Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng... (Kiều)
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng... (Kiều)
HOA HẢI ĐƯỜNG
*Vĩnh Sinh
...
*Vĩnh Sinh
...
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc đến hoa hải đường hai lần nhằm gợi đến nàng Kiều:
Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
(Hàng 175-178)
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng
(hàng 1283 – 1284)
Sự cách biệt giữa một cây mang tên là “hải đường” có thân và cành cây cứng cáp mà tôi hằng thấy trong những khu vườn cổ ở Huế, với ấn tượng về một cây hải đường mảnh khảnh như đã được miêu tả qua những vần thơ trên đã khién tôi thắc mắc trong một thời gian khá lâu. Không lẽ Tiên Điền tiên sinh lại miêu tả cây hải đường thiếu chính xác đến thế? Niềm hoài nghi đó được giải tỏa khi chúng tôi tình cờ được thấy tận mắt cây hải đường đúng như tiên sinh đã miêu họa trong Kiều.
Một sáng mùa xuân cách đây đã có hơn 40 năm (ngày đó tôi còn là một du học sinh ở Nhật), khi đang đi bách bộ quanh khu cư xá du học sinh ở một vùng khá yên tĩnh tại Đông kinh, tôi chợt thấy một cây hoa mảnh khảnh, cành trĩu hoa màu hồng tươi. Loài hoa này tôi chưa bao giờ thấy ở Việt Nam. Nhân có người đi qua, tôi hỏi hoa ấy tên gì. Ông ta bảo : “Kaidô desu yo” (Hải đường đấy mà!). Không hiểu linh tính nào đó đã cho tôi biết Kaidô địch thị là loài hoa hải đường “lả ngọn đông lân”mà Nguyễn Du đã nhắc đến trong Kiều! Cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chưa quên được cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng lúc đó khi vừa vỡ lẽ một điều thắc mắc đã ám ảnh tôi khá lâu.
Đại từ điển tiếng Nhật Nihongo daijiten định nghĩa cây hải đường ở Trung Quốc (haitang) và ở Nhật (kaidô) như sau:
“Cây nhỡ rụng lá, thuộc họ tường vi (rose) trồng làm cây kiểng trong vườn. Hoa nở vào tháng 4 dương lịch, sắc hồng nhạt. Loại có trái giống như quả táo tây, có thể ăn được. Cao từ 2 đến 4 mét”. Cuốn từ điển này còn chua thêm là hoa hải đường dùng để ví với người con gái đẹp, đặc biệt khi muốn nói lên nét gợi cảm hay vẻ xuân tình. Theo “Dương Quý Phi truyện” trong Đường thư, một hôm Đường Minh Hoàng ghé thăm Dương Quý Phi, nghe nàng còn chưa tỉnh giấc, nhà vua bảo: “Hải đường thụy vị túc da?”, nghĩa là “Hải đường ngủ chưa đủ sao?”. Trong văn học cổ Trung Quốc, cành hoa hải đường trong cơn mưa thường dùng để ví với dáng vẻ người con gái đẹp mang tâm trạng u sầu. Tên khoa học của cây hải đường là Malus spectabillis; tiếng Anh gọi là flowering cherry-apple (hay Chinese flowering apple, Japanese flowering crab-apple và nhiều tên khác nữa), tiếng Pháp gọi là Pommier sauvage.
...
...
Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước đó (dưới triều vua Gia Long), nhưng tại sao thi hào họ Nguyễn lại có thể phân biệt hai loại hoa này rạch ròi đến thế? Chúng ta có thể phỏng đoán là ngoài những kiến thức thu thập qua sách vở, chắc hẳn Nguyễn Du đã thấy tận mắt hai loài hoa này trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1813.
Một thức giả cũng vừa cho chúng tôi hay là khi tìm trong Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế (Nxb Hà Nội, 1991) hai câu có từ “hải đường” trích dẫn ở trên thì “thấy đó là những câu tả cảnh tả tình do Nguyễn Du sáng tác”, chứ không có trong nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (bản của Nguyễn Đình Diệm). Điều này càng xác nhận sự hiểu biết chính xác về cây cỏ cũng như tinh thần “vận dụng sáng tạo”của Tiên Điền tiên sinh khi viết Truyện Kiều.
...
...
Vĩnh Sinh
*Tham khảo thêm https://tapchivanhoaphatgiao.com/…/hai-duong-la-ngon-dong-l….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét