Xuôi dòng Sêrêpôk...
BẾN CÁT CẦU 14
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong tôi...Ngược dòng thời gian quay về lại lớp 11B1 ngày ấy, rơi vào năm biến động thời cuộc, hai phần ba bạn trai phải lên đường theo Lệnh Tổng Động Viên. Năm 72 này, chúng tôi đi chơi với nhau rất nhiều, như níu giữ những tháng ngày học sinh, như một cuộc chia tay nhau theo kiểu học trò...Chúng tôi đã đến chơi ở bến cát này, nằm phía dưới rừng trúc rất thi vị, và ngược dòng sông Sêrêpôk vẫn thấy bóng dáng cầu 14 rất rõ. Những tấm ảnh trên không có hình người chụp ảnh, bạn Nguyễn Ngọc Sơn, đã đi xa...Tôi xin trích một đoạn trong "Cuốn phim xưa" của tôi để tưởng nhớ tới người bạn thân thương này...
"Những gốc phượng gồ ghề đầy vết tích học sinh, nằm yên lặng trong sân trường, đếm thêm một mùa hoa rụng. Mùa hè đi qua trường tôi nhẹ nhàng... đi qua thị tứ Ban Mê hiền hòa, bình an... Nhưng ở những nơi khác thì được mệnh danh là Mùa Hè Đỏ Lửa, và hơi nóng của nó lan tỏa một cách khủng khiếp biến thành những cơn lốc thổi vào mùa khai giảng năm đó... Nó hất tung các lớp 11 trong trường... Nó điểm chết tên từng con ngựa chứng sẽ phải rời sân trường... làm dang dở bao cuộc đời học sinh.
Lớp 11B1 có những bạn biết trước mình phải xếp bút nghiên, Trần Văn Chấn, Trần Trọng Sự, Ngô Văn Dũng, Hoàng Trọng Kỳ, Nguyễn Hữu Quý, Vũ An Dương, Nguyễn Ngọc Lễ, Phan Văn Đệ, Bùi Hùng, Nguyễn Phi Đối... Và bạn ngồi cạnh tôi là Nguyễn Ngọc Sơn, hiền lành như con gái, cũng rời trường vào đầu năm sau. Tất cả vẫn đi học bình thường, hy vọng có điều kỳ diệu nào đó xảy ra, xóa đi cái Lệnh Tổng Động Viên để mình được tiếp tục ôm sách vở tới trường.
...
...
Không có điều kỳ diệu nào đến với Ngọc Sơn và các bạn. Thời gian cứ rút ngắn lại chờ ngày đi... Cuộc sống có những dấu hiệu bất an của thời chiến. Dấu hiệu đó đã len vào một buổi sáng trong trường. Cả lớp vừa ngồi xuống chưa kịp học bài mới... Phía trước bàn Trần Văn Bình và Võ Thành ngồi, một bạn nữ ú ớ ngã ra sùi bọt mép,chân tay co giật... Bạn Thành giành lấy quyền săn sóc cho bạn ấy. Mọi người hốt hoảng theo tiếng còi hụ của nhiều xe cứu thương, đang rú lên vội vã chạy về hướng Quân Y Viện. Lại thêm tiếng la thét của mấy bạn nữ... Bích Thủy bị... Bích Thủy cũng bị nữa rồi... Hơn một tiếng đồng hồ kinh hoàng, cuộc sống trả lại sự bình an. Chỉ là ngộ độc nhẹ từ bánh mì của lò bánh Âu Hóa, trong chợ trên đường Nguyễn Thái Học.
...
...
Không có điều kỳ diệu nào đến với Ngọc Sơn và các bạn. Thời gian cứ rút ngắn lại chờ ngày đi... Cuộc sống có những dấu hiệu bất an của thời chiến. Dấu hiệu đó đã len vào một buổi sáng trong trường. Cả lớp vừa ngồi xuống chưa kịp học bài mới... Phía trước bàn Trần Văn Bình và Võ Thành ngồi, một bạn nữ ú ớ ngã ra sùi bọt mép,chân tay co giật... Bạn Thành giành lấy quyền săn sóc cho bạn ấy. Mọi người hốt hoảng theo tiếng còi hụ của nhiều xe cứu thương, đang rú lên vội vã chạy về hướng Quân Y Viện. Lại thêm tiếng la thét của mấy bạn nữ... Bích Thủy bị... Bích Thủy cũng bị nữa rồi... Hơn một tiếng đồng hồ kinh hoàng, cuộc sống trả lại sự bình an. Chỉ là ngộ độc nhẹ từ bánh mì của lò bánh Âu Hóa, trong chợ trên đường Nguyễn Thái Học.
Ngọc Sơn dừng các trò nghịch trong lớp chuyển sang cùng lớp đi picnic. Đi thác Nhà Đèn nấu cơm lam... đi rừng trúc ở Cầu 14. Nó muốn đi nhiều hơn nữa như níu giữ tháng ngày còn lại làm học sinh. Một kế hoạch đi chơi ngoài trời bằng xe đạp được đưa ra. Mỗi người một chiếc xe, tự mang nước uống, đóng góp một ít cho Từ Đức Long mua bánh mì với muối tiêu đồ hộp là xong. Đi khắp nơi... thăm trường Sư Phạm Cao Nguyên có thầy Sang ở đấy, ngắm những hàng cây hoa Anh Đào, rồi đến Cốc Lâm Tuyền lội suối mát trong... Những ngày khác, các bạn có mặt thường xuyên bên Ngọc Sơn, Trần Văn Chấn, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Ngọc Lễ, Phan Văn Đệ... là Đức Long, Nguyễn Việt Trung, Nguyễn Quang Ninh, Phạm Văn Chinh... Chúng tôi rong ruỗi trên quốc lộ 14, thích chỗ nào thì dừng lại chỗ đấy, xuống tận bến cát phía dưới cầu tắm sông, xem người ta lặn múc cát bằng thúng đổ lên thuyền. Ngô Văn Dũng giỏi bơi lặn mượn kính bảo hộ, cầm thúng, chân đạp vào thành cọc chữ A lấy đà lặn cắm xuống... trồi lên được nửa thúng. Mới hay họ quen việc làm rất nhanh, thoáng cái là đầy thuyền con ngay... Tiếp tục lại đi rong, khởi hành từ bùng binh Ngã Sáu, theo con đường Tự Do lên cây số 3, đi cây số 5 chuyển hướng qua sân bay Hòa Bình, quay lại nghỉ trưa ngắm cây khô trong hồ Trung Tâm, rồi tắt theo mấy vườn cây ăn trái, vác xe băng rào ra ngõ Tình Thương ở Hòa Đông gặp quốc lộ đi Nha Trang, vòng về lại cây số 3... chưa muốn về nhà... lại ngoặt lên quốc lộ 14 thăm đồn điền CHPI... Đạp xe thong dong dưới những hàng cây cao su thẳng tắp, tận hưởng những cơn gió thoáng mát trong lành... rồi gặp một vạt cỏ xanh êm... quăng xe, ngả lưng xuống nhìn mây trời qua kẽ lá... nghêu ngao hát... "đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây..." ...Tất cả đều được Ngọc Sơn lưu giữ vào máy chụp hình của nó. Nó chụp nhiều lắm, rất nhiều hình cho bạn bè, nhưng rất ít thấy nó trong đó...
Học xong giờ Sử Địa của cô Võ Thị Hảo cũng vừa tan trường. Mọi người trong lớp đã ra về, còn lại tôi và Ngọc Sơn. Nó lấy ra con dao nhíp nhỏ khắc dấu lên bàn... Cái thằng làm lại trò vặt thời nhỏ... biết sao được nó níu kéo điều gì khi ngày đi của nó đã cận kề... chắc nó hẹn một ngày về thăm lại chỗ học cuối cùng là đây. Tôi đi ra ngoài đợi nó, lòng thấy buồn lây... Từ khi Huỳnh Văn May rủ hai thằng xuống lớp 9, có bạn gái của May, tán gái thì lộ ra cả hai đều nhát như cáy... Không được như anh chàng May, ăn nói rất ngọt, nói như xin phép... để May nói... để May nói... cái này May nói cho nghe... Thế là Ngọc Sơn cứ đưa sách của chị gái nó cho mình mượn như bắt mình đọc khoán thay nó vậy. Nào là quyển Thi Nhân Tiền Chiến... đến tập thơ Lời Dâng của R.Tagore... và đang chờ nó để lấy quyển Ý Thức gì đó của Phạm Công Thiện. Chẳng biết đọc có vào không nhưng phải nhận cho nó vui... Lâu quá không thấy nó ra, tôi quay lại nhìn qua ô cửa kính cũng kịp dừng tiếng kêu... nó đang ngồi lặng yên nhìn lên bảng, hai tay xoa vết dao trên bàn. Nó muốn ghi sâu vào miền ký ức và mong ước sẽ quay trở lại...
Nhưng chiến tranh đã ngăn ước mơ của Ngọc Sơn lại, mãi mãi không cho nó quay về sờ lại vết dao kỷ niệm đó nữa... Chiến tranh đã gọi nó ra đi... vĩnh biệt dương trần... tuổi chưa đến hai mươi."
...
...
(Trích trong Cuốn phim xưa- Tập 4- Vết Dao của Phạm Đình Đạt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét