Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Dọc theo suối Ea Tam... SUỐI BU - RI

Dọc theo suối Ea Tam...
SUỐI BU - RI
Bài viết này nhằm nhắc nhớ về kỷ niệm tên một con suối tại Ban Mê Thuột mà trong thời gian gần đây qua e-mail một số cựu học sinh Trung học BMT đã vô tình gọi sai tên suối là “BU-RI, BU-GI hoặc MOURI” thay vì “MAURY”, (tạm đọc là MU-RI), đã có từ thập niên 30.
Tôi viết bài này ngoài kỷ niệm sâu đậm với con suối, còn tạm coi như là một “tham khảo ngắn” nhằm dẫn chứng và trình bày dựa trên các tài liệu thâu thập từ sách vở cũng như nói chuyện trực tiếp với các nhân chứng liên quan tới lịch sử con suối mang tên MU-RI...
...
PHẦN II: THAM KHẢO
Dưới đây là những dẫn chứng và trình bày căn cứ trên các tài liệu thâu thập qua sách vở cũng như dựa theo lời kể của các nhân chứng liên quan đến nhân vật mang tên Jean Maury. Các nhân chứng không ai khác ngoài em vợ, em rể và các con ruột của ông bà hiện sống tại hải ngoại...
...
Năm 1930, sau khi vận động thuyên chuyển viên công sứ Sabatier đi nơi khác, các nhà tư bản Pháp lên Ban Mê Thuột khai thác đồn điền cà phê và trồng cây cao su. Thời kỳ này, người Kinh muốn lên lập nghiệp đều gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ.
Ngày nay, ở cây sô 25 đi Phước An đồn điền cà phê bạt ngàn dọc hai bên đường, xưa là của ông Roger. Cũng trên Quốc lộ 21 cây số 47 là đồn điền của ông Maricain (vì cụt một chân nên ông hay dùng ngựa để di chuyển). Còn ông Nicolas lại khai thác đồn điền gần suối ông Phán Lạc (tức tỉnh trưởng người Thượng tên Y Sái thuở đó) nay gần hồ Piscine dưới khu Trần Hưng Đạo. Riêng ông Jean Maury, sau khi khẩn hoang hằng trăm mẫu đất ở Buôn Tur; riêng ở đầu dốc cây số 1, ông cho cất một dinh thự bề thế (kiểu nhà sàn bằng gỗ, hai đầu nhà đều có cầu thang đi lên) xong ông kinh doanh nhà hàng, mở phòng ngủ, phát triển đồn điền cà phê và trại chăn nuôi gia súc. Các cơ sở này đều mang cùng một tên Maury. Trong vùng đất ông Maury khai phá, phía dưới lũng hướng Đông Nam có một con suối, người Thượng làm công cho ông đã lấy tên ông đặt tên cho con suối, tức là suối Maury.
Năm 1936, ông Hồ Tống Hàm ngoài Huế vô lên Ban Mê Thuột làm bồi bếp cho nhà hàng Maury. Sau đó ông trở về Huế chịu tang ông anh Hồ Tống Huy, quan thất phẩm dưới triều vua Khải Định, bị bệnh qua đời. Lúc trở lại Ban Mê Thuột ông dẫn theo cháu gái Hồ Thị Thơm (2) lên làm ăn sinh sống, sau này giới thiệu người cháu cho ông Maury. Năm 1940 họ trở thành vợ chồng sanh được 3 trai, 1 gái (3). Năm 55 – 62, ba người con trai lần lượt sang Pháp ăn học cho tới ngày nay.
Năm 1945, có nhiều cuộc chính biến ..., thời thế thay đổi gây bất lợi cho người Pháp, ông Jean Maury trở về cố quốc, nhưng vẫn đi về giữa hai nước. Năm 59 – 60, ông bỏ đồn điền ở Buôn Tur vì tình tình an ninh. Sau đêm Noel 1959 ông Maury bị bệnh ngồi xe lăn trở về Pháp cho tới ngày ông qua đời. Tất cả sản nghiệp của ông đều giao lại cho ông Hồ Tống Hàm nhưng ông này từ chối vì bận khai thác nhà thầu thực phẩm ở Pleiku nên ông bà Võ Ngọc Huấn tiếp nhận và cai quản cho tới ngày biến cố tháng Tư 1975 (4) .
( Trích trong SUỐI " BU-RI ", XIN GỌI ĐÚNG TÊN NGƯỜI - Phan Ni Tấn )
Mouri suối uốn dưới đồi cây,
Lờ lững dòng trong chở bóng mây,
Bên bờ ngày đó em hong tóc,
Hết rồi yêu dấu đã xa bay.
(Anh Gọi Em Về - Chinh Nguyên)
Hiện nay, có một trong nhiều người mua lại phần đất trên của ông Võ Ngọc Huấn, mở quán cafe RAINY . Khách đến đây có thể nhìn ngắm lại con suối Bu Ri xưa. Không gian yên tĩnh và lãng mạn, chỉ tiếc rằng suối bây giờ đã cạn dòng và nhiều rác...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét