Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

HOA ĐỖ MAI TRÊN CAO NGUYÊN

Xuân đang đến gần...
HOA ĐỖ MAI TRÊN CAO NGUYÊN
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Hàng năm, khi mà tiết trời bắt đầu trở nên se lạnh, sắc hồng Đỗ Mai bắt đầu tràn ngập các con đường đất đỏ, dọc theo bờ rào, hay nép bên những ngôi nhà nhỏ là người dân Cao Nguyên biết rằng mùa xuân đã về trên đại ngàn.
Sau khi những rẫy cà phê thu hoạch xong thì cũng là lúc những cây Đỗ Mai dần dần trút bỏ lớp áo lá màu xanh, chỉ còn trơ lại những cành cây gầy guộc, trơ mình trong sương sớm và cứng rắng trong cái nắng chói chang giữa trưa. Vào khoảng thời gian đầu tháng chạp, những cành cây tưởng như khô héo ấy bỗng xuất hiện những chùm lớn cùng những nụ hoa bé nhỏ, sau đó cứ thế lớn dần rồi mới từ từ hé cánh. Khác với những loài hoa khác mau nở chóng tàn, hoa Đỗ Mai nở rất chậm và lâu tàn chứ không hề vội vã và chóng vánh. Vào thời điểm nở rộ, những chùm hoa sẽ phủ kín hết cành, từng chùm hoa Đỗ Mai dài nhưng không rũ xuống mà hướng nghiêng lên trời, đẹp tựa như hoa Anh Đào Nhật Bản, chính vì vậy người ta còn gọi nó là Giả Anh Đào.
...
Mặc dù là người Cao Nguyên nhưng cũng không có mấy người quan tâm rằng loài cây này đã hiện hữu trên vùng đất của họ từ bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi khi mùa xuân về, bên cạnh hoa cà phê thì Đỗ Mai là loài hoa đẹp nhất. Hai loài hoa khác hẳn nhau về số mệnh, một bên được chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo, kiêu hãnh khoe sắc, tỏa hương, một bên là sự hoang dã nhưng dịu dàng, e ấp. Cả hai cùng cùng đẹp, cùng quyến rũ, cùng tạo nên sự hấp dẫn của đất trời Cao Nguyên.
Hương Đỗ Mai không đậm đà mà nhẹ nhàng, kín đáo hoặc cũng có thể là do cái gió cao nguyên đã kéo nó vào với cái không gian bạt ngàn của cà phê và cao su. Chỉ người nào có tình với loài hoa này thì mới có thể cảm nhận được cái vẻ đẹp thầm lặng ấy.
...
(Trích theo nguồn http://cungbandulich.info/hoa-do-mai-tren-cao-nguyen-)
---*---
Theo các học trò kỳ cựu của trường Nông Lâm Mục Súc Bảo Lộc, cách đây hơn nửa thế kỷ, giáo sư Lê Văn Ký (vị giám học đầu tiên của trường, cũng là thầy giáo đầu tiên của ngành Lâm nghiệp) trong một lần hướng dẫn môn sinh trong môn phân loại thực vật có bảo: “Hàng cây đỗ mai trồng từ cổng trường Bảo Lộc về hướng Lưu Xá D là do thầy đem từ rừng về. Thầy đặt tên là đỗ mai vì trái nó giống trái đậu và bông nó giống như bông mai”.
Thầy Ký hiện đang sống tại Đồng Tháp và vẫn còn rất minh mẫn. Trong một lần về thăm cách đây trên mười năm, khi người viết hỏi về chuyện này, ông khiêm tốn trả lời: “Thầy chỉ đặt tên cho cây hoa ấy là đỗ mai. Còn các cái tên khác như đỗ đào, anh đào giả thì ai cứ yêu thích tên gì gọi tên đó. Quan trọng là cây hoa đẹp đã được biết đến và đang được phát triển rộng khắp...”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét