Dọc theo suối Ea Tam...
KHU TRẦN HƯNG ĐẠO
Tôi cũng không biết tại sao khu vực này không gọi đúng tên Hưng Đạo như đã được ghi chép trong các lịch sử hình thành các tôn giáo vùng đất này. Tôi quen gọi là khu Trần Hưng Đạo ngay từ thời còn lông nhông xuống đây tắm Piscine...
Tôi xin trích bài này nói về vùng đất này của CTV trên trangwww.lasanbmt.com...
Những năm 1960, vùng Trần Hưng Đạo khá đa dạng về sắc dân.
- Xa “trung tâm - Chợ Ba-toa” nhất là 3 “Trại Tàu” (là nơi định cư của các người Nùng, Tày di cư từ miền Bắc vào từ 1954, gồm Trại Tàu vùng Thác Nhà đèn, xa nhất; Trại Tàu vùng nghĩa địa Chùa Trong, gần Đền Ông Tựu; và Trại Tàu vùng Đền Ông Cảo, gần nhất).
+ Kế đến là khu người Kinh, chủ yếu là dân di cư từ phía Bắc vào (dân 54) gồm nhiều khu (xưa gọi là Liên gia)
+ Khu Chùa trong (nơi tọa lạc ban đầu của Chùa Phổ Minh bằng gỗ lợp tôn), có nhà Thầy Vũ Văn Sum -thân phụ anh Vũ Tiến Toàn, Bác Vệ, Bác Trương Minh Thi - thân phụ anh Minh Thư, Minh Thắng...
- Khu Chùa “ngoài” + khu Đền Cô Chung (có nhà Bác Đức “đốt”, Bác Liêu, Bá Mẫn, Bá Thành, Cô Tình, Ông Trùm Chuông, Bác Thụ, Chú Chấn, Bác Lý Trình, anh Tưởng lái xe lam...)
- Khu piscine (có nhà Thầy Huy Quang dạy vẽ ngó xuống hồ bơi, Thầy Nhạc dạy Lý), nhà bác Phạn (gia đình anh Đắc Hùng, anh Học, Thắng)
- Khu xóm nhãn (do trồng nhiều nhãn, có nhà Bà Bún) + khu Thăng Long (có tiệm làm cà rem Thăng Long, gần nhà Thấy Bách, anh Bật, chị Khuê, anh Bùi Trung Anh...)
- Khu Ty Mục Súc (có nhà người đẹp Đoàn Thị Hậu),
- Khu Ba-toa (có nhà Bác Chí Y tá, Bá Chấp, Bác Tư Nhài, Ông Quản gầy, Ông Quản Truyền, Ông Lý Khải, Bác Nhuệ - gia đình anh Dương Đức Nhuệ, Dương Đức Tam - quán Bà Trạch, quán Ông “Xập nhì”, Ông Mười mổ heo...) cùng Nhà thờ của Giáo xứ Hưng Đạo.
- Khu Ty Canh Nông (sau Lao xá, gần Tiểu Khu...) là triền đồi ngó xuống “hồ trên” có nhà anh Kình cà rem, anh Nghi lùn, nhà Bà Chi, nhà Cô Minh đực... Nhà Bá Viện, Bá Tình lúc xây chùa mới cũng dời về đây.
- Ngoài ra còn có 2 xóm người Thượng (Ê-đê), một ở đầu ‘hồ trên”, gần nhà Ông Ẩm (thân phụ anh Hồng “méo”, anh Nghi “lùn” đối diện Đền Cô Chung...) một ở sau Trung tâm Tuyển mộ nhập ngũ (trên ngọn đồi đối diện với nhà Thầy Nhạc, chị Phương Huệ, anh Nam Hùng)
Ba “Trại Tàu”, khu Chùa “trong” & khu Chùa “ngoài” và một phần Xóm nhãn sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rau (giống như vùng Suối Đốc học vậy) hoặc nuôi heo, làm đậu khuôn, làm bún. Các khu khác thì thường là gia đình binh sĩ, công chức hay buôn bán nhỏ lẻ, có 1 số nhà làm kẹo kéo đậu phộng. Nói chung, khu Hưng Đạo là vùng nghèo thuộc loại nhất nhì thị xã. Khu Hưng Đạo lại khá “nổi tiếng” với sự có mặt của anh Thanh “lùn”, anh Toán khoèo, anh Quang “cụt”, anh Đắc Hùng ‘cụt”, anh Khoa ‘mập”, anh Khoa “dím”, anh Điền, anh Chung Cấn... cùng một đám lau nhau ăn theo. Chính đám lau nhau này lại hay làm mất uy đàn anh do ưa chặn đường trấn lột hoặc gây sự đối với dân “phố” khi số này xuống tắm tại “hồ Ông Tỉnh”.
Trường Hưng Đạo là một trường nhỏ tí, nghèo xơ xác với khoảng 15 phòng học vách ván, mái tôn, nền ximăng, gồm 5 khối lớp (Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất), mỗi khối lại chia thêm thành lớp A, B,... học sinh Tày Nùng học chung lớp với học sinh Kinh (Bắc 54 là chính). Chương trình học cũng như các trường khác: Đức dục (Công dân giáo dục), Quan sát (sau này lên Trung học gọi là môn Vạn vật), Toán, Việt Văn (trước có học cả Quốc văn giáo khoa thư, sau đó là Tân Việt văn), Sử ký, Địa lý, Thể dục, Thủ công, Kỹ thuật - chủ yếu là nông nghiệp. Khoảng 1965-1968 có cả sách “Em tập tính tốt”, “Em bé tôi” cho phần Công dân giáo dục nữa. Mỗi giáo viên dạy một lớp sáng & một lớp chiều (dạy tất cả các môn), học sinh chỉ học 1 buổi, buổi còn lại đi ... bắt dế, bắn chim, bắn bi, hớt cá, làm vườn, làm rẫy hoặc đi làm linh tinh kiếm sống.
...
Tạp ghi thêm
Nghe mấy người già kể lại rằng, hồi mới di cư vào đây có một ông thầy địa lý người Tàu đã xem thế đất từ khu hồ Lao (của lao xá, Nhà đày BMT, Trung tâm cải huấn sau này) đến đền ông Cảo (Khu Dưỡng ngư) và cho rằng toàn khu này âm khí quá nhiều, không thể nào vượng được; muốn khá hơn, dứt khoát phải rời bỏ thế đất “đuôi con bọ cạp”, yết vĩ, ngô công vĩ gì gì đấy thì mới hy vọng ăn nên làm ra.
Khu đồi trước cái “hồ trên” ngày xưa vốn là 1 nghĩa địa mênh mông dành cho các tù nhân thuộc Nhà đày BMT và phu cao su (thuộc Ty Canh nông thời ấy); những năm 70 khi đào giếng, san nền vẫn còn thấy hài cốt vương vãi. Khu đền Cô Chung ngó qua đồi bên kia là khu Lao xá, (ngay gốc cây ổi sau nhà gia đình anh Trương Minh Thư, Minh Thắng ở một thời gian) còn cả 1 lô 1 lốc nón lính thời Pháp vỡ nát lẫn lộn với vài khẩu “mút-cơ-tông” gãy rời, hoen gỉ… Có lẽ vậy chăng, nên cả xóm Hưng Đạo vẫn cứ mãi chìm trong vẻ u u, buồn buồn, thảm thảm suốt cả 50 năm qua. Nếu quả như vậy, ngôi trường Hưng Đạo tàn lụi cũng là điều dễ đoán.(Hết trích)