Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Dọc theo suối Ea Tam... HỒ PISCINE

Dọc theo suối Ea Tam...
HỒ PISCINE
Nhìn hình ảnh các học sinh ngày xưa lông nhông học bơi ở hồ Piscine...Mình đoán là học sinh của trường trung học ở Banmêthuột có từ thời Pháp thuộc.
Lần theo khảo cứu của Linh Nga Niê Kdăm có ghi chép : "Xứ Thượng Miền Nam Đông Dương" được hưởng một quy chế đặc biệt, nghĩa là có nền hành chánh riêng, những tòa án phong tục riêng và chương trình giáo dục riêng dành cho người thiểu số. Chính quyền thuộc địa Pháp tuyển chọn và đào tạo những thanh thiếu niên thuộc các gia đình vọng tộc người Tây Nguyên và Chăm vào Collège Sabatier (trường trung học cấp hai) ở Buôn Ma Thuột và Lycée Yersin (trường trung học cấp ba) ở Đà Lạt, một số khác được tuyển vào các đơn vị quân sự địa phương. Mục đích của người Pháp trước hết là nâng cao trình độ dân trí của người thiểu số để sau đó giúp họ quản trị vùng đất này.
Trong phóng sự " Người hát rong giữa rừng " của Nguyên Ngọc viết về nghệ sĩ Y Yơn, có kể : " ... Bấy giờ, sau những cuộc chinh phuc tàn bạo và bị đánh trả quyết liệt bằng những cuộc khởi nghĩa của Ma Trang Lơn, M'Kưl, M'Wal, M'Trang Gưh, Ae Muoi..., người Pháp đưa đến Tây Nguyên một ông quan cai trị là một học giả, tên là Sabatier. Sabatier tới Đaklak, học tiếng Êđê; và kết nghĩa làm anh em với tù trưởng Ama Thuột. Chính cái thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay ra đời là từ đó (Buôn Ma Thuột = Làng ông Thuột). Sabatier lập trường, và bắt trẻ con phải đi học. Trẻ con nào không đi học thì cha mẹ bị bắt trói lại đánh đập tàn bạo. Mỗi tổng (có lẽ tương đương với huyện bây giờ) lập một trường. Mỗi trường phải có đủ 40 học sinh. Tổng Ea Hleo của Y Yơn cũng thế. Tất nhiên Y Yơn không được chọn đi học, các quan cai trị, ngay ở cấp xã, làng, buôn, chẳng ai thèm để ý đến cái loại khốn khổ luôn ở bên bờ vực chết đói như gia đình ông... Nhưng rồi trong số 40 học sinh ở trường Ea Hleo có một cậu tên là Y Khí bị chết, chắc là bệnh sốt rét. Phải bắt cho được một tên thay thế. Ông thầy giáo tên là Nay Brui đi các làng, tình cờ nghe Y Yơn hát, thích quá, bảo hát nữa đi, hát nữa thì cho 5 xu. Được 5 xu, Y Yơn hào hứng, hát càng hay... Và như vậy là anh bị "bắt" đi học, thay chỗ cho Y Khí. Trường Tây của Sabatier bấy giờ cũng rất lạ: người ta dạy tiếng Pháp, dạy môn Instruction civique (công dân giáo dục) và Lịch sử nói rằng: "Nos ancetres sont des Gaullois" (tổ tiên chúng ta là người Gaullois)... Nhưng người ta cũng dạy tiếng Êđê và Gia Rai, lại có một môn học nghiêm túc Coutumes Rhades et Jarai (Phong tục tập quán Êđê, Gia Rai) và cả dân ca mỹ nghệ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét