Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Ban mê ơi, một thời đã xa... GỌI HEO

Ban mê ơi, một thời đã xa...
GỌI HEO
Những ai làm ăn sinh sống nhiều năm trên cao nguyên có dịp vô làng Thượng thế nào cũng chứng kiến cảnh… người gọi heo rất lạ mắt, lạ tai, dù rất hiếm khi được gặp.
Trước năm 1975, rảnh rỗi tôi hay lang thang vô làng Thượng, sinh hoạt với người Thượng để ý mới thấy sự khác biệt giữa người Kinh và người Thượng về việc nuôi gia súc, như nuôi heo chẳng hạn.
Khác với người Kinh nuôi heo chuồng, đồng bào thiểu số lại thả heo mặc sức chạy rong trong buôn làng. Đúng lúc tới bữa, người ta cất tiếng hú gọi lũ heo về cho ăn...
Bà H’ Liên ở buôn Ea Pok này, tuy khá đứng tuổi nhưng đã quen với gió núi sương rừng nên trông bà vẫn khoẻ mạnh, cứng cáp như cây tre làng. Mái tóc bụi bặm, bù rối, khét nắng trùm lên khuôn mặt tuy điêu đứng, nhăn nheo, đen đúa, mốc cời, nhưng quai hàm bà bạnh ra thật rắn chắc khi bà cất tiếng gọi heo. Heo ở buôn này cũng giống như heo ở các buôn khác. Giữa lũ heo cỏ, heo mọi tôi thấy có cả heo rừng bắt đem về nuôi từ nhỏ lớn lên thành heo nhà, cặp nanh chĩa thẳng lên trời, lông dựng đứng theo sóng lưng. Coi chúng giành ăn với lũ heo mọi thì biết.
Chuyện mới đó ngót ngét đã 50 năm rồi. Mỗi lần nhớ nhà tôi lại nghe tiếng hú gọi heo của người đàn bà Thượng vẫn còn vọng âm từ rừng rú:
Huýt huét…Hốt huết… Hú… ô lề… ế… ê…
Cũng như người miền sông nước tha thiết với tiếng gọi đò lúc tảng sáng hay buổi chiều hôm, những người sinh trưởng ở cao nguyên như tôi khi đi xa, không gì gợi nhớ quê nhà bằng… tiếng gọi heo. Một tiếng gọi đò hay tiếng gọi heo thôi, đủ để đánh thức trong tôi cả một trời sông nước miền Nam cũng như cả cái buôn, cái làng, nhà sàn, bếp lửa, nhà rông, cái nương, cái rẫy và rừng núi đại ngàn.
Phan Ni Tấn
(Trích đoạn Gọi Heo trong bài viết QUÊ TÔI của PHAN NI TẤN đăng trên Đặc San-Kỷ Yếu 60 năm Trường Trung Học Ban Mê Thuột)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét