Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ CỤ BỒ CÂU RỪNG GAN DẠ * Sáo Dễ Thương

Đi tìm tác giả bài hát sinh hoạt cộng đồng ngày xưa... "Cái nhà là nhà của ta...", "Anh em chúng ta chung một niềm vui..."...
ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ CỤ BỒ CÂU RỪNG GAN DẠ
* Sáo Dễ Thương
Ông cụ đã trên 70 tuổi đội mũ cha cố, giày đen tất trắng, chiếc áo chùng thâm bao che toàn thân cao lều khều cũng không che dấu được thân mình gầy còm của ông cụ.
Cụ kiên nhẫn lê từng bước trên lề bộ hành của cầu Trường Tiền. Trưa hè gió lộng tưởng chừng có thể hất ông xuống giòng Hương giang… Nhiều người qua đường ái ngại dừng xe lại, mời gọi:
– Cha lên xe con chở đi.
– Không hề chi, không hề chi. Để ta đi bộ cho khỏe.
Vừa nói ông vừa đưa tay khoát lia lịa. Người khách đi đường có thể là 1 sinh viên, 1 hướng đạo sinh, một viên chức… lắc đầu chịu thua. Mọi người đã quen với hình ảnh vị cha già, khuôn mặt thánh thiện thường thả bộ từ hữu ngạn sông Hương sang tả ngạn vào Thành Nội để dạy học ở Viện Hán học rồi quay về giảng ở Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế. Dạy xong cụ lại bách bộ trên đường Lê Lợi, qua Bệnh viện Huế, Tòa Hành chánh Tỉnh, trường Đồng Khánh rồi Quốc học, Luật khoa, Tòa Viện trưởng đến trường Pellerin, nơi có 2 lớp mẫu giáo được ông cụ đỡ đầu. Ông cụ này là LM Nguyễn Văn Thích mà dân Huế thường gọi ngắn gọn một cách thân thương “Cha Thích”. HĐ còn thêm cho Ngài cái tên “Cụ Nguồn Thật” để ca ngợi vị Tổng Tuyên úy HĐCGVN đã có công sáng tác bản nhạc “Nguồn Thật” bất hủ, hát được mọi lúc mọi nơi.
Cụ Bồ câu rừng Gan dạ Nguyễn Văn Thích lìa rừng tính đến nay đã trên 30 năm nhưng nay mỗi khi cất vang tiếng hát những bài ca HĐ ngắn gọn mà đầy ý nghĩa của cụ như bài “Cái nhà, Nguồn Thật, Cầm tay, Chim bay…” thì hình dáng giản dị thân thương của cụ lại gợi nhớ những ngày xưa thân ái. Chúng tôi xin ghi lại đôi nét về cuộc đời kỳ lạ của một nho sinh xuất thân từ cửa Khổng sân Trình lại trở thành một linh mục.
Gia đình: sinh ra và lớn lên trong một danh gia vọng tộc. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Mại làm quan triều Nguyễn với các chức vụ Thị Lang bộ Học, Tuần Vũ Quảng Trị, trước khi về hưu được thăng chức Tổng Đốc hàm Thượng thư, tước vị là Thái Tử Thiếu Bảo, Hiệp Tá Đại học sĩ. Thân mẫu là cụ bà Thân thị Vỹ người làng Nguyệt Biều nổi tiếng với vọng tộc Thân trọng.
Ở Huế thời bấy giờ trong dân gian có câu:
Nguyễn khoa đại gia
Thân trọng không nhà
Hà thúc không dân
Ý nói họ Nguyễn khoa có nhiều người thành đạt làm quan lớn, họ Thân trọng đều làm quan ở nhà của Nhà nước, còn họ Hà thúc đều làm quan nên chẳng có ai là thường dân cả.
Khi thi đỗ Phó bảng cụ Mại được triều đình Huế bổ nhậm làm Tri Phủ An Nhơn, Bình Định, cụ rời nguyên quán là làng Niêm Phò, Quảng Điền, Thừa Thiên để vào An Nhơn trấn nhậm. Ngày 22.9.1891 cụ bà sinh hạ người con thứ 2, đặt tên là Nguyễn Hy Thích...
...
Trở lại chuyện LM Nguyễn Văn Thích: năm lên 4 tuổi đã học chữ Hán do thân phụ dạy nhưng sau đó lại ra Huế học tại trường Pellerin. Năm 1910 đậu Cao Đẳng Tiểu học và học 1 năm sư phạm.
Năm 1911 theo thân phụ vào Nha Trang và làm trợ giáo ở trường Tiểu học của Tỉnh lỵ.
Ngày 29.6.1911 chịu phép rửa tội theo đạo Công giáo mặc dù gia đình phản đối kịch liệt.
Năm 1917 nghỉ dạy để ra Quảng Trị xin vào học ở Tiểu chủng viện An Ninh. Sự kiện nầy như một cơn địa chấn trong dòng tộc, trước đó cụ thân sinh đã nhốt ông trong phòng, ông đã dỡ mái ngói để thoát ra và hóa trang thành con gái để ra Quảng Trị. Ban đầu tu viện không nhận vì ông đã 26 tuổi, mới thành Ki tô hữu có 6 năm nhưng sau thấy ông quá mộ đạo nên Giám mục Allis đặc cách cho vào chủng viện. Sau 2 năm thì chuyển vào Đại chủng viện ở Phú Xuân (Huế).
Ngày 18.12.1926 tại nhà thờ Phủ Cam thầy sáu Giuse Maria Nguyễn Văn Thích được thụ phong Linh mục (lúc 35 tuổi). Lần lượt Cha được bổ nhiệm giữ các chức vụ sau: giáo sư Dòng Thánh Tâm, giáo sư trường trung học Providence, trường Pellerin, cha sở Xuân Long, giáo sư trung học Khải Định (Quốc học Huế), giáo sư các trường Đại học Huế, SàiGòn, ĐàLạt và Viện Hán học Huế.
Năm 1956 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng văn hóa Thừa Thiên Huế.
Mọi người ghi nhận cha Thích có những phẩm chất đáng quý: lòng từ thiện bao la. Cha Thích là vị giáo sư thâm niên lại dạy nhiều giờ nên lương rất cao nhưng cuối tháng đôi lúc phải vào ăn nhờ ở trường Pellerin vì tiền lương ông đã đem phân phát cho viện cô nhi, viện bài lao, trường mẫu giáo Hương Linh (do ông sáng lập). Các học sinh, sinh viên nghèo thường đến xin tiền và cha không từ chối một ai. Mỗi sáng Chúa nhật, Cha thường đến các công viên tặng quà, tập hát và múa cho các sói con.
Chuyện kể: khi làm cha sở ở Kim Long, có 1 người vào vườn nhà thờ trộm 1 quày chuối non, thấy cha người ấy hoảng hốt định bỏ chạy, cha gọi lại ôn tồn bảo: – “Ăn trộm là điều không tốt, nhưng chắc anh túng quá nên phải làm càn. Lần sau, nếu cần anh cứ vào xin tử tế. Quày chuối này còn non chát lắm, ta cho anh chút tiền về mua ít tôm, tép gì đó nấu với chuối mới ăn được”.
Nhà văn hóa: cụ dạy quốc văn tại các trường trung học, Hán văn và Triết Đông tại các trường Đại học. Sáng lập và là cây bút chính của tờ báo “Vì Chúa”, viết rất nhiều bài bằng Pháp ngữ và Việt ngữ đăng trong các báo với bút hiệu: Jont.
Cụ còn là 1 nhạc sĩ với những bài hát ngắn gọn dành cho thanh thiếu nhi, nổi tiếng nhất là bài Nguồn Thật và bài Cái nhà của ta. Cha cũng là 1 nhạc công tài hoa chơi được đàn violon, harmonica, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh. Cha cũng đã xuất bản cuốn “Sảng Đình thi tập”, lời thơ lúc thì mộc mạc chân quê, lúc thì tràn ngập triết lý Đông Tây kim cổ.
Trước sau cha Nguyễn Văn Thích là 1 tu sĩ thánh thiện, với tinh thần Nho giáo kết hợp hài hòa với Kitô giáo. Một nghệ sĩ tài hoa với văn thơ thi họa, vừa mộc mạc chân quê, vừa đậm màu triết lý.

Đời Hướng Đạo:
Khác với cuộc đời tu sĩ đầy sóng gió và gay cấn, đời HĐ của Cha Thích êm đềm xiết bao.
Từ những năm 1936-1937 khi làm tuyên úy và giáo sư tại trường Trung học Providence, cha Thích đã sinh hoạt với các trưởng HĐ trẻ dạy ở trường này như cha Georges Lefas, Langrand, Tạ Quang Bửu.
Năm 1941 HĐVN mở trại họp bạn toàn quốc tại đồi Quảng Tế, Huế do Tr Tạ Quang Bửu DCC Tráng + Thiếu làm Trại Trưởng. Cha Nguyễn Văn Thích trong bộ đồng phục Tráng sinh đã tập cho các Tráng sinh bài ca Hướng Đạo trong đó có các câu:
…HĐ nào phải chỉ không lo chi đời
Đời ta có mục đích là ta lo việc ích
… Hướng Đạo nào phải sức yếu gan hèn
Đường ta tuy nặng gánh mà không bao giờ tránh.
Mắt đoái giang sơn, lòng phải gắng hơn.
Hướng Đạo nào thở vắn than dài
(mà phải) Xướng hát nghêu ngao cười với gian lao.
Năm 1942 Cha Thích được chuyển làm Tuyên úy và giáo sư trường Pellerin thì ở đây đã có đoàn HĐ Pellerin rồi. Lúc đó Cha đã 51 tuổi nhưng hòa mình tích cực với đoàn này. Thiếu Trưởng là một giáo sư trẻ tuổi người Việt (Tr Trần Trọng Sanh (hiện còn sống), thân phụ của Tr Trần Trọng An Sơn (Sư tử Kiêu hùng) và Sư huynh Trần Trọng An Phong (Nai Nhớ nguồn).
Năm 1949 Cha Thích được bầu làm Tổng Tuyên úy HĐCG tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1953 họp đại hội tại nhà thờ thánh Vinh Sơn (Hà Nội) cha được bầu vào Ban Tuyên úy CG toàn quốc.
Năm 1953 đại hội huynh trưởng HĐ toàn quốc họp tại Tùng Nguyên ĐàLạt dưới dạng 1 trại họp bạn do Tr Gà Hùng biện làm Trại Trưởng, cha Thích được bầu giữ chức Tổng Tuyên úy HĐCG VN thay thế LM Georges Lefas mãn nhiệm.
Năm 1956 Cha dự Trại Tùng Nguyên và giữa khung cảnh bao la hùng vĩ của tạo vật, Cha đã sáng tác bài ca của mọi thời đại, bài “Nguồn Thật”.
Từ đó về sau, dù tuổi đã cao, Cha vẫn đều đặn dự Trại trường, đêm đêm cùng dự lửa trại và thỉnh thoảng xin tháp tùng theo các toán thám du. Rồi sau 1 ngày băng rừng vượt suối để đi vào một Bản Thượng và tối hôm đó có thú rừng mới xuất hiện là Bồ Câu Rừng Gan dạ.
Đặc biệt năm 1959 Cha đã cùng 7 huynh trưởng khác dẫn 50 Thiếu sinh HĐVN dự Trại họp bạn HĐ Châu Á-Thái Bình Dương tại Makiling, Phillipines. Hình ảnh đẹp là LM mặc áo trắng say sưa đánh nhịp hát vang.
Đèo cao – Dô ta
Thì mặc đèo cao.
Nhưng lòng yêu nước.
Còn cao hơn đèo.
Những ngày trại sau đó hễ thấy HĐ áo nâu thì họ vui vẻ chào: “Dô ta Việt Nam”.
...
...
SÁO DỄ THƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét