Người Bru - Vân Kiều, quê gốc Quảng Bình, Quảng Trị, đã định cư ở Đăk Lắk gần nửa thế kỷ nay...
TỤC CƯỚI 3 LẦN
Đến xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, tình cờ chúng tôi được nghe kể nhiều về tục cưới vợ ba lần của những người dân tộc Vân Kiều.
Thấy tôi thắc mắc, ông Ai Khôi (SN 1950, buôn Tà Cỡng) cho biết, tục cưới ba lần đã có từ rất lâu, gắn liền với đời sống hôn nhân của đồng bào Vân Kiều.
Theo đó, trai Bru cưới vợ phải cưới đến ba lần: lần một (lễ ra cới), lần hai (lễ ra peng) và lần ba (lễ côl).
Lễ cưới lần một được tiến hành theo đúng ngày giờ đã chọn. Đến ngày, gia đình nhà trai mang lễ vật sang nhà gái gồm: Một cây kiếm, một nồi đồng, một vòng cườm đeo cổ và một nén bạc trắng. “Kiếm là công cụ lao động, nó mang ý nghĩa là vật dụng làm ra của cải. Nồi đồng tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Vòng cườm tượng trưng cho sự thủy chung, gắn kết dài lâu.
Ngoài ra, nhà trai còn phải nộp tiền cưới, lợn, gà, gạo…theo yêu cầu của nhà gái”, Ai Khôi giải thích.
Sau khi nhận lễ vật, chàng trai trở thành con trong nhà và được phép rước dâu.
Lễ cưới lần hai có thể tổ chức sau đó hai ngày, tuy nhiên, thời gian không bắt buộc mà tùy theo điều kiện của nhà trai. Sính lễ buộc phải có là vàng, tiền, ba con heo nhỏ, sáu con gà, rượu, gạo...
“Nếu có của cải, nhà trai có thể cưới gộp lần hai và lần ba. Thường thì rất lâu sau, đôi vợ chồng mới có thể cưới lần ba vì khá tốn kém và trang trọng. Sính lễ phải có là một con trâu to, hai con heo, sáu con gà cùng nhiều lễ vật khác, vì thế trai Bru đến cuối đời mới cưới xong vợ là chuyện thường. Cũng không ít cặp vợ chồng chưa cưới xong thì người chồng hoặc vợ đã nhắm mắt xuôi tay. Trường hợp này con cái phải có trách nhiệm tổ chức cưới cho bố hoặc mẹ với người đã khuất theo tục lệ đã định”, cụ bà Pí Plưi (buôn Tà Cỡng) cho biết.
Ngày nay, đám cưới người Vân Kiều đã bớt nặng nề, khắt khe về sính lễ. Gia đình nào quá khó khăn có thể cưới đơn giản nhưng vẫn phải đủ ba lần theo đúng phong tục truyền thống.
“Đám cưới là điểm bắt đầu cuộc sống mới của đôi vợ chồng vì thế phải tổ chức thật chu đáo, đầy đủ lễ nghĩa. Dù nghèo khó cũng phải cưới đủ số lần quy định mới mong có một cuộc sống hạnh phúc, gắn bó mãi mãi. Hơn nữa, khi đôi vợ chồng chưa làm xong lễ côl thì sang nhà vợ không được bước lên nhà, họ hàng hai bên không được ăn chung bánh, chuối, củ kiệu, trâu bò của hai gia đình không được chăn thả cùng một nơi, chính vì thế người Vân Kiều rất hiếm khi bỏ nhau”, già làng Pá Vinh (buôn Tà Cỡng) lý giải.
Lê Hà
(Trích trên nguồn https://www.tienphong.vn/…/dân-tộc-vân-kiều-tức-cười-ba-lần…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét