Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

NỖI NHỚ ĐẠI NGÀN

Xứ Thượng ...
NỖI NHỚ ĐẠI NGÀN
Đêm nghe tiếng lá rơi bỗng nhớ đại ngàn...
Tôi chẳng nhớ câu thơ trên là của tác giả nào, mình đã đọc ở đâu, đã thuộc từ bao giờ. Chỉ biết nó đã "nằm lòng" trong tôi từ lâu lắm rồi. Lâu đến mức ngỡ như đã quên nó. Vậy mà đêm nay, một đêm khó ngủ, nằm nghe trời đất chuyển mùa, tôi bỗng nhận ra tiếng lá của cây đa cảnh ngoài cửa sổ rơi khẽ khàng xuống mặt đất. Và rồi câu thơ trên vụt hiện trong trí nhớ. "Đêm nghe tiếng lá rơi bỗng nhớ đại ngàn": Câu thơ thật bình dị. Không hiểu sao nó lại đậu và làm tổ được trong tôi và lúc này đây sao nó có sức gợi lạ lùng đến thế!
Cái logic gợi nhớ của câu thơ cũng chỉ là cái logic rất thông thường: Lá rơi gợi nhớ cây, cây gợi nhớ rừng, nhớ đại ngàn trùng trùng điệp điệp. Nhưng đằng sau cái logic đó, có lẽ còn là chuyện của tâm can, hồn cốt, máu thịt đời người, chuyện của cuộc sống xã hội mà từ lâu lắm rồi tôi đã trăn trở nghĩ suy, vầy đằm trong ý nghĩ để bây giờ là lúc nó phải dâng trào, loang chảy...
Vâng, chiếc lá rơi ngoài cửa sổ đêm nay đã gợi tôi nhớ đến đại ngàn. Mà nào đã xa chi những đại ngàn ngày ấy. Chỉ mới hơn hai chục năm thôi, quanh TP Buôn Ma Thuột, nơi tôi ở bây giờ, chỉ cách mươi mười lăm cây số là những đại ngàn mênh mông bát ngát, đi cả ngày mỏi chân chưa hết cây rừng mà là đại thụ hẳn hoi mấy người ôm không xuể, thân cao vút, ngửa mặt nhìn tán lá chấp chới tận trời xanh. Đi về phía tây TP, quá Buôn Ky một quãng vài cây số đã là rừng Ea Nhôn kéo dài năm, bảy chục cây số, tít tắp đến tận Bản Đôn, Ea Súp. Đi về phía tây - bắc khoảng mười bốn, mười lăm cây số đã là rừng Cư M'gar, Buôn Gia Wầm rậm rạp, đầy gỗ quý như cẩm lai, cà te, giáng hương, cam xe, cà chít, sao, dổi... Từ Đắc Min lên Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắc Nông bây giờ, dọc dài suốt hai bên Quốc lộ 14 là rừng nối tiếp rừng. Rừng giăng lũy giăng thành. Rừng mát lạnh thịt da khi ta đi vào ngay cả giữa mùa nóng nực. Ngày ấy, bên kia hồ Ea Cao của TP Buôn Ma Thuột cũng là rừng.
Ở đấy còn cơ man là nai, hoẵng, lợn rừng... thỉnh thoảng người dân còn săn bắt được nai, lợn nặng cả tạ đưa ra phố bán. Ngày ấy, đi đâu cũng gặp rừng. Mà là rừng nguyên sinh hẳn hoi với những thân gỗ cao vút, những tán lá tròn như cái ô xanh xòe trong nắng vàng, những sắc lá xanh, đỏ, tím, phớt hồng, phớt bạc tùy theo mùa, theo loài cây đẹp như có ai tô điểm, khiến tôi bị mê hoặc, nhiều khi đang đi trên đường buộc phải đứng lại sững sờ nhìn ngắm. Có lẽ vì thế mà sắc lá cây rừng, mà dáng thế của cây, mà làn hơi rừng thở mỗi sáng, mỗi chiều và cả lời tâm tình của rừng lúc u tịch, tôi đều cảm nhận được, bắt sóng được, giao hòa được rồi thấm vào tôi và trở thành tình cảm "nằm lòng", để đêm nay "nghe tiếng lá rơi tôi bỗng nhớ đại ngàn". Vâng, tôi nhớ rừng, nhớ đại ngàn da diết. Và không chỉ nhớ, tôi đã rơi nước mắt vì thương rừng, thương đại ngàn. Bởi rừng, bởi đại ngàn giờ đã tan tác, điêu linh!
Ôi, còn đâu nữa những cánh rừng mênh mông! Còn đâu nữa những đại ngàn trùng điệp! Bây giờ từ Buôn Ky đi Bản Đôn chỉ thấy nhà san sát nhà, cà phê san sát cà phê. Cả vùng rừng Cư M'gar giờ chỉ còn sót lại vài ba cây kơ nia đứng trơ trọi như để chứng giám cho một thời nơi đây đã có đại ngàn. Cả vùng Rừng Lạnh mênh mông nằm trên đường Đắc Min - Gia Nghĩa giờ cũng tan tác theo gió theo mây. Không chỉ là rừng sản xuất phải "đội nón ra đi" mà cả rừng đặc dụng như Vườn quốc gia Yốk Đôn, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô... cũng chỉ còn cái mã ngoài, ruột gan bên trong thì đã bị moi móc băm vằm tan tác. Thật đau đớn, xót xa!
...
...
Đặng Bá Tiến
(Trích đoạn trong bút ký " Nỗi Nhớ Đại Ngàn" của Đặng Bá Tiến đăng trênhttp://inrasara.com/2011/…/18/dặng-ba-tiến-nỗi-nhớ-dại-ngan/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét