Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Xứ Thượng... NỖI NHỚ RỪNG

Xứ Thượng...
NỖI NHỚ RỪNG
...
Nói đến làng rừng Tây Nguyên là nói đến những luật tục có liên quan đến sự sống còn của con người và sự tồn tại của rừng. Mỗi thành viên của cộng đồng làng gắn bó với nhau tạo nên sức mạnh để tồn tại và hoà nhập với rừng, với thiên nhiên...
Mình không dốt nát lạc hậu đâu. Dân tộc mình ưng sống thế mà. Một câu nói ấy của già làng khiến tôi không cầm lòng được, tự thấy mình có lỗi. Tại sao đơn giản vậy mà mãi ta không hiểu ra nhỉ? Đã là tập tục nghĩa là thói quen ngàn đời, bên trong những thói quen ấy là cả một bề dày văn hoá. Văn hoá nương rẫy. Mình ưng theo thói quen ông bà mà. Vâng thói quen văn hoá đấy. Mà đã là nếp sống văn hoá thì không phải dễ thay đổi một lúc đâu! Sức nặng của tập tục lại trở thành vật cản trước cái mới. Cái mới ơi, cái mới đừng quên khi rừng già không còn là nơi nương tựa của cộng đồng thì cái mới chẳng làm nên chuyện gì đâu. Khi việc cúng Thần, cúng Giàng vẫn còn theo già làng mà chưa có cái mới hay hơn thay thế thì cái mới ơi, cái mới cũng không đủ sức đem lại được niềm mong đợi ấm no đâu.
Làng của người Tây Nguyên được hình thành từ nền văn minh trồng cây lúa khô nương rẫy. Đó là một tổ chức xã hội gần như duy nhất và cũng là cội nguồn của nền văn hoá bản địa. Trong sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi nhà nào có việc, liền được sự đóng góp chung của mọi người. Ghè rượu quý nhất của mỗi gia đình được đem đến cùng chia sẻ. Niềm vui nỗi buồn của mỗi người cũng là niềm vui nỗi buồn chung của cả buôn làng.
Cái sợ lớn nhất của con người ở đây là một khi bị buộc phải tách ra khỏi cộng đồng. Điều ấy còn sợ hơn cả cái chết. Bởi vậy, tôi nghĩ, Tây Nguyên, từ cội nguồn của văn hoá Làng - Rừng tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo mà chỉ nơi đây - miền rừng nối tiếp miền rừng mới có. Những quần thể tượng nhà mồ hồn nhiên sinh động hoà nhập vào tự nhiên như vẻ đẹp nguyên sơ của tâm hồn người bản địa.
Mái ấm nhà rông chính là nơi quần tụ cộng đồng để các già làng lo việc chung, phân xử đúng sai và cũng là nơi trai tráng tụ tập phòng khi bất trắc. Văn hoá dân tộc nói chung vốn gắn liền với đời sống của cộng đồng.
Một khi điều kiện sống thay đổi thì cũng sinh ra lắm chuyện. Làm sao giữ được nhà rông? Chúng ta không thể làm thay bà con, nhưng sự hỗ trợ (đúng) là rất cần thiết. Vì sao tôi lại ngoặc đơn ra cái chữ “đúng” này, bởi nhiều năm nay ta đầu tư cho nhà rông không ít, mà hiệu quả đem lại lại không nhiều, nếu nói không sợ sai, như cách nói của hoạ sĩ Xu-Man, người bạn già của tôi về nghỉ hưu, sống cùng bà con ở làng PLeiBung, ấy là đầu tư hỗ trợ trật lấc. Vì sao sai? Vì các nhà quản lý và các nhà đầu tư không hiểu vẻ đẹp văn hoá lâu đời của nếp sinh hoạt nhà rông, mà chỉ muốn “cải tạo” nó thành ra hội trường!
Nhà rông là nét đẹp văn hoá riêng của buôn làng rừng Tây Nguyên. Giữ được nó tức là giữ được cái hồn cốt của nét đẹp sinh hoạt cộng đồng. Văn hoá Tây Nguyên cũng vậy. Nó thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa con người với tự nhiên. Ở đây một người chết làm cả làng buồn. Buồn và khóc thương vì không còn được sống với người ấy nữa. Nhưng theo quan niệm của bà con: Chết không có nghĩa là hết. Người ta chết chỉ là chết cái phần xác thôi, chứ còn phần hồn thì đã biến thành con ma rồi. Con ma vẫn sống quanh ta. Vì vậy người chết vẫn cần cơm, cần rượu và mọi thứ vật dụng. Người sống phải chăm sóc cho người chết chu đáo.
Rồi một ngày kia, để tiễn con ma về thế giới khác nơi cuối rừng, nơi mặt trời lặn, người ta làm lễ bỏ mả, tức là lễ hội Pơ Thi. Đó là lễ hội lớn nhất, sinh động nhất và vui vẻ nhất, vì sau lễ hội tiễn biệt này, người sống và người chết không còn ràng buộc với nhau. Đời sống tâm linh của người Tây Nguyên vô cùng phong phú. Bà con cho rằng bên trong mỗi cái cây, ché rượu, hòn đá, bầu nước, mọi vật quanh ta đều có linh hồn. Điều đó thể hiện sự tôn trọng sâu xa đối với tự nhiên. Tôi chợt thấy lo khi môi trường thay đổi, khi cái tín ngưỡng đa thần giáo ấy không còn giữ được, thì điều gì sẽ diễn ra? Cái gì sẽ thay thế?
Vâng, đổi mới mang lại cuộc sống hiện đại nhiều cái mới, có nhiều cái mới tất có nhiều niềm vui. Nhưng phía sau niềm vui hiện đại là cả một sự vật vã chuyển mình của bà con. Ở Tây Nguyên ngày nay, rừng và làng đâu có còn quần tụ như xưa? Làng mới chuyển ra hai bên mặt đường thành ra nửa phố, nửa làng. Cuộc sống mới kéo theo biết bao đổi thay về phong tục tập quán. Đi tới đâu tôi cũng gặp cái hân hoan phấn khởi của lớp trẻ, và bên cạnh đó là nỗi khắc khoải nhớ rừng của người già. Sự nghiệp CNH-HĐH là tất yếu. Nhưng đằng sau nó là cả một vấn đề lớn về xã hội và con người...
Người ta bảo Tây Nguyên huyền bí. Có lẽ điều ấy chỉ đúng khi còn rừng già. Rừng và làng là hai yếu tố cấu thành nền văn hoá cộng đồng độc đáo, lâu đời. Văn hoá Làng rừng ở Tây Nguyên chính là nguồn lực, là tiềm năng của sự phát triển. Khôi phục làng rừng ở Tây Nguyên cũng là khôi phục nguồn gốc của văn hoá. Văn hoá Tây Nguyên dường như đã trao cho các nghệ nhân của mình cái bản năng sinh tồn mà nếu ta biết trân trọng một cách chân thành thì đó chính là nguồn sống vô tận…
TRUNG TRUNG ĐỈNH
(Trích trong "Tây Nguyên, nỗi nhớ làng rừng" của Trung Trung Đỉnh đăng trên http://nongnghiep.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét