Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

DÁNG ĐỘI CỦA PHỤ NỮ CHĂM

Từ xa xưa, việc đội lên đầu vật gì đó vốn quá dĩ quen thuộc và trở thành thói quen của tất cả các chị em...
DÁNG ĐỘI CỦA PHỤ NỮ CHĂM
Khác với cộng đồng người Raglai, thường dùng gùi điệu sau lưng trong sinh hoạt thì người Chăm ngược lại, thích đội hơn. Khi còn nhỏ, các bé gái Chăm đã quen với việc đội mâm (mâm cơm hay mâm chè) lên Thánh đường để cúng tổ tiên. Đặc biệt vào tháng Ramưwan, ngày hội Suk Yeng, trong chiếc áo dài Chăm thướt tha, các thiếu nữ Chăm thường xuyên phải đội mâm, đônla (một vật có dạng hình tròn có nắp đậy, được làm bằng gỗ, dùng để trầu, cau, vôi) lên Thánh đường. Trong đêm lễ, các chàng trai đỡ mâm xuống, ánh mắt trao nhau thắm thiết, tình yêu nảy nở từ đó.
Tại làng Chăm Bàu Trúc, từ những bé gái, thiếu nữ đến người già đều có cuộc đời gắn liền với nghề làm gốm. Từ chiếc lu đựng nước, chiếc nồi đất, bộ khuôn đổ bánh xèo đến siêu sắc thuốc, chiếc cà om đều rất công dụng với những hoa văn độc đáo của dân tộc. Cũng từ đây, việc đội lu, đội nồi đất rao bán trên các miền quê trở thành nét quen thuộc, gần gũi. Ngay cả trong bài hát “Bến nước tình yêu”, nhạc sĩ Amư Nhân đã miêu tả hình ảnh các thiếu nữ đội lu lấy nước bên bờ sông rất dịu dàng, thẹn thùng: “Chiều chiều ra bến nước anh theo bước chân em yêu, choàng vai chiếc khăn thắm em xinh thắm đôi môi xinh”.
Trong một số điệu múa dân gian của người Chăm, múa đội nước được bà con yêu thích bởi sự khéo léo và uyển chuyển của các thiếu nữ. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Chăm, đội thúng lúa từ ruộng lúa về làng, đội lu đi lấy nước ở bến sông. Từ những động tác thực tế trong sinh hoạt lao động ấy, người Chăm đã sáng tạo ra điệu múa đội nước. Có thể thấy, điệu múa đội nước là sự kết hợp tài tình giữa điệu múa chim công và công việc lao động hàng ngày, làm cho những thiếu nữ Chăm đang múa trông như đàn chim công bay lượn.
Ngày nay việc đội nước, đội lu đã không còn phổ biến như trước kia, nét đẹp ấy chỉ còn trong những bài hát, tranh ảnh của người Chăm. Dẫu vậy, dáng đội đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của phụ nữ Chăm.
MINH KHAI
(Trích từ nguồn http://baoninhthuan.com.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét