Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

NGỌT - ĐẮNG HƯƠNG RƯỢU CẦN

Xứ Thượng... Cuộc sống của người dân S'Tiêng...
NGỌT - ĐẮNG HƯƠNG RƯỢU CẦN
Nếu xem cồng chiêng là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thiên nhiên, thì rượu cần là “phương tiện” để người S’tiêng gần nhau, hòa nhập, trao đổi, cởi mở với nhau. Rượu cần S'tiêng không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, không thể thiếu trong lễ hội và những nghi lễ có tính dấu mốc của đời người...
Ứng với quan niệm về cuộc sống bao giờ cũng tồn tại cả những điều cay đắng và ngọt ngào nên đồng bào S'tiêng cũng chế biến ra hai loại rượu: Rượu cần ngọt và rượu cần đắng. Để có được những ché rượu cần ngon, người S'tiêng phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu làm men, ủ bỗng, chế rượu...
Muốn có men rượu đắng, người S’tiêng phải tìm vỏ cây Hmuôl mọc bên bờ suối; muốn có men rượu ngọt phải tìm vỏ cây Kraiđăng ở dưới những hẻm núi đá. Vỏ cây lấy về thái nhỏ, phơi khô, giã thành bột mịn, sau đó chọn gạo ngon, hạt đều và mẩy, ngâm nước cho trương mềm, đem giã nhuyễn, trộn với bột vỏ cây Hmuôl hoặc vỏ cây Kraiđăng theo tỷ lệ 1 vỏ 4 (hoặc 5) gạo.
Hỗn hợp khô có thể thêm nước sôi nguội rồi nặn thành những quả men tròn vừa lòng bàn tay, xếp vào nia phủ lá chuối, ủ nơi kín gió từ 2 - 5 ngày. Đợi khi quả men được phủ bên ngoài một lớp phấn trắng, có mùi thơm, lấy lá khô đốt nhẹ lớp phấn rồi lấy dây rừng xâu lại treo lên gác bếp, chừng 1 tháng là có thể sử dụng được.
Xong khâu làm men đến công đoạn làm cơm rượu (ủ rượu). Với rượu cần đắng dùng lá cây Prareng, rượu cần ngọt dùng lá Mól hoặc lá cây Krạ hái từ rừng về thái nhỏ, giã nát, lấy gạo trộn với lá theo tỷ lệ 2 - 1 (2 cân lá, 1 cân gạo) rồi bỏ vào ống nứa, cho nước nấu thành cơm.
Cơm chín đổ ra nia sạch, dàn đều cho nguội, lấy men rượu cho vào cối giã thành bột rồi rắc lên cơm, trộn đều với tỷ lệ 1 - 1 (1 quả men, 1 cân cơm) rồi đưa hỗn hợp cơm và men vào ché để đổ nước ủ.
Uống rượu cần là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Rượu cần thường được uống theo cặp đôi như: chủ nhà và khách, già với trẻ, trai với gái…nên khi nhập cuộc thường có mối giao hòa, thân thiện.
Khi được mời uống rượu cần, để thể hiện tình cảm với người mời, bạn dùng tay vuốt nhẹ cần từ dưới lên rồi mới xin phép được uống. Lúc uống phải uống thật lòng. Vì khi cùng uống, chủ nhân thường nhìn thẳng mặt khách, vừa tỏ lòng tôn trọng, thiện cảm nhưng cũng vừa tỏ ý thăm dò khách có thật tình không.
Thanh Khoa - Văn Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét