama Khoanh - buôn phó buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) bức bối rằng, bất kỳ ai vào thăm buôn này đều nhận thấy không gian truyền thống xưa bị phá vỡ bởi những ngôi nhà bê tông cao tầng và hiện đại mặc dầu xây dựng phía sau những ngôi nhà sàn cổ kính, nhưng không thể giấu được sự nặng nề, lạc lõng trong không gian yên bình, luôn gắn bó với rừng, với bến nước như xưa. Còn Amí H’Nưm ở Buôn Ea Nao (xã Ea Tu) tiếc nuối: chỉ cách đây vài năm, những ngôi nhà dài ở đây vẫn còn khá nhiều và được bà con giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Xung quanh những ngôi nhà truyền thống ấy là rẫy vườn, cây cối tươi tốt quanh năm, nên ai cũng bảo cái buôn này thật đẹp, thật nguyên sơ. Vậy mà bây giờ, nhà xây mái bằng mọc lên san sát trên những khu vườn bị băm nhỏ và không còn những khoảng xanh mênh mông thiên nhiên như trước, làm nhiều người lầm tưởng đó là những dãy phố hiện đại chẳng khác gì ở trung tâm thành phố. Tương tự, Buôn Jù (xã Hòa Thuận) cũng đang “đuối sức” trong việc gìn giữ, bảo tồn buôn làng truyền thống của cha ông... Theo đó, vườn rẫy cũng được chia năm, xẻ bảy cho con cháu và anh em để chăn nuôi, hoặc làm trang trại… vì thế mạch sống và nhịp điệu sinh hoạt trong buôn đã khác trước đi rất nhiều. Và cũng chính sự “lạc nhịp” này là nơi bắt đầu cho sự biến dạng, rồi biến mất của nhiều buôn trong phố hiện nay.
2. Cũng trong dịp Lễ hội Cà phê BMT năm nay, anh Tiến Thành (TP. Nha Trang-Khánh Hòa) lên chơi và cứ khúc mắc hỏi tôi: Sao lại đập bỏ Nhà đèn BMT vậy, trong đó đáng tiếc nhất là tháp còi tầm đã từng in sâu trong ký ức của bao thế hệ từng gắn bó với đô thị này ? Tôi không lý giải được điều đó, chỉ chia sẻ với anh bạn: đập bỏ để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Có nghĩa rằng công trình có tuổi đời hơn 80 năm và cũng là công trình duy nhất mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, đồng thời là hình ảnh đại diện tiêu biểu cho ngành công nghiệp phương Tây có mặt sớm nhất trên cao nguyên này vào những thập niên 40 của thế kỷ trước đã không còn phù hợp nữa, nên người ta mới làm thế…
Nói vậy, nhưng xót xa lắm. Việc đập bỏ công trình này của Công ty Điện lực Dak Lak, với tôi diễn ra bất ngờ và nhanh chóng quá, cho nên không kịp nghĩ đến chuyện ghi lại thật nhiều tấm hình để sau này còn cần đến. Bởi vậy, khi thấy Nhà đèn cùng tiếng còi tầm vang lên mỗi ngày không còn, nhiều người nhờ tôi sưu tầm hộ, nhưng cố công đi tìm và hỏi ra thì chẳng mấy ai còn. May thay, trong Triển lãm “Buôn Ma Thuột-110 năm hình thành và phát triển” … có tấm hình Nhà đèn BMT nên anh bạn tôi cũng như nhiều người đến chụp lại mang về làm kỷ niệm với niềm trắc ẩn rằng: công trình ấy là một phần lịch sử của đô thị này, một khi nó không còn nữa thì có nghĩa đó là sự khuyết thiếu đáng lưu tâm trong hành trình đi lên của BMT. Trong câu chuyện này, họa sĩ Lê Vấn (Chi hội Mỹ thuật Dak Lak) không khỏi ưu tư: ... cho dù Nhà đèn BMT chưa được công nhận là di tích lịch sử, nhưng nó có vị trí xứng đáng ở đô thị này - và hơn thế tiếng còi tầm ở đây gióng giả hụ lên mỗi ngày bốn lượt đã trở nên quen thuộc và thân thiết với mọi người.
Nay những hình ảnh trên đã mờ xa, mất đi khiến không ít người thương nhớ. ...
Phương Đình
*Tham khảo thêm trên nguồn http://www.baodaklak.vn/…/buon-ma-thuot-doi-dieu-thuong-nh…/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét