Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Thương nhớ mười hai... Tết ông Công ông Táo

Thương nhớ mười hai...
Tết ông Công ông Táo
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người
...
Thì ra mình trách vợ bận rộn về tết, ốm cả người, mà chính mình từ rằm tháng chạp trở đi cũng bận rộn, vất vả y như vợ vậy. Cái việc mua giấy hồng điều rắc vàng để nhờ ông Cả Nam viết câu đối dán ở cột trước cửa và ngoài sân; cái việc mua trầm để đốt trên bàn thờ; cái việc đi chọn pháo Công Tường Cát để đốt đêm giao thừa vào ba ngày tết, nhất định mình không đảm trách thì không được. Cũng không được, nếu sắm sửa tết tàm tạm xong xuôi mà mình lại không cùng với vợ đi thăm mộ gia tiên nội ngoại để viếng các cụ, đắp lại mộ các cụ và thắp nhang mời các cụ về ăn tết với con cháu nhà. Trước đây, làng Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh có cái lệ đi thăm mộ gia tiên hàng năm ấn định vào ngày ba mươi tháng chạp nếu là tháng đủ, hay hai mươi chín nếu là tháng thiếu. Nhiều làng khác cũng theo như thế. Nhưng sau này, đời sống xô bồ, có thay đi chút ít, người thành thị đi thăm mộ ông bà cha mẹ sớm hơn một chút, có khi trước ngày ông Táo lên chầu trời, có khi sau vài ngày.
*
* *
Thực tình, cái giống nhà văn, nhà báo có lúc đáng yêu thật, nhưng có một vài khi cũng làm cho đàn bà bực cả mình. Cái gì lại đem cả ông Táo ra chế nhạo là “đội mũ đi hia chẳng mặc quần”? Cái gì lại đề nghị bỏ tục lễ ông Táo mà cho như thế là dị đoan? Cái gì mà năm nào cũng nhạo ông Táo “lập bô” lên với Trời về các việc xảy ra dưới trần?
Muốn nói gì thì nói, người vợ, đúng ngày hai mươi ba tháng chạp, cứ phải đủ lệ bộ tiễn ông Táo lên trời thì mới yên lòng.
- Mình là người trần mắt thịt, biết thế nào là dị đoan hay không dị đoan, biết thế nào là Tây Phương có lí hay Đông Phương có lí? Ai bảo phản khoa học em chịu, ma ai bảo cái tục này do quan lại phong kiến đặt ra để ngu dân, lại cũng chịu luôn; nhưng lễ tiễn ông Táo vẫn cứ lễ tiễn như thường vì không làm như thế thì em ăn tết không ngon. Tội gì mình lại khổ thân mình như thế?
- Nhưng mà nó buồn cười, em ạ. Tiễn một ông vua bếp cưỡi ngựa cá chép lên chầu trời, còn có cái gì nực cười bằng?
- Nói như thế, thật hay, thật đúng. Nhưng mà ta cũng nên biết rằng ta thờ kính ông Táo có phải là ta thờ kính cái ông vua bếp cưỡi cá chép lên chầu trời đâu?! Cũng như ta trồng nêu, vẽ vôi bột, gói bánh chưng, dọn cửa lau nhà, kiêng cữ chửi mèo mắng chó, ta tiễn ông Táo là để chứng tỏ tính chất đồng nhất của xã hội, vì biết ăn tết tức là tầm mắt ta đã vượt được cái tổ chức thị tộc bộ lạc chật hẹp để sống với nhau rộng rãi hơn trong sự đoàn kết của nhiều thị tộc bộ lạc thống nhất với nhau về quan niệm, nghi lễ cũng như về thời gian.
Đấy là lúc tổ chức gia đình đã có cơ thay thế cho tổ chức thị tộc. Sự thờ cúng ông Táo và sự tiễn đưa ông Táo lên trời hôm hai mươi ba tháng chạp chứng tỏ rằng người mình lúc ấy đã tổ chức thành gia đình nhỏ, mà cái bếp của ông Táo là tượng trưng cho gia đình, cái bếp là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Cái gia đình ấy, cái đơn vị ấy đồng nhất từ Bắc vào Nam cho nên không có kẻ nào chia rẽ được Nam với Bắc.
Nếu bảo tiễn ông Táo là mê tín dị đoan thì cả nước ta đoàn kết ngay cả trong sự dị đoan, mê tín: ông Táo ở Bắc, hôm hai mươi ba tháng chạp, lên chầu trời cưỡi một con cá chép thì cũng ngày ấy ở Trung, ông Táo cưỡi một con ngựa yên cương chĩnh chạc, còn ở trong Nam thì giản dị hơn, đồng bào ta cúng ông một cặp giò – cặp hia để cho ông đi lên Thiên Đình cho lẹ!
Người chồng đùa dai, chọc nữa:
- Người ta bảo là ông Táo tham nhũng lắm, chẳng biết có đúng không? Ai mà lễ ông chu đáo, ông tâu tốt, ai không có gì, ông truy…
- Đấy là nói đùa. Nhưng nếu căn cứ truyền thuyết mà bàn thì ông Táo nếu ăn tiền có muốn tâu bậy cũng không thể được. Là vì – lại theo thần thoại – các cụ ngày xưa chống tham nhũng triệt để chớ đâu có như bây giờ. Anh quên mất rồi ư? Tháng mười ta có lễ song thập là ngày lễ gần cuối năm, có tên là Hạ Nguyên.
Đó là theo tục lệ nhà Phật.
Nhưng theo truyền thuyết thì ngày song thập, tức là mồng mười tháng mười, trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng Thượng Đế sai một sứ thần tên là Tam Thanh xuống kinh lí trần gian để kiết toán những điều lành hay dữ trong một năm qua để làm biên bản tâu lên Ngọc Hoàng minh xét. Vì thế, vào ngày ấy, dân chúng lập bàn thờ hương án để rước điều lành, tránh điều dữ trong dịp thăm viếng của sứ thần Tam Thanh, đồng thời sửa cơm canh cúng ông bà cha mẹ qua đời và cầu Trời Phật phù hộ cho mạnh khoẻ, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi.
Như vậy là trước ngày ông Táo lên chầu Trời hai tháng thì đã có một phái đoàn điều tra xuống dưới trần để xem xét tình hình rồi, các ông Táo của các gia đình gan có bằng gan cóc tía cũng không dám khai gian nói bậy.
Nói câu này, nhất định có người sẽ bảo là mình nịnh vợ, nhưng có thế nào cứ nói thế, không sao: tôi thích nghe những truyện truyền kì như thế nhưng từ buổi di cư vào miền Nam ít được ai nói tới, thành thử lắm khi cũng nhớ, mà đời hình như cũng kém thơ mộng đi một chút. Có lẽ cũng chính vì thế mà ăn mười tám, mười chín cái tết ở đây, vào ngày ông Táo chầu trời, không thấy ai cúng cá chép, mình có khi cảm thấy như nhớ cái gì đẹp lắm mà mất đi không còn thấy nữa. Tôi nhớ Bắc Việt vào những ngày hai mươi ba tháng chạp, tiễn ông Táo lên Thiên Đình, cái không khí nó khang khác chớ không như thế này… Từ sáng tinh sương, chưa bước chân xuống giường, tôi đã nghe thấy rao ơi ới ở khắp các nẻo đường: “Ai mua cá ông Táo không?”, “Cá ông Táo không nào”. Nghe như thế, tự nhiên lòng mình bỗng nao nao vì biết rằng có cá ông táo là sắp đến Tết rồi. Không thể nào nằm được nữa. Mình ra xem thì thấy những bà bán hàng gánh hai cái thùng sơn đi vắt vẻo đôi tay, như chạy, để bán vội cho hết hàng, kẻo còn phải về sớm để sắm sửa tiễn ông Công lên chầu Trời tâu việc hàng năm của mỗi gia đình. Ông Công đó là thần Trương Đàn hay Tử Quách, chỉ phụ trách riêng về việc bếp núc, còn Thổ Địa trông nom việc nhà, Thổ Kỳ có nhiệm vụ coi về chợ búa và tăng gia sản xuất cho đàn bà.
Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ là ba nhân vật trong truyện truyền kì “hai ông một bà” mà dân gian đều biết: hai ông là Trọng Cao và Phạm Lang, còn một bà là Thị Nhi cùng chết trong một đống rơm. Để kỉ niệm ba người cùng chết một lần vào ngày gần tết, dân chúng làm cái bếp ghép bằng ba hòn gạch đều nhau bắt góc. Ở giữa, có để một hòn đá: đó là tên đầy tớ xông vào đám cháy để cứu chủ không được mà cũng bị chết lây. Thường thường, ai cũng tưởng lễ tiễn ông Táo là ngày lễ cuối cùng trong một năm, thật ra sau đó hai ngày còn lễ tiễn ông vải, lễ tạ trường và lễ tất niên.
...
(Trích trong "Thương Nhớ Mười Hai - Tháng Chạp của Vũ Bằng đăng trênhttp://nslide.com/…/bai-viet-thang-muoi-hai-thang-chap-thuo…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét