Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG

Nghi ngút đầu ghềnh khói tỏa hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương... (Lê Thánh Tông)
THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG
Vũ Thị Thiết là người huyện Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) sống vào thế kỷ thứ 14. Bà vốn con nhà lương thiện, tình tình thùy mị, nết na lại có tư dung xinh đẹp. Khi đến tuổi lấy chồng, bà được cha mẹ gả vào gia đình họ Trương – một gia đình khá giả trong làng. Trương Sinh là người khỏe mạnh, yêu thương vợ rất mực nhưng có tính hay ghen. Vũ Thị Thiết biết vậy nên rất khuôn phép giữ gìn, chưa từng để vợ chồng phải bất hòa.
Vào cuối thời Trần, Chiêm Thành thường đem quân cướp phá Đại Việt. Triều đình nhiều lần động binh đánh Chiêm Thành nên thanh niên trai tráng bị bắt đi lính rất nhiều. Trương Sinh tuy con nhà khá giả nhưng vẫn phải tòng quân đánh giặc. Lúc bấy giờ, Vũ Thị Thiết đang mang thai sắp đến ngày sinh.
Sau khi Trương Sinh đi đươc mươi ngày, bà Thiết sinh được một cậu con trai đặt tên là Đản. Mẹ chồng bà vì thương nhớ con mà sinh bệnh. Con nhỏ, mẹ chồng ốm liệt giường, bà Thiết ngày ngày vừa làm lụng nuôi con vừa thuốc thang chăm sóc mẹ. Song bệnh tình ngày một trầm trọng, bà mẹ qua đời. Bà Thiết khóc thương lo việc ma chay cho mẹ chồng rất chu đáo.
Còn lại mỗi mình với đứa con bé bỏng trong ngôi nhà lạnh lẽo, mỗi tối ôm con ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét cháy, buồn tủi, nhớ chồng, bà Thiết lại chỉ vào bóng mình và đùa với con rằng ‘Cha về đấy’. Ngày qua ngày, đứa trẻ quen dần quen với bóng mẹ trên vách là cha.
Khi việc quân đã mãn, Trương Sinh trở về thì mẹ đã qua đời, con vừa học nói. Chàng ôm con ra viếng mộ mẹ, đứa trẻ khi nghe chàng xưng là cha thì ngơ ngác nói: ‘Ông không phải cha Đản, cha Đản đến đêm mới về’. Vốn tính hay ghen nên khi nghe con nói vậy, Trương Sinh không suy đi nghĩ lại mà đinh ninh vợ ở nhà hư hỏng. Từ đó luôn mắng nhiếc, đánh đuổi khinh bỉ vợ, không đếm xỉa gì đến lời phân trần van xin của bà, hàng xóm láng giềng khuyên can thế nào cũng không nghe. Bà Thiết không còn cách nào giải được nỗi oan khuất, quá phẫn uất gieo mình xuống sông Hoàng Giang mà chết.
Sau khi vợ mất, chỉ còn 2 bố con côi cút bên nhau. Một đêm khi đang ngồi cùng con bên đèn, đứa bé bỗng chỉ vào bóng cha trên vách rồi thốt lên ‘Kìa cha Đản lại đến rồi’. Bấy giờ Trương Sinh mới hiểu vợ mình bị oan. Ân hận thì đã quá muộn, chàng đang xót lập một đàn tràng bên sông ba ngày ba đêm giải oan cho vợ. Về sau dân trong vùng cảm động trước trước tình cảm của đôi vợ chồng đã cùng nhau dựng một ngôi miếu nhỏ bằng nứa lá tranh tre thờ bà bên bến sông.
Cuối thế kỷ 15, vào niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497), một hôm Lê Thánh Tông cùng trạng nguyên Lương Thế Vinh đi thuyền ngang qua miếu Vũ Thị Thiết, xúc động trước chuyện đời oan trái của bà đã đề một bài thơ Nôm như sau:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng...
Bài thơ về sau được khắc trên biển gỗ treo trong đền. Qua nhiều năm sau, Nguyễn Dữ đem chuyện kể trong dân gian về Vũ Thị Thiết viết thành truyện ngắn Nam Xương nữ tử lục (Chuyện người con gái Nam Xương) trong tập sách Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng của ông.
Dưới thời phong kiến, giáo lý Nho gia được đề cao, gương tiết liệt của Vũ Thị Thiết đã được sử dụng triệt để để làm mẫu mực về đức hạnh của phụ nữ. Miếu thờ bà được xây thành ngôi đền lớn tại thôn Vũ Điện (nay thuộc xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bà được linh hóa thành nữ thần và chuyện về cuộc đời bà được viết thành thần tích với nhiều chi tiết mang màu sắc huyền thoại. Trải nhiều triều đại, bà được phong tặng là Vũ Nương công chúa Thượng đẳng thần.
PNVN
(Trích bài "Chuyện người phụ nữ đức hạnh đất Nam Xương" đăng trênhttp://phunuvietnam.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét